Hội chợ nghệ thuật - nhìn từ một khách hàng

20/02/2017 07:51 GMT+7

(lienminhbng.org) - Hội chợ nghệ thuật đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thật sự gặp nhiều hiểu lầm do tên gọi bị đổi thành triển lãm, như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đề cập chi tiết.

Chiều qua (19/2), một du khách nước ngoài tên Timothy trở lại xem bức tranh mà bản thân yêu thích, với taxi đợi ngay tại cửa, bởi ông phải ra sân bay ngay sau đó. Vậy mà, trước khi lên taxi ông mới biết đây là hội chợ, nghĩa là nơi có thể mua bán tác phẩm dễ dàng, chứ không phải một triển lãm chuyên môn của bảo tàng, thường không phải để bán.

Timothy ra đi đầy vẻ tiếc nuối, vì đó là bức tranh khổ nhỏ, ông hoàn toàn có thể xách tay ngay về nhà, nhưng cơ hội đó đã vụt qua...

...Thực tế cho thấy không chỉ có Timothy và vài người nước ngoài khác bị hiểu lầm hội chợ thành triển lãm tại Domino Art Fair. Nhiều người Việt cũng vậy. Với họ, tâm lý đến với hội chợ khác hẳn đến với triển lãm, chưa nói khái niệm hội chợ dễ bao hàm cả triển lãm, trong khi triển lãm thì khó mà bao hàm ngược lại.


Domino Art Fair vừa diễn ra hồi giữa tháng 1/2017 tại Hà Nội

Việc phải đổi tên hội chợ thành triển lãm, vì thế, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các giao dịch mua bán của nhà tổ chức - một đơn vị tư nhân, hoạt động bằng chính tiền túi của mình.

Trường hợp này đúng như ông bà ta thường nói là “danh chính ngôn thuận”, nên khi tên gọi thay đổi thì sự tác động kéo theo hiển nhiên không nhỏ. Đơn cử, người ta không thể quảng bá, tiếp thị, bán hàng… cho một triển lãm giống như một hội chợ.

Với nghệ thuật, tác phẩm bán tại hội chợ thường có giá cao hơn tại nhà nghệ sĩ hoặc phòng tranh. Vậy tại sao nhiều người vẫn thích mua tác phẩm tại các hội chợ? Đầu tiên, với nhiều người thì sự công khai, minh bạch còn quan trọng hơn sự chênh lệch về giá cả, mà với họ là có thể chấp nhận được.

Thị trường mỹ thuật Việt Nam đã hoạt động có tính cách không minh bạch suốt 30 năm qua, nay hệ quả của nó là nạn tranh giả tranh nhái tràn lan, gây mất niềm tin cho giới mua bán, sưu tập.

Chính vì vậy, những hoạt động kiểu như Domino Art Fair, dù chưa hoàn chỉnh, chưa chuyên nghiệp, nhưng cũng đóng góp nhiều viên gạch vào nền móng minh bạch của thị trường trong tương lai. Tại đây các tác phẩm đều được chọn lựa rõ ràng, việc mua bán đều có các chứng từ, giấy tờ pháp lý kèm theo.

Còn mua tại nhà họa sĩ còn sống hoặc phòng tranh thì sao? Việt Nam ngày càng có nhiều họa sĩ, nhiều phòng tranh hướng hoạt động của mình tới sự minh bạch, chuyên nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp thì chưa. Nhiều họa sĩ chép lại, nhái lại tác phẩm của chính mình để bán, nó không phải là giả hoàn toàn, nhưng rõ ràng kém phẩm chất sáng tạo.

Nhiều nhà sưu tập cũng ngại quan hệ trực tiếp với nghệ sĩ, bởi tính cách nghệ sĩ có thể làm phiền họ, trong khi họ chỉ muốn sở hữu một vài tác phẩm mà thôi. Chưa nói, “phú quý sinh lễ nghĩa”, việc mua bán công khai dễ đem lại cảm giác hào hứng hơn là âm thầm, lén lút. Nhiều người đến hội chợ với tâm trạng “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”, nên chênh lệch 10-20% không thật sự là vấn đề.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm