'Đừng để nghi thức chém lợn ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam'

10/02/2015 08:58 GMT+7

(lienminhbng.org) - Không đồng tình, thậm chí kiên quyết phản đối nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), chuyên gia xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh vẫn tỏ ra khá bình tĩnh khi nói về cuộc tranh luận quanh vấn đề này - cũng như về chiến dịch vận động “ban hành Luật chấm dứt lễ hội chém lợn” mà Animal Asia (AA-Tổ chức Động vật châu Á) đang kêu gọi.

Hiện là Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật VN), ông Linh cho biết:

- Tôi luôn bảo vệ quan điểm: Nghi thức chém lợn mang nhiều yếu tố bạo lực và dễ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng- mà trực tiếp nhất là trẻ em. Và, dù nghi thức này gắn liền với vấn đề tâm linh tín ngưỡng, ta vẫn hoàn toàn có thể cải biến nó. Bởi, đặc tính quan trọng của văn hóa là sự lắng nghe, thông hiểu và tiếp nhận thêm những giá trị mới, để rồi sửa đổi, hoàn thiện hơn cho mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, chứ không phải duy trì những khuôn mẫu bảo thủ.

Tuy nhiên, để sửa đổi một nghi thức văn hóa, điều quan trọng nhất vẫn là sự tự nhận thức, tự nguyện chấp nhận và đồng thuận từ chính cộng đồng đang thực hành nó. Nếu người dân Ném Thượng vẫn chưa hiểu, chưa phục, chúng ta có áp đặt thế nào thì cũng khó lòng tạo nên một giải pháp đủ bền vững và lâu dài.


Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh

* Vậy bản thân ông nghĩ sao khi AA đề xuất “ban hành Luật chấm dứt lễ hội chém lợn”, cũng như việc họ cho rằng đây là “lễ hội tàn bạo nhất VN”, “đi ngược lại đạo lý”...?

- Thực tế, pháp luật của chúng ta chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề giết thịt động vật nuôi (gia cầm). Do vậy, yêu cầu đưa ra văn bản cấm hoàn toàn lễ hội vì lý do ấy là chưa đủ căn cứ pháp lý. Còn về mặt câu chữ, văn bản đại diện cho quan điểm của một tổ chức thì luôn cần chặt chẽ, khách quan và thấu tình, đạt lý hơn chuyện phát biểu ý kiến của một cá nhân riêng lẻ. Việc dùng những câu từ có phần nặng nề, chưa chặt chẽ đã có phần kích động và tạo nên sự căng thẳng không đáng có như vừa qua.

Nhưng ở góc độ ngược lại, rõ ràng quan điểm mà AA đưa ra cũng có những lý lẽ hợp lý nhất định. Và ngay với dư luận tại VN thời gian qua, bên cạnh những phê phán quá khích, xúc phạm cộng đồng Ném Thượng, thì cũng có không ít những lời phân tích, đề nghị đúng mực và đạt lý, đạt tình. Bởi vậy, tôi mong những người đang cổ vũ cho việc thực hành nghi thức chém lợn cũng nên bỏ qua cảm giác tự ái, bực bội để suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, khách quan hơn.

Trong thời đại toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đại chúng, chúng ta không thể đóng cửa nhà mình và lập luận rằng đây là việc riêng, không ảnh hưởng tới ai cả. Quyền lợi và nguyện vọng của một cộng đồng luôn phải được đặt dưới quyền lợi chung của quốc gia, thậm chí là quốc tế. Các bạn nghĩ sao khi người nước ngoài đang muốn tìm hiểu văn hóa VN, họ chưa kịp nhìn thấy tà áo dài, nghe câu ca quan họ, tìm hiểu nghi thức thờ cúng tổ tiên để hiểu bản chất văn hóa Việt Nam là nhân hậu, yêu thương thì đã được xem những hình ảnh, clip ghi lại cảnh chém lợn? Và, họ chỉ biết đó là câu chuyện diễn ra tại VN - chứ không quan tâm tới việc nghi thức ấy chỉ là tập tục mang tính lịch sử của một cộng đồng địa phương nhỏ.


Lễ hội làng Ném Thượng với nghi lễ chém lợn. Ảnh: Asia Animals

* Ông cho rằng chúng ta nên ứng xử thế nào với nghi thức chém lợn Ném Thượng trong thời gian tới?

- Tôi thấy, phương án mà tỉnh Bắc Ninh đưa ra trong hai năm qua là khá hoàn hảo rồi. Vào lễ hội, nghi thức chém lợn có thể vẫn thực hiện, nhưng cần giới hạn trong một phòng kín nào đó, với sự tham gia của một số cá nhân nhất định. Sau đó, người ta có thể công bố với người làng rằng nghi thức đã được thực hiện, và tiếp tục dâng lễ lên Thành hoàng - thay vì tổ chức chém lợn ngoài trời, nơi công cộng, dưới sự chứng kiến của hàng trăm, nghìn cặp mắt như trước. Làm vậy vừa thỏa mãn được nhu cầu thực hành tín ngưỡng theo niềm tin truyền thống của một số cá nhân, vừa tránh được cảm giác khó chịu, thậm chí là ghê rợn, của những người không thiện cảm với nghi thức ấy.

Nhưng, để sự thay đổi ấy được chấp nhận một cách tích cực về lâu dài, chúng ta rất cần tổ chức những cuộc đối thoại, thậm chí là trưng cầu ý kiến. Trước khi tổ chức ở nơi khác, việc trưng cầu ý kiến cần được thực hiện ngay tại làng Ném Thượng để trả lời câu hỏi: Có phải toàn bộ 100% nhân dân trong vùng đều tán thành giữ nguyên nghi thức ấy không? Tôi thì tin là không. Những gia đình có trẻ em hoặc đang nuôi con nhỏ hẳn sẽ phải cân nhắc, suy nghĩ khá nhiều về việc để con, em mình đều đặn hàng năm chứng kiến cảnh tượng máu me ấy. Rồi, phải xét tới bản thân ý kiến của các cháu nữa. Trên các phương tiện truyền thông vừa qua, những người dân Ném Thượng ủng hộ nghi thức chém lợn đều là những người đã có tuổi. Họ không thể đại diện cho tất cả cộng đồng.

Việc tổ chức các diễn đàn, mời các chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng cùng tham gia tổ chức đối thoại, phân tích và lắng nghe cũng là động thái tích cực, cần thiết và nên làm. Từ nhiều năm nay đối thoại văn hóa là một chủ đề rất được UNESCO quan tâm và khuyến khích. Những cuộc đối thoại xuất phát từ sự chân tình, lắng nghe, tôn trọng và cùng tìm giải pháp thì luôn thuyết phục hơn rất nhiều so với những văn bản ban hành cứng nhắc, hay những phát biểu một chiều, tạo căng thẳng theo kiểu đối đầu.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đông Mai (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm