11/06/2020 07:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Vừa qua, thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết: thành phố Hà Nội đã có chủ trương gắn lại những bức tranh gốm sứ lên mặt tường bê tông mới để thay thế cho một phần “con đường gốm sứ” vừa bị phá bỏ.
Trong vài ngày trước đó, những hình ảnh ghi lại cảnh phá dỡ đoạn tranh tường này – với độ dài hơn 300 mét dọc đê Nghi Tàm – đã liên tục được chia sẻ với sự băn khoăn và tiếc nuối. Cho dù, việc phá dỡ đã được giải thích với lý do khá chính đáng: đó là điều cực chẳng đã trong quá trình mở rộng trục đường từ cầu Nhật Tân về nút giao Yên Phụ, vốn đang quá tải trầm trọng.
Không khó hiểu về sự tiếc nuối này, khi con đường gốm sứ vốn là cái tên quen thuộc với người Hà Nội trong hơn chục năm qua.
Con đường ấy thực chất là một chuỗi những bức tranh gốm sứ gắn dọc thân đê sông Hồng, với chiều dài gần 4.000m và diện tích gần 7.000m2. Tại đó, người ta có thể chứng kiến hàng trăm bức tranh với những chủ đề rất đa dạng và phong phú. Đơn cử, chỉ riêng ở đoạn tranh hơn 300 mét vừa bị phá bỏ đã có những chủ đề “đặc sệt” Hà Nội như tranh Bùi Xuân Phái, tranh vẽ phố cổ Hà Nội hay những tranh vẽ di sản kiến trúc các nước ASEAN, tranh của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) về các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp ở Việt Nam…
Tất nhiên, một chuỗi tranh đặc biệt như vậy không thể chỉ là sản phẩm của một cá nhân. Từ ý tưởng của Nguyễn Thu Thủy - một họa sĩ, nhà báo sống tại Hà Nội - con đường gốm sứ được khởi công từ 2007, theo phương thức chủ yếu là xã hội hóa. Cùng với Thủy, rất nhiều họa sĩ tại Hà Nội, cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế đã tham gia thực hiện - để rồi trong 3 năm, từng bước, từng bước, màu tường bê tông xám cũ của đoạn đê dài cũ được phủ kín bằng hàng chục đoạn tranh vẽ trên gạch men, gốm, sứ…
Đã có những tranh luận nhất định về giá trị và thẩm mỹ của “con đường” ấy, ngay cả khi nó hoàn thành. Nhưng, không thể phủ nhận, từ sự nhiệt huyết của những người tham gia, chuỗi tranh này vẫn là một món quà đặc biệt cho Hà Nội vào dịp ngàn năm tuổi, khi một công trình nghệ thuật dành cho cộng đồng đã được dựng lên để thay thế cho phần không gian khá bụi bặm, nhếch nhác của bờ đê sông Hồng những năm dài trước đó.
Đó cũng là lý do để “con đường gốm sứ” từng được tôn vinh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2008 do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Và, chẳng có gì sai khi nói rằng: Việc Hà Nội nghiên cứu gắn lại những bức tranh mới cho đoạn đường vừa bị phá bỏ này là điều hợp lý và tất yếu, để trả “món nợ” với những nhiệt huyết và tình cảm dành cho Hà Nội trước đây.
***
Nhưng xa hơn, “món nợ” ấy không chỉ là câu chuyện gắn lại những bức tranh sau khi mở rộng đường. Một thập niên tồn tại của con đường gốm sứ cũng là một thập niên gắn với những bất cập về cách bảo tồn và khai thác nó trong đời sống thực.
10 năm ấy, con đường gốm sứ đã 2 lần được duy tu, sửa chữa, nhưng vẫn rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngay ở thời điểm hiện tại, nếu chịu khó đi hết gần 4km suốt con đường, người ta sẽ không thể đếm hết những điểm hoen ố, hư hại của các bức tranh gốm - trong đó có không bức tranh bị bong tróc hoàn toàn và chỉ còn phần gạch lót bên trong.
Kèm với sự xuống cấp ấy là những câu chuyện đáng buồn về ý thức của một số người với một công trình văn hóa. Ở đó, đều đặn, không gian của những bức tranh gốm vẫn bị xâm hại bởi vô vàn thói quen mà dư luận từng chỉ ra: Tập kết và đốt rác thải, xếp hàng hóa bừa bãi, đi đường tắt bằng cách trèo qua tranh hay thậm chí là phóng uế tùy tiện.
Sẽ có rất nhiều cách để giải thích thực trạng ấy. Nhưng chắc chắn, một công trình văn hóa nghệ thuật đã được chấp nhận để dựng nên - như một biểu trưng của tình yêu Hà Nội - thì cần phải được đối xử theo đúng với nội hàm văn hóa mà nó mang theo mình.
“Món nợ” đó còn lớn hơn nhiều, so với “món nợ” sắp được trả ở hơn 300 mét tranh tường vừa bị phá bỏ thời gian qua.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất