Góc nhìn 365: 'Quen lại' loa phường

20/07/2021 07:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Chúng ta đang bước vào chuỗi ngày cao điểm của cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong năm 2021. Và nếu phải chọn lựa, chắc chắn, những chiếc loa phường chính là “tín hiệu” để mỗi người bình thường tự ý thức rõ điều này.

Chào tuần mới: Loa phường chống dịch

Chào tuần mới: Loa phường chống dịch

Những ngày này, khi đại dịch Covid-19 đã trở thành “đại sự” của cả thế giới, người ta bắt đầu sửng sốt trước vai trò của một phương tiện truyền thông “nho nhỏ” cấp phường, xã. Đó là loa phường.

Đơn cử, khi Hà Nội có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7, người dân Thủ đô đã lập tức được “cập nhật” công điện này qua toàn bộ hệ thống loa phường trên thành phố - và kèm theo là những khuyến cáo về việc tránh tâm lý hoảng loạn hoặc “tích trữ” lương thực trước giờ G.

Đã từng được đề xuất “nghỉ hưu” sau hàng chục năm hoạt động, hẳn ít ai nghĩ, có lúc loa phường lại... hồi sinh ngoạn mục như vậy.

Loa phường tồn tại trong lịch sử Việt Nam lâu tới mức, đã có nhiều người tưởng rằng loại hình này xuất hiện từ thời... Pháp thuộc. Thực tế, như khẳng định của nhà sử học gốc Hà Nội Dương Trung Quốc, loại hình này phát triển mạnh trong giai đoạn chống Mỹ với hình thức ban đầu là những chiếc loa nhựa nhỏ, được gắn vào từng hộ gia đình - trước khi chuyển thành những cột loa chung như bây giờ.

Chú thích ảnh
Một cụm loa trên phố Hàng Đường, phường Hàng Đào hàng ngày đưa thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 lan tỏa đến từng ngõ xóm, len lỏi tới mỗi gia đình. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Cũng chính ông Quốc từng kể cho người viết về một câu chuyện thú vị tại Hà Nội thời kỳ “tiền loa phường”. Đó là giai đoạn tháng 10/1946, khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên kế hoạch "tường thuật trực tiếp" lễ đón Hồ Chủ Tịch trở về từ chuyến đàm phán bên Pháp. Không có một hệ thống phát thanh công cộng đủ mạnh, Hà Nội khi ấy đã phải áp dụng sáng kiến đặc biệt của ông Nguyễn Dực (nguyên chủ hiệu radio Hà Thành): Huy động các nhà có radio đặt ra vỉa hè và tiếp sóng truyền thanh cho mọi người cùng nghe.

Có thể thấy, loa phường không chỉ là sự lựa chọn của một mô hình xã hội đề cao tính tập thể và truyền thông đại chúng khi ấy. Nó còn tương thích với một giai đoạn có những đặc thù riêng về kinh tế và khoa học kỹ thuật, khi mà không nhiều gia đình có thể sở hữu một chiếc radio, chứ chưa nói là những thiết bị thông minh như bây giờ. Và bởi vậy, không có gì lạ khi lứa tuổi 7X đổ lại đều vô cùng quen thuộc và có những kỷ niệm đặc biệt với loa phường trong ký ức của mình.

Để rồi, khi xã hội phát triển, khi tính cá nhân và không gian riêng tư của mỗi người dần được đề cao, cũng đến lúc loa phường cho thấy rõ những hạn chế. Và, trong bối cảnh mỗi người dân có điều kiện tiếp nhận thông tin chủ động và đa dạng hơn trước rất nhiều, đã có những ý kiến khẳng định: Sự tồn tại của loa phường là thừa, thậm chí là gây ô nhiễm tiếng ồn tới nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

***

Bây giờ, khi loa phường đang hoạt động đều đặn và “sung sức” trong mùa bệnh dịch, chúng ta lại nhận ra thêm một điều nữa: Không phải mọi thiết bị nghe nhìn thông minh đều có thể thay thế cho loa phường một cách tuyệt đối, khi mà hạn chế lớn nhất của chúng là việc gắn với sự chủ động muốn đón nhận thông tin của mỗi cá nhân.

Loa phường thì không. Với tần suất hoạt động và mật độ của mình, những tiếng loa ấy có thể len lỏi tới mọi ngõ xóm, mọi khu dân cư để cung cấp những thông tin chính xác, cũng như những biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Thẳng thắn, cách truyền thống mang tính chất “cưỡng bách” ấy là hợp lý và chấp nhận được trong bối cảnh việc nâng cao ý thức của mỗi cá nhân luôn là tiền đề quan trọng nhất để phòng dịch trong những ngày này.

Chúng ta có thể vừa làm việc, vừa nghe thông tin về dịch Covid-19 qua loa phường, thay vì phải dừng tay để truy cập thông tin trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Chúng ta có thể thấy hưng phấn hơn, khi sự bình lặng trong những ngày sống chậm bị xua đi bởi sự rộn rã từ những ca khúc và bản tin mà loa phường đang phát. Chúng ta có thể thấy vui và thư giãn, khi trong một tích tắc nhớ lại những kỷ niệm từng có vào cái thời mà loa phường đang “chiếm sóng”. Tất cả những cảm xúc và câu chuyện ấy đang được chia sẻ trên không gian mạng trong những ngày này, quanh tiếng loa phường.

Trong tương lai, loa phường hoàn toàn vẫn có thể được quy hoạch lại về tần suất và cách hoạt động, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Nhưng, ở thời điểm này, hãy cứ ghi nhận: “Ông lão” loa phường đã hoạt động vô cùng tích cực và hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, dù là ở ngưỡng tuổi chuẩn bị về hưu.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm