16/02/2018 07:30 GMT+7
(lienminhbng.org) - LTS: "... Bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn thì chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ...".
Đó là góc nhìn của nhà văn Nguyễn Việt Hà về "thương hiệu văn hóa" Hà Nội. Và hẳn nhiều người biết rằng, nhà văn Cơ hội của Chúa còn là tác giả của những bài tạp văn tuyệt kĩ đầy chất "Con giai phố cổ". Nói về "Đàn ông Chất" của Hà Nội thì phải nói đến Nguyễn Việt Hà và phải "lai rai" những áng văn biến hóa linh hoạt của anh.
1. Khá nhiều người Hà Nội đã thích nghe nhạc Trịnh từ trước ngày đất nước thống nhất (30/4/1975). Có lẽ một đoạn nối vô thức nào đó, vừa như đầm đậm nuối tiếc xưa cũ vừa như bảng lảng sương khói mơ hồ của “mái ngói thơm nâu”, của “cây bàng lá đỏ” đã hiện diện từ những Đặng thế Phong hay Đoàn Chuẩn ở những năm xa xưa.
Thực ra âm nhạc cũng chỉ là một ví dụ thôi. Bởi cái ký ức cuồn cuộn về Hà Nội luôn nồng nàn có ở văn ở họa và đặc biệt là ở thơ. Hình như có một mặc định, bất cứ ai mong manh đôi chút chất “nghệ”, bất kể gốc gác “thập phương tứ xứ”, nhưng đã ở Hà Nội một đoạn thì chợt nhiên thăng hoa thành nghệ sĩ. Vì một lẽ tự nhiên giản dị, Hà Nội vốn là một thành phố dầy dặn văn hóa và nghệ thuật.
Và cái Hà Nội đó liệu có phôi pha. Thường những gì đã cũ kỹ, thì phải phi thường lắm mới giữ nguyên được hình hài. Hà Nội là một thành phố đã nghìn năm tuổi, thời gian rêu phong những mái chùa những góc phố, nên nhỡ có phôi pha đi một vài tinh hoa hồn cốt, thậm chí bị tuyệt truyền khuất lấp thì đâu có phải là chuyện quá lạ. Ví như có những thứ, tuy nhỏ nhoi mơ mộng thôi, nhưng luôn quấy rầy ký ức của những thị dân đã nhiều tuổi trót đau đớn từng yêu Hà Nội ở cái thuở hiếm vắng ôtô, thưa thưa xe máy và thanh nhã dịu dàng ngập tràn xe đạp. Lúc ấy, tuyệt hiếm những khu chung cư vỗ ngực “cao cấp” thô lỗ, vô cảm cao tầng. Thảng nếu có, như khu Kim Liên, Trung Tự chẳng hạn, thì nó cũng chỉ cao vừa đủ để cho một chàng trai đang yêu đứng dưới lòng đường, vọng lên những lời tình tứ cho một cô bé dối cha dối mẹ đang giả vờ đọc sách ở cửa sổ tầng thượng.
Nhưng cồn cào ám ảnh quyến rũ nhất, vẫn là thấp thoáng dáng của một vài mỹ nhân phố, ơ hờ trên lãng mạn ban công có giàn hoa giấy. Bọn họ đoan trang kiêu sa “lẳng” tới mức, khi mình đăm đắm nhìn thì họ hình như cũng nhìn trộm lại.
2. Với nhiều người Hà Nội, thì từng mùa trôi trên phố lại là nỗi nhớ khó phai. Chẳng ai có thể quên nổi cái liêu xiêu của gió lạnh đầu Đông, cái tím nhợt rét của chiều muộn bảng lảng trên từng viên đá lát vỉa hè. Ghế đá thưa người làm những cặp tình nhân ôm nhau lâu hơn, hôn nhau chân thành hơn.
Đã có một thời, người Hà Nội chống rét bằng cách âu yếm yêu nhau. Và để chống rét đầm ấm lãng mạn hơn thì không gì bằng quán phở rong đêm muộn nghi ngút khói. Còn tuyệt vời nhất vẫn là cùng mấy người bạn thong thả chén rượu bên bếp lò nhỏ than hoa nhấp nháp chả cá.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có hẳn một phố mang tên món ẩm thực tinh tế thượng thặng này. Ký ức mùa Đông thời bao cấp còn tặng riêng cho Hà Nội những dáng thấp thoáng phụ nữ ngồi đan. Thỉnh thoảng cũng có nàng cậy giọng trong, thầm thì tự hát. Hình như bây giờ phố cổ đã tuyệt truyền hết hẳn những kiểu dáng dịu dàng tần tảo ấy. Bên cửa sổ chỉ còn thấy nhan nhản các nàng mặt tròn chĩnh mỡ, há hốc mồm lướt facebook.
Cho tới bây giờ, mùa Xuân ở phố là mùa ít chịu thay đổi nhất. Hà Nội luôn là Hà Nội khi đón Tết. Phố nào cũng thưa người, thanh thản thanh sạch. Phảng phất trong màn mưa phùn mìn mịn là mùi hương nhu hay lá mùi già.
Thực ra ở những ngày xưa, mua đào là đặc quyền của những ông bố. Bởi đám cao bồi già thị dân, luôn mặc định việc sửa soạn bàn thờ tổ tiên và mua cành đào chơi tết là nghi lễ thiêng liêng. Tất tật những sự vụ khác kiểu như cỗ bàn, lau dọn nhà cửa…là chuyện lụn vụn của đám đàn bà. Thường thì họ rủ thêm một hay hai tay bạn thân, đa phần là những trung niên khó đoán tuổi, cho dù tóc đã bạc tới sáu bẩy phần. Bọn họ thong thả mặc cái “ghi lê” len ra ngoài sơ mi, khoác áo vét vào, đội mũ phớt vào, có tay sành điệu cầm cả “can”, mồm ngậm “píp”. Nhìn những ông bố cao bồi có tuổi kiêu bạc, thanh thản khệnh khạng đi ngắm hoa chọn đào trong chiều mưa phùn cuối Chạp giăng mịn rêu phong phố cổ mới thấy Hà Nội tinh tế đẹp đến nao lòng.
3. Vậy Hà Nội hôm nay liệu có phôi pha. Hà Nội thì có sông, có hồ và quan trọng nhất là có người. Khái niệm “người Hà Nội” thì đương nhiên khác khái niệm “người ở Hà Nội”, cho dù cùng năm tháng những người ở Hà Nội, phần nào đấy, rất dễ thành người Hà Nội.
Những người Hà Nội gốc gác xa xưa tuy đã thấp thoáng ẩn hiện ở “Thượng kinh ký sự” của thần y Lê Hữu Trác, ở “Vũ trung tùy bút” của lãng tử Phạm Đình Hổ, thế nhưng phải đến thượng bán thế kỷ XX, họ mới thực sự có một “chân diện” đậm nét. Họ là những người thấm đẫm cốt cách phương Đông nhưng ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận văn hóa phương Tây.
Ở thời đoạn sơ khai ra một Hà Nội hiện đại này, không thể không nhắc đến vai trò của người Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ở hôm nay, Hà Nội vẫn trân trọng có con phố với vườn hoa tuyệt đẹp mang tên Y-éc-xanh. Có thể nói không ngoa, thế hệ vàng thi văn tiền chiến 30-45 với những Thế Lữ, Xuân Diệu, Thạch Lam… là hệ quả thành tựu từ sự tiếp biến văn minh tích cực ấy.
Và không chỉ văn hóa, kinh tế ở Hà Nội cũng có những đổi thay nhất định. Một giai tầng trung lưu tương đối dư dật đã xuất hiện, nó tạo tiền đề manh nha khởi sinh một lớp thượng lưu có chữ thuần Việt vẫn được quen gọi là tư sản dân tộc. Ở sâu xa, nội lực tâm hồn của tất cả lớp thị dân hiện đại ban sơ này, đã hình thành lên các phẩm tính mà bây giờ chúng ta vẫn coi là “Hà Nội”. Đó là sự tinh tế tài hoa cầu kỳ kiêu bạc, là sự thẩm thực, thẩm âm, thẩm văn thượng thặng, nhưng cực kỳ “tự nhiên nhi nhiên”. Đã là người Hà Nội thì không bao giờ phải cố. Họ vô tư trong sáng ái quốc, nồng nàn hồn nhiên ngay cả khi phải khắc nghiệt lao động và chiến đấu.
Rồi thật đáng tiếc, do xô đẩy của những khách quan lịch sử, các thập kỷ tao loại tiếp theo đã làm phôi pha mất dần những đứa con dứt ruột của phố. Hà Nội bỗng như bị mang các giá trị mơ hồ. Thậm chí cách đây chưa lâu, có một bộ phim nhựa đoạt giải vàng mang tên “Hà Nội, Hà Nội” nhưng chẳng có ai trong trắng yêu thủ đô lại có thể nhớ được nó. Hỡi ơi, đâu cứ phải ca ngợi mỹ nhân thì xưng xưng đặt tên là “người đẹp”. Cái khiếm khuyết này chắn chắn rồi đây những người trẻ hôm nay sẽ bổ khuyết. Để Hà Nội muôn đời vẫn vậy, theo cách hiểu trong sáng nhất như đã từng có. Nó đã và đang là trái tim hồng của cả nước, vừa mang chói sáng dân tộc tính, vừa mang bản sắc của riêng nó đã từng tự hào.
Một thành phố như vậy liệu có thể phôi pha.
Nguyễn Việt Hà
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất