05/06/2015 06:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Gần 70 năm trước một quả bom nguyên tử đã được thử trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương. Tôi không rõ vụ thử hạt nhân đó của người Mỹ có thành công hay không, nhưng chắc chắn một điều là, tên của hòn đảo đó đã biến thành một "quả bom nguyên tử thực sự" trong làng thời trang thế giới cho tới tận bây giờ, khi nó được dùng để đặt cho một sản phẩm thời trang ra đời đúng dịp đó.
"Ngày 5/7/1946, kỹ sư người Pháp Louis Réard, đã thiết kế ra bộ trang phục "nhỏ hơn cả bộ áo tắm nhỏ nhất thế giới". 4 ngày trước đó, quân đội Mỹ đã tiến hành thử hạt nhân trên quần đảo Bikini Atoll. Réard hy vọng rằng phát minh mới của mình cũng bùng nổ như cuộc thử nghiệm nên đã gọi sáng chế của mình là bikini".
Lịch sử của bộ bikini là như thế bạn có thể "Google" về lịch sử đó ngay bây giờ...
Mặc dù không phải ai và không phải lúc nào người ta cũng cảm thấy dễ chịu khi ngắm bộ đồ hai mảnh chỉ có một tẹo vải, cuộn lại nhét vừa... một bao diêm, nhưng cuối cùng, nhân loại tiến bộ đã chấp nhận bikini cả trong đời thường lẫn trên sân khấu. Không chỉ vì bikini đẹp, tôi tin rằng, còn vì cái tên của nó chính là một thông điệp về hoà bình và về quyền con người.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại biến tên của một bãi rác hạt nhân kinh hoàng thành tên của một thứ vô cùng khêu gợi, tôn vinh vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ. Cái tên đó ẩn chứa ước mong của cả nhân loại.
Nhưng dù khoác lên bikini ý nghĩa gì đi nữa thì rốt cục tự thân nó, bikini, vẫn là một bộ đồ tắm hai mảnh quá khêu gợi và phô bày cơ thể hết mức. Và quan niệm thẩm mỹ của thế giới cũng thay đổi có tính chu kỳ, hết mở đến đóng, hết hở đến kín... Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm qua bắt đầu bỏ phần thi áo tắm. Họ muốn đề cao phẩm chất trí tuệ của người phụ nữ, thay vì quá chú trọng vào sự phô bày hình thể qua những bộ bikini ngày càng bé tí teo. Việc từ chối bikini cũng mang những thông điệp ý nghĩa.
2. Thế mới biết, bikini không làm gì nên tội, nó không đồng nghĩa với gợi dục, ăn chơi, nhưng nó cũng không phù hợp ở mọi lúc mọi nơi. Mà chẳng cứ bikini, trang phục nào cũng thế: phải phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh hay sâu xa hơn phải chuyển tải được những thông điệp tích cực khi khoác lên chúng.
Vừa qua, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bộ ảnh các học sinh cấp 3 ở một ngôi trường THPT nổi tiếng Hà Nội. Các em chọn cách giã từ tuổi học trò bằng... bikini. Trong ảnh các em mặc bộ đồ tắm hai mảnh, vui đùa tắm táp hết mức cùng các nam sinh trong lớp dưới bể bơi.
Rất hồn nhiên, rất vô tư, rất đẹp. Tuổi trẻ mà lại. Thân thể các nữ sinh tuổi 18 đã đủ đầy đặn, căng tròn. Các em đã tốt nghiệp THPT, nghĩa là xét theo Quy chế thi hoa hậu, thì đã đủ tuổi để tự tin, kiêu hãnh diện bikini sải bước trên sàn diễn sắc đẹp toàn quốc... chứ không chỉ đơn thuần là chụp bikini lưu hành nội bộ trong lớp, trong trường.
Thế nhưng, nhìn các em khoe dáng trong bể bơi, nhìn các em mặc bikini ngồi lên cổ các bạn trai đang cởi trần trùng trục chỉ có chiếc quần bơi, tôi cứ thấy... quá sớm thế nào... Các em trẻ, đẹp, và tuổi trẻ đang là của các em, vậy thì vội làm gì? Vẻ đẹp vô tư trong sáng của tuổi học trò với tà áo trắng, chiếc xe mini, hoa phượng đỏ, sân trường... vẫn là những hình ảnh “kinh điển” của “thời áo trắng”, chứa đựng biết bao thông điệp. Xa rồi mới thấy luyến tiếc, mới thấy không thể trở lại được. Chứ bikini, bể bơi, lúc nào mà chẳng có, tuổi nào mà chẳng sẵn, và đặc biệt, các em mặc bikini là quyền của các em, nhưng thật chẳng thể hiểu, có thông điệp gì về lúc giã biệt tuổi học trò trong bộ đồ bikini ở bể bơi hay không?
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất