07/04/2020 07:21 GMT+7
(lienminhbng.org) - Một thông tin đặc biệt giữa thời điểm dịch bệnh: những ngày qua, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được đưa ra thảo luận và đạt được sự thống nhất cao. Dự kiến, sau khi được bổ sung ý kiến và hoàn thiện, dự thảo này sẽ được ký ban hành trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đã sử dụng cụm từ “chưa có tiền lệ” để nói về gói cứu trợ này, khi giá trị của nó ước tính hơn 61 ngàn tỷ đồng, và đối tượng thụ hưởng trực tiếp được tạm tính là khoảng hơn 20 triệu người lao động tại Việt Nam.
Vắn tắt, gói hỗ trợ triển khai trong thời gian 3 tháng (kể từ tháng 4) và hướng tới các nhóm đối tượng đang trực tiếp gặp khó khăn và giảm sâu về thu nhập trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra.
Điển hình, đó là các nhóm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (khoảng 1,135 triệu người); đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (khoảng 4,315 triệu người); các hộ nghèo (gần 1 triệu hộ), hộ cận nghèo (2,244 triệu hộ); người lao động bị hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương tại doanh nghiệp (khoảng 1 triệu người)...
Chưa hết, gói hỗ trợ này còn hướng tới các hộ kinh doanh cá thể nhỏ đang tạm ngừng kinh doanh (khoảng 760 ngàn hộ), người lao động mất việc làm nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (khoảng 5 triệu lao động) và cả việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động ...
Theo gói hỗ trợ này, mỗi cá nhân (hoặc hộ gia đình) thuộc các nhóm đối tượng sẽ nhận số tiền từ 500 ngàn đồng tới 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Thẳng thắn, đó không phải là con số quá lớn, nếu tính tới điều kiện sống của đại đa số cư dân tại các đô thị. Nhưng chắc chắn, với những người lao động nghèo, chỉ sống bằng thu nhập thiếu ổn định và không có sẵn tích lũy để phòng khi “bĩ cực”, số tiền ấy vẫn có thể giúp họ san sẻ bớt một phần gánh nặng trên vai.
Và rộng hơn, ở thời điểm nhiều doanh nghiệp phải tính tới bài toán “đường dài” để chuẩn bị cho quá trình hồi phục sản xuất sau dịch bệnh, nỗ lực mà Chính phủ đang thực hiện là vô cùng lớn, để có thể cùng lúc hỗ trợ khoảng 20 triệu người lao động - ước tính bằng khoảng 20% dân số trên toàn quốc.
***
Nhìn lại, từ đầu đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã làm tất cả để có thể hỗ trợ người dân một cách tốt nhất có thể. Điển hình, từ hơn 2 tháng qua, chúng ta đã trang trải các chi phí trong thời gian ăn ở, xét nghiệm, điều trị cho rất nhiều người dân phải đi cách ly hay bị nhiễm Covid-19...
Còn bây giờ, đó lại là một nỗ lực“thắt lưng buộc bụng” mới, để đưa ra gói cứu trợ hơn 61 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách eo hẹp của một nền kinh tế đang gặp khó khăn trong dịch bệnh.
Những gì diễn ra không chỉ đơn thuần là câu chuyện “một gói khi no” - cho dù thành ngữ ấy không hề sai nếu chúng ta vận dụng vào hoàn cảnh này. Xa hơn, đó là sự đồng hành và sẻ chia gánh nặng của Nhà nước, tại một quốc gia đang đặt tính mạng người dân lên trên hết, sẵn sàng làm tất cả để đem đến sự bình an cho cộng đồng với tinh thần “không ai bị bỏ quên”.
Và, khi Thủ tướng nêu rõ rằng một phần của gói hỗ trợ này được lấy từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên như giảm chi cho hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội... chúng ta hãy học cách tiết kiệm và kiểm soát đồng tiền của chính mình trong thời dịch bệnh để ổn định cuộc sống, góp phần vào những nỗ lực chung của cả nước.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất