18/01/2017 09:58 GMT+7
(lienminhbng.org) - Cuối cùng thì cuộc tranh luận về việc trùng tu bia Chiến sĩ Trận vong tại Huế đã bước đầu ngã ngũ tại cuộc họp do lãnh đạo địa phương tổ chức vào hôm qua 17/1.
Đồng thuận với các chuyên gia, lãnh đạo thành phố Huế yêu cầu phía thi công cần điều chỉnh việc trùng tu kiến trúc lịch sử này theo hướng gần với giá trị gốc. Cụ thể, tông màu của công trình hiện tại rất mới và sáng và gây ức chế người xem. Họa tiết của một số chi tiết của công trình được làm lại cũng sai hoặc thiếu so với nguyên gốc và cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.Kết luận ấy đồng nghĩa với một thực tế: những băn khoăn, thậm chí là bất bình của người dân và chuyên gia về "áo mới" của bia là có cơ sở…
… Bia Chiến sĩ Trận vong chỉ là một trong số các trường hợp di tích "gây sốt" trong dư luận về màu áo mới thời gian qua. Không hẹn mà gặp, cùng với công trình tại Huế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và cổng Đoan Môn tại Hoàng thành Thăng Long (cùng tại Hà Nội) đều rơi vào cảnh tương tự.
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong sau khi trùng tu sắp xong, chụp ngày 11-1-2017. Ảnh: Minh Tự/báo Tuổi Trẻ
Chỉ bắt đầu từ vài tấm ảnh được chia sẻ trên mạng, cộng đồng đã liên tục đặt ra nhiều nghi vấn và hàng loạt câu hỏi phản biện về tính hợp lý, cũng như độ chính xác - khi 2 di sản này bất ngờ được phủ lên mình những lớp màu sắc có phần khác lạ so với bình thường.
Và, sức ép từ những câu hỏi ấy lớn tới mức, dù khẳng định rằng thao tác chuyên môn là đúng nguyên tắc, phía quản lý các di tích Văn Miếu và Hoàng thành Thăng Long cũng rất cầu thị,nhiệt tình trong việc cùng báo giới giải đáp các thắc mắc của dư luận. Thậm chí, ngày 16/1 phía Văn Miếu đã công bố hẳn một báo cáo giải trình với lãnh đạo Hà Nội về vấn đề này.
***
Thắc mắc của cộng đồng có thể đúng, như trường hợp tại Huế. Và cũng có thể được đặt ra vì chưa tường tận, như trong trường hợp tại Văn Miếu và cổng Đoan Môn.
Nhưng, tôi không nghĩ rằng sự thắc mắc ấy là vô lý. Ngược lại, hãy nhìn đó như một sự chuyển biến về nhận thức, khi chúng ta bắt đầu “cảnh giác” với vấn nạn trùng tu hỏng, trùng tu sai tại các di tích - vốn đã xảy ra quá nhiều trong quá khứ.
Và khi nhận thức của xã hội được nâng lên ở những vấn đề như vậy (thay vì chỉ quan tâm tới chuyện cơm áo gạo tiền như thời xa xưa), rõ ràng cách truyền thông, và phổ biến kiến thức về di sản, di tích cũng cần được sửa đổi theo.
Tại sao người dân (thậm chí là nhiều chuyên gia) luôn tá hỏa và phỏng đoán đủ cách, mỗi khi họ phát hiện một công trình cổ được được trùng tu, trang hoàng mới? Tại sao những người thực hiện dự án luôn ở thế chạy theo, giải thích với dư luận khi các câu hỏi đặt ra, trong khi họ có thể làm điều này từ sớm hơn?
Nếu như vậy, người dân không đáng trách. Bởi, họ không được tiếp cận đầy đủ với mọi thông tin trước khi trùng tu. Họ không hiểu rõ về giải pháp trùng tu, cũng như không được đóng góp ý kiến trong quá trình tìm các phương án xử lý xuống cấp.
Và hơn tất cả, “thảm cảnh” của những di tích bị trùng tu hỏng, trùng tu sai đã luôn ám ảnh và càng khiến người dân lo lắng trước câu chuyện này.
Đừng nghĩ rằng, vì cộng đồng không tường tận những kiến thức chuyên môn mà chúng ta bỏ qua quyền được phản biện và góp ý của mỗi công dân.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất