24/01/2020 06:16 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thành ngữ Việt Nam có câu "Đói giỗ cha, no ba ngày Tết". Tết đến, dù gia cảnh có nghèo khó đến đâu, người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày đầu năm, sao cho "già được bát canh, trẻ có manh áo mới". Bữa ăn ngày Tết rất được chú trọng, thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang hơn bữa ăn ngày thường, vì vậy mà người xưa thường gọi là "ăn Tết".
Tết xưa - vui vẻ và háo hức
Tết xưa, trong ký ức của nhiều bậc cao niên hay trong những câu chuyện kể lại, luôn là thời điểm bận rộn nhưng vui vẻ, đầm ấm nhất trong năm của mọi gia đình Việt Nam. Mặc cho đời sống vẫn còn nhiều lo toan, túng thiếu, người người vẫn mong đến Tết. Tết - không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi sau tháng ngày lao động mệt nhọc, nó còn là dịp để mọi người mời nhau thưởng thức những món ngon, vật lạ mà quanh năm vất vả bận rộn không có điều kiện chuẩn bị. Vì thế, xưa kia "Ăn Tết" chỉ có 3 ngày, nhưng việc chuẩn bị Tết luôn được tính toán chu đáo, cẩn thận gần như cả năm.
Việc quan trọng nhất và cũng mất nhiều công nhất cho Tết là nuôi lợn. Giống lợn quê cho ăn cám nấu cây chuối dọc khoai hay bèo tấm, sức lớn mỗi tháng chỉ 4-6 kg, nên để đạt trọng lượng 50-60kg thịt cho Tết phải nuôi từ đầu năm.
Vốn là dân tộc thuần nông, chỉ trừ số ít gia đình quan lại và dân phố thị có cao lương mĩ vị ăn Tết, đại đa số người Việt làm ruộng ở nông thôn, lấy bánh chưng thịt lợn làm cơ bản để cúng và ăn Tết, nên mỗi nhà thường mổ một con lợn để ăn tết. Nhưng cũng có nhà ít người hoặc nhà nghèo thì hẹn nhau "đụng lợn", vài nhà chung nhau một con, để nhà nào cũng có thịt, có bánh ăn một cái Tết tươm tất.
Suốt ngày 28 đến 30 tháng Chạp tiếng lợn kêu eng éc khắp làng xóm, các bến nước hai bên bờ sông kẻ lên người xuống dập dìu, chỗ này cọ lá dong, chỗ kia làm lòng lợn. Quanh năm bận rộn, bữa ăn đơn giản vài ba món, toàn là rau dưa, cà kiệu, cá tôm, cua lươn, ốc ếch. Tết đến mổ con lợn ra mới có điều kiện bày vẽ trước cúng sau ăn. Cái thủ thường dùng gói giò gọi là giò thủ, đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ. Chả rán thì dùng thịt nạc giã nhuyễn nặn như chiếc đĩa, chả nướng thì thái miếng ướp hành nước mắm, cũng ướp cả riềng mẻ nữa, vót tre làm xiên mỗi xiên 7-8 miếng.
Những khổ thịt ba chỉ hay nửa nạc nửa mỡ luộc qua cho cứng lại rồi thái thỏi bề ngang vài ngón tay, đem áp chảo. Sườn thì chặt quân cờ cặp gắp nướng chả vè hoặc tút xương làm chả chìa. Xương để hầm măng khô. Món nem thính gói lá ổi cũng nhiều nhà làm, vì có nó, hương vị Tết mới đậm đà...
Thứ đến là bánh chưng - bánh chưng ở miền Bắc, bánh Tét ở miền Nam là hai món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền người Việt. Với những nhà có điều kiện, ngay từ đầu tháng chạp đã lo mua gạo nếp, đậu xanh... để sẵn. Thậm chí đến những chiếc lá dong để gói, những chiếc lạt để buộc bánh cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm.
Bánh chưng là món ăn ngon, hạt gạo tự mình làm ra chẳng cần đong đếm song ngặt một nỗi là chiếc nồi đồng luộc được ba bốn chục bơ gạo bánh, trong làng chỉ có năm bẩy nhà giầu sắm được. Vì vậy phải mượn chuyền tay nhau, phải dạm trước với nhà chủ để còn sắp xếp. Có nhà luộc bánh từ sáng ngày 27, nhà mượn cuối cùng là chiều 30, tính đếm sao cho kịp trả nồi trước lúc gia chủ thắp hương đón giao thừa, tiếng pháo nổ rền mừng năm mới.
Trước đó, đến rằm tháng Chạp thì nhà nào cũng làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước gio bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ cắt rễ trộn muối hai ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Không phải món chính, nhưng trên mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món này. Đó là món ăn làm tan ngay cái ngấy của thịt, của mỡ, của những món ăn chính được sử dụng thường xuyên trong ngày Tết. Chính vì thế, dù giản dị và thanh đạm, nó vẫn được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Công việc chuẩn bị cho Tết vất vả là vậy, nhưng lạ là không ai kêu ca, ngược lại trẻ già trai gái, ai nấy đều vui mừng háo hức.
Để Tết nay trọn vẹn và vui vẻ
Ngày nay cuộc sống ngày càng đủ đầy, các phong tục, thói quen trong dịp Tết cũng dần thay đổi. Việc ăn uống trong ngày Tết không còn quá quan trọng, chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Bánh chưng, lợn, gà… xưa vốn là món quý chỉ dùng trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết, thì nay đã là món ăn hàng ngày và đều dễ dàng mua được. Do đó, nhiều gia đình duy trì tục gói bánh chưng nhưng chỉ là để vui, để cho có không khí ngày Tết.
Xã hội phát triển, cuộc sống bộn bề những lo toan, tất bật thì việc không cầu kỳ chuẩn bị Tết là điều tất yếu. Nhiều người đi làm xa nhà thậm chí còn lỗi hẹn về quê ăn Tết với gia đình. Còn một bộ phận người lao động hiện nay, họ sợ Tết bởi những gánh nặng mưu sinh. Giá trị Tết truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi sự đề cao của giá trị vật chất. Áp lực kinh tế đã khiến nhiều người còn có suy nghĩ tiêu cực, không thích Tết và không dám về quê ăn Tết.
Tuy mang nhiều áp lực khi Tết đến, nhưng nhìn chung, người Việt vẫn xem Tết là dịp lễ quan trọng, ý nghĩa nhất trong năm. Nhưng để giảm bớt những nỗi lo và “nỗi sợ” Tết, điều cần nhất là sự đồng lòng thấu hiểu của tất cả mọi người. Tết chỉ thực sự ngọt ngào và ý nghĩa khi hàm chứa giá trị của tình cảm chân thật.
Đôi khi bận rộn khiến người ta quên đi giá trị ban đầu của ngày Tết cổ truyền, lý do vì sao lại có Tết. Ngày nay, Tết rất cần những sự sẻ chia, những tấm chân tình, để đọng lại những giá trị truyền thống thiêng liêng trong mỗi thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau làm nên một mùa Tết trọn vẹn, vui vẻ./.
Thu Hạnh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất