Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng quen mà lạ, khi những dòng người liên tục đổ tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội để cầu may, trong thời điểm kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp bắt đầu.

Góc nhìn 365: Văn Miếu mùa thi

(lienminhbng.org) - Những ngày này, chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng quen mà lạ, khi những dòng người liên tục đổ tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội để cầu may, trong thời điểm kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp bắt đầu.

Nói rằng quen, bởi những năm trước, cảnh tượng ấy vẫn đều đặn được duy trì. Không chỉ có sĩ tử, rất nhiều phụ huynh cũng đồng hành cùng các em tới địa điểm này để tìm kiếm thêm một chút tự tin cho kỳ “vượt vũ môn” quan trọng.

Còn nói rằng lạ, bởi đây là thời điểm không mấy thuận lợi cho những chuyến “hành hương” kiểu này.

Cụ thể, do đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi biện pháp phòng, chống dịch đều được áp dụng triệt để tại không gian này. Như những gì được ghi nhất, tất cả khách vào khu tham quan, chiêm bái đều được đo thân nhiệt, rửa tay diệt khuẩn, bắt buộc 100% phải đeo khẩu trang.

Chưa kể, ngày hôm qua 5/8 tại Hà Nội trời cũng mưa tầm tã. Vậy nhưng, như chia sẻ từ phía Ban quản lý Văn Miếu, lượng sĩ tử đổ về đây vẫn đông dần vào buổi chiều - thời điểm mưa nặng hạt hơn. Thậm chí, có rất nhiều người trong số họ đến từ những địa phương xa Hà Nội và trở về ngay sau khi chiêm bái, cầu may.

Sẽ có rất nhiều điều để nói về tục đến Văn Miếu cầu may - vốn phát triển rất mạnh trong những năm qua. Ở đó, đã có những thời điểm, câu chuyện này bắt đầu cho thấy bóng dáng của tâm lý a dua (chẳng hạn hành vi xoa đầu các cụ rùa đá để lấy may, từng rộ lên mấy năm trước). Nhưng, ở góc ngược lại, chúng ta lại càng nhận rõ thực tế: nếu phải chọn một biểu tượng về chuyện học hành thi cử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chắc chắn vẫn luôn là số một, trong tâm thức của nhiều người.

Nó giống như một thống kê vui từng có, rằng trong những năm qua, sau hàng loạt mùa thi cử, đầu các cụ rùa đội bia tiến sỹ hiện đã bị mài mòn đi chừng gần 2mm do một lượng đông đảo các sĩ tử luôn xoa tay vào để cầu nguyện thi cử đỗ đạt. Tất nhiên, chuyện “xoa tay” này đã bị cấm, bởi cứ theo tiến độ ấy, chỉ dăm chục năm nữa, các cụ rùa ở đây sẽ mất hẳn phần đầu trước những dòng sĩ tử nườm nượp đổ về.

***

Thật ra, từ rất lâu, Văn Miếu đã trở thành biểu tượng của Đạo học không chỉ tại Hà Nội, mà còn trong cả nền văn hóa Việt. Khởi điểm từ trường học của các hoàng tử nhà Lý, “ngôi trường” đặc biệt ấy đã từng bước mở rộng cho nhiều đối tượng, đặt nền móng mở đầu nền học vấn của Việt Nam. Không những thế, trong nhiều thế kỷ, Văn Miếu cũng được gắn kèm với câu chuyện về quan điểm đào tạo và trọng dụng nhân tài của các vương triều phong kiến cũ, cũng như khái niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà chúng ta thường dẫn lại.

Bởi thế, cũng không có gì lạ khi những năm gần đây, các hoạt động văn hóa được tổ chức tại Văn Miếu cũng thường mang mẫu hình của văn hóa truyền thống, hay gắn với hàm lượng sách vở tương đối cao. Những “phố ông đồ” chuyên cho chữ vào dịp Tết, Ngày thơ Việt Nam vào dịp Tết Nguyên tiêu hay những hội chợ sách cũ được tổ chức tại hồ Văn là ví dụ điển hình.

Từ cảnh tượng những dòng sĩ tử đổ về đây trong mùa thi, sẽ là hợp lý nếu chúng ta nghĩ đến việc khai thác lớp giá trị văn hóa mà lịch sử Việt Nam đã khoác lên không gian này, cũng như cái tên “Văn Miếu”. Thực tế, cũng đã rất nhiều ý tưởng như vậy được đề xuất: từ việc quy hoạch lại trục phố Văn Miếu để “dành chỗ” cho các hoạt động văn hóa cho đến xây dựng một bảo tàng Nho học truyền thống, giới thiệu đầy đủ và chi tiết nhất về lịch sử khoa bảng Việt Nam. Thậm chí, phương án xây dựng Phương Đình tại khu vực gò Kim Châu giữa hồ Văn - tương truyền vốn là nơi bình văn, vịnh thơ của sĩ tử xưa - cũng đã được đề ra...

Những ý tưởng và kế hoạch ấy cần sớm được ưu tiên nghiên cứu và thực hiện, nếu chúng ta không muốn Văn Miếu chủ yếu chỉ thu hút du khách Việt Nam (chứ không phải quốc tế) vào những dịp thi cử mỗi năm như thế này...

Sơn Tùng