Góc nhìn 365: Điệp khúc 'giải cứu nông sản'

23/02/2021 07:30 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cụm từ “giải cứu” nông sản đang liên tục được nhắc tới trong dòng thời sự chủ lưu vài ngày qua. Kèm theo đó, trên mặt báo hoặc không gian mạng cũng tràn ngập những hình ảnh về từng đoàn người xếp hàng dài dằng dặc trước tấm bảng đỏ có dòng chữ “Điểm bán nông sản ủng hộ bà con vùng dịch”.

Dịch COVID-19: Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chế biến và tiêu thụ nông sản

Dịch COVID-19: Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chế biến và tiêu thụ nông sản

Ngày 27/2, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA và Công ty cổ phần Vinamit đã tổ chức tọa đàm "Kinh nghiệm xử lý tình huống kinh doanh thời dịch bệnh trong chế biến và tiêu thụ nông sản".

Không có gì khó hiểu: Thời điểm sau Tết vốn là dịp “gặt hái” của người nông dân sau cả một năm vất vả. Vậy nhưng, khi dịch Covid-19, bà con tại vùng tâm dịch Hải Dương đang rơi vào cảnh bí bách trong việc tìm đầu ra cho nguồn nông sản của mình.

Cụ thể, theo thống kê, trên toàn tỉnh Hải Dương hiện còn khoảng 90 ngàn tấn nông sản tồn đọng, bao gồm hành củ, cà rốt, cà chua, su hào, rau ăn lá các loại. Và việc chậm tiêu thụ nguồn sản phẩm ngắn ngày này cũng đồng nghĩa với việc nông dân Hải Dương đang đứng trước nguy cơ trắng tay - kể từ công sức chăm bón cho tới vốn đầu tư về phân, giống....

Và ai cũng nhìn ra: Việc san sẻ phần nào gánh nặng của người dân Hải Dương có thể được thực hiện bằng giải pháp thiết thực - “mua giúp” một phần lượng nông sản tồn đọng. Để rồi, song song với thời điểm lãnh đạo Hà Nội lên tiếng kêu gọi “giải cứu”, chúng ta được chứng kiến cảnh người người, nhà nhà ở Thủ đô và những vùng lân cận Hải Dương cùng nhiệt tình nhập cuộc.

Ở cuộc giải cứu ấy có những người tình nguyện góp sức, góp công thuê xe vận chuyển nông sản từ Hải Dương lên bán tại thành phố, rồi chủ động chuyển tiền lại cho bà con. Có những dòng người đội nắng, nghiêm túc xếp hàng mua nông sản rồi lại tất bật mang đi tặng cho bạn bè và bệnh viện. Có những người đi đường nhiệt tình dừng lại cùng bê vác, bốc dỡ rau quả giúp từ các chuyến xe giải cứu - và có cả hàng trăm, hàng ngàn lời “đặt hàng” trên mạng để nhận mua với số lượng lớn ngay từ trước thời điểm rau quả được chuyển về.

Như những ghi nhận, ở một số điểm bán chính tại Hà Nội, hàng chục tấn nông sản từ Hải Dương được bán hết chỉ sau vài tiếng đồng hồ trước những dòng người tham gia “giải cứu”.

***

Thật ra, chúng ta không lạ - thậm chí là quá quen - với khái niệm “giải cứu nông sản”. Nhiều năm qua, điệp khúc ấy vẫn đều đặn được nhắc lại khi những sản phẩm của bà con nông dân bí bách trong việc tìm lối ra, để rồi người người, nhà nhà lại lần lượt được kêu gọi cùng giải cứu đủ mặt hàng từ thanh long, cà phê, cá tra, dưa hấu, thịt lợn và... cả tôm hùm nữa.

Một mặt, câu chuyện ấy gắn với bản chất về sự sẻ chia và lòng nhân ái của người Việt. Nhưng ở mặt khác, nó cũng từng gợi lên những băn khoăn về sự “cầu cứu” lòng tốt giữa thời buổi sôi động nhất của nền kinh tế thị trường.

Chú thích ảnh
Thanh niên huyện Gia Lộc thu hoạch rau tại xã Lê Lợi (Hải Dương). Ảnh: Mạnh Minh - TTXVN

Thực tế, ở nhiều cuộc vận động “giải cứu” đó, đã có những ý kiến nhắc tới việc các chủ hàng - và cả nhà nông - có lúc quá chú trọng tới thị trường xuất khẩu mà quên đi việc phục vụ thị trường nội địa tưởng như nhỏ lẻ và không hấp dẫn. Và xa hơn thế, đó còn là câu chuyện của cơ chế, chính sách hay những chiến lược nhất quán, để bản thân các chủ hàng và người nông dân được định hướng lấy việc phục vụ đồng bào trong nước làm bàn đạp chính để vươn ra thế giới bên ngoài.

Những băn khoăn từng được nhắc tới ấy rất khác với với sự nhất trí, đồng lòng trong việc giải cứu nông sản ở Hải Dương như chúng ta đang thấy - một cuộc “giải cứu” trong bối cảnh bất khả kháng mà dịch bệnh gây ra. Một cuộc “giải cứu” thực sự theo đúng ý nghĩa cần thiết và cấp bách của 2 từ này.

Có nghĩa, sự cảm thông và chia sẻ sẽ vẫn luôn tìm được đích đến của nó, nếu câu chuyện có đủ sự hợp lý. Cũng như, ở một góc độ khác, nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm, để những cuộc giải cứu nông sản được chắt chiu sao cho luôn hiệu quả và đồng lòng.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm