Khi 'Tây' khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống Việt

09/03/2018 06:49 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tối 10/3 tại Mọt + (TP.HCM), nghệ sĩ Junichi Usui (Nhật) sẽ cho thấy chất liệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam hoàn toàn có thể đi vào âm nhạc đương đại.

Anh dùng âm thanh điện tử để tạo hiệu ứng với 3 cây đàn bầu - nhạc cụ mà anh được học vài năm gần đây. Cách làm của Junichi Usui chưa biết sẽ thành công đến đâu, nhưng ở khía cạnh sáng tạo, anh đã dũng cảm khai mở một lối đi mới.

Điều này dường như đi ngược lại cộng đồng nhạc Việt đại chúng hiện nay, nơi đa số chạy theo nhạc thời thượng, nhạc thị trường để dễ kiếm danh lợi, những trường hợp bén rể truyền thống để làm mới âm nhạc như Nguyễn Nhất Lý, Ngô Hồng Quang… còn khá ít ỏi.

Chuyện của Junichi Usui làm chúng ta nhớ về Eleanor Clapham trước đây, cô đã bỏ công phu đến Việt Nam học hát tuồng và hát chèo, sau đó mang đi quảng bá quốc tế. Rồi Lauren Meeker, cô gái Mỹ say mê hát chèo, nên đã đến Việt Nam làm luận án tiến sĩ âm nhạc về chèo và dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Chú thích ảnh
Buổi học đàn guitar phím lõm của Junichi với NSƯT - thạc sĩ Huỳnh Khải. Ảnh: Internet

Hay mới đây một hot girl nổi tiếng tại Thái Lan là Jannina, sinh năm 2000, đã tạo ấn tượng trên cộng đồng mạng với việc hát bài “Bèo dạt mây trôi” bằng tiếng Việt. Danh sách những ví dụ này còn khá dài, không chỉ bó hẹp trong âm nhạc, mà còn trong mỹ thuật, Việt Nam học…

Theo thống kê của Đại học Hà Nội, gần 40% sinh viên nước ngoài của khoa tiếng Việt đã chọn ở lại học nâng cao tiếng Việt, nhiều người trong số đó rẽ sang nghiên cứu văn hóa nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều đại học nghiên cứu (nghĩa là không dừng lại ở mức độ học ngoại ngữ) đưa tiếng Việt vào giảng dạy. Có thể kể như Đại học Yale, Đại học Oriental, Đại học Houston, Đại học California, Đại học Washington, Đại học Oregon (Mỹ), Đại học Humboldt, Đại học Hamburg, Đại học Passau (Đức), Học viện Konrad (Canada), Đại học L'Orientale (Italia), Đại học Fulbright (Anh), Đại học Quốc gia Lomonosov (Nga), Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật), Đại học Ngoại ngữ Hankuk (Hàn Quốc)…

Từ đây đã và đang sản sinh ra một đội ngũ nghiên cứu Việt Nam học rất uy tín, họ đã khai thác khá thành công tinh hoa của Việt Nam, trong đó có chất liệu âm nhạc truyền thống.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện Âm nhạc, công bố năm 2016, Việt Nam còn lưu truyền hơn 17 ngàn bài dân ca, gần 9 ngàn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian. Riêng nhạc đàn còn khoảng 803 thể loại, nhạc hát còn khoảng 1.045 thể loại.

UNESCO cũng đã ghi nhận, vinh danh nhiều loại hình âm nhạc dân tộc của Việt Nam là di sản của nhân loại. Đây rõ ràng là nguồn chất liệu dồi dào, nếu biết khai thác, làm mới thì chắc chắn sẽ làm đa dạng, phong phú âm nhạc đương đại. Những nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam từng thành công khi lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống, dân gian cũng có, nhưng việc giữ được độ bền và mở được một trào lưu riêng thì chưa làm được.

Ở nhiều nước, việc lưu giữ và khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống được nhà nước, các quỹ tài trợ đảm trách, nên nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu yên tâm theo đuổi. Dẫu rằng Việt Nam vẫn còn thiếunhững chính sách học bổng, tài trợ cho những công trình nghiên cứu, ứng dụng âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, khi những nghệ sĩ người nước ngoài đến để khai thác những vốn quý của văn hóa dân tộc Việt Nam, còn các nghệ sĩ Việt Nam, nhất là trong thị trường âm nhạc hiện nay, phần đông còn lơ là với những chất liệu âm nhạc dân tộc, nghĩ đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng…

Nhạc Việt 2017: Những xu hướng mới, những tín hiệu vui

Nhạc Việt 2017: Những xu hướng mới, những tín hiệu vui

Đã có những ý kiến cho rằng, làng nhạc Việt 2017 không có nhiều thành tựu, ngoài những tranh cãi vô bổ.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm