03/10/2018 07:27 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tối 1/10 tại một không gian nghệ thuật ở Bình Quới (TP.HCM) đã diễn ra cuộc thảo luận về những ảnh hưởng tới sáng tạo trong nghệ thuật đương đại, với những tên tuổi uy tín. Tuy là một hoạt động có quy mô hẹp, tính chuyên môn cao, nhưng lại gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ về môi trường sáng tạo của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Đã gọi là nghệ thuật đương đại thì luôn luôn song hành với đổi mới, với thể nghiệm, với phá cách, với phần nhiều là… thất bại. Trên toàn thế giới đều vậy, phần lớn các thể nghiệm đương đại thường bị cộng đồng nhìn như những “phá phách”, thường ít nhận được sự đồng cảm, chia sẻ. Nhưng với các tác phẩm các dự án thành công, thì từ đây sẽ mở ra nhiều khả tính mới cho nghệ thuật, nhất là các bộ môn đã có tính ổn định, cổ điển, hoặc truyền thống…
Nhìn lại riêng thế kỷ 21, rõ ràng những thể nghiệm đương đại thành công đã mang lại làn gió mới cho rất nhiều bộ môn nghệ thuật, đặc biệt với mỹ thuật, phim ảnh, sân khấu, âm nhạc. Nhiều ý kiến đồng tình rằng: Chỉ có thể nghiệm đương đại mới mở ra cơ hội cho đổi mới và sáng tạo thực thụ.
Cho nên, việc thưởng thức, nhận diện và quản lý nghệ thuật đương đại cũng cần một cách thức khác với lệ thường. Không đơn giản chỉ bằng việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép. Nhiều nước thường tạo ra môi trường riêng, tạo không gian đặc thù cho nghệ thuật đương đại, để các tác giả thỏa sức hết mình trong thể nghiệm, sáng tạo.
Thỉnh thoảng từ những không gian này có tác giả tác phẩm được mắt xanh của các giám tuyển hoặc nhà sản xuất đưa đến với rộng rãi công chúng. Tại TP.HCM cũng có vài mô hình, không gian như thế này, ví dụ Sàn Art, Galerie Quỳnh, The Factory…nơi dành nhiều ưu ái với các thể nghiệm đương đại. Nhìn lại công việc của Sàn Art trong 10 năm qua, rõ ràng những thể nghiệm đương đại thất bại của họ là không ít, nhưng những thành công cũng khá đáng kể.
Triển lãm “cao/độ/chiều” của vn-a và Trương Quế Chi đang diễn ra tại The Factory là một ví dụ. Đây là một kết hợp giữa thị giác và kiến trúc, với khán giả chuyên nghiệp đã khó xem, chứ đừng nói công chúng bình thường. Nhưng có cái hay, The Factory bán vé cho nhiều triển lãm của họ, điều này không những tìm kiếm sự công bằng cho giá trị chất xám, mà còn là cách để “thanh lọc” khán giả. Chỉ những ai thực sự muốn xem - nghĩa là thực sự có nhu cầu hoặc tò mò với nghệ thuật đương đại - thì mua vé vào xem, khỏi phải phàn nàn này kia.
Nhiều ý kiến lo sợ rằng nếu để nghệ thuật đương đại “tự tung tự tác” thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Lo lắng này hoàn toàn chính đáng, nếu nhìn lại những vụ “khủng hoảng truyền thông” do báo chí, mạng xã hội tiếp cận một tác phẩm đương đại theo hướng thiếu thiện cảm, hoặc có ý câu khách, có ác ý.
Nhưng kinh nghiệm tại nhiều nước có truyền thống về nghệ thuật đương đại như Pháp, Nhật Bản, Mỹ… cho thấy giai đoạn tò mò, hiếu kỳ sẽ nhanh chóng bị bão hòa, để sau đó chỉ còn những người thực sự yêu thích nghệ thuật đương đại, tuy số lượng rất khiêm tốn.
Rất nhiều suất diễn âm nhạc đương đại, nhiều triển lãm sắp đặt công khai và miễn phí, nhưng vẫn rất ít khán giả. Giống như trước đây, khi một họa sĩ lần đầu vẽ body painting ở TP.HCM thì có nhiều người đến xem vì tò mò, về sau này, những đợt vẽ của anh chỉ có những ai thực sự quan tâm mới đến, chừng vài chục người thôi. Tuy nhiên, trong hoạt động nghệ thuật rất cần những thử nghiệm, sáng tạo, bởi chỉ có như vậy nghệ thuật mới mong có thêm những thành tựu mới cho công chúng.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất