Lan tỏa tinh thần 'chống dịch như chống giặc!'

02/02/2020 21:30 GMT+7

(lienminhbng.org) - Còn hơn một cuộc chiến thần tốc, nhất là khi lại diễn ra vào thời gian cả nước nghỉ Tết Nguyên đán, kể từ ngày 23/1/2020 với Công điện đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến nay qua 10 ngày sôi sục chống “giặc” nCoV, đã có hàng loạt Công văn, Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành hữu quan được ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), đúng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt: "chống dịch như chống giặc", “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.

Ban hành Bộ cẩm nang hỏi - đáp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona

Ban hành Bộ cẩm nang hỏi - đáp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona

Nhằm giúp người dân hiểu rõ về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV), cơ chế lây lan, triệu chứng, biến chứng, cách phòng tránh, số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV..., Bộ Y tế đã chính thức ban hành Bộ cẩm nang hỏi - đáp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV).

Chỉ trong ba ngày từ 28-31/1, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành liên tiếp 2 Chỉ thị, điều chưa từng có trong lịch sử chống dịch. Và chỉ trong vẻn vẹn một ngày, cũng là chưa từng có từ trước đến nay, một Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, được thành lập tức thời do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo tiến hành họp, giao ban 2 ngày/lần để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; hàng ngày báo cáo Thủ tướng diễn biến tình hình dịch bệnh. Cùng đó, một Tổ công tác đặc nhiệm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng được thành lập; Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đồng loạt ra quân 45 đội cơ động phản ứng nhanh, thiết lập 22 đường dây nóng. Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế trên tinh thần bốn tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Chú thích ảnh
Nhiều du khách về đền Trần (Nam Định) du xuân, dâng hương các vị Vua nhà Trần đã sử dụng khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Cũng chưa bao giờ, không khí thần tốc, quyết liệt như trong thời chiến lại tái hiện mãnh mẽ như trong cuộc chiến chống dịch lần này. Chiều 27/1 (mùng 3 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, ra tuyên bố “chống dịch như chống giặc”. Ngày 28/1, Thủ tướng ra Chỉ thị số 05/CT-TTg để “chống giặc”. Tiếp sau đó, ngày 29/1, Ban Bí thư có Công văn số 79 gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Ngày 31/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư, nêu rõ nhiệm vụ thời gian tới, các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động điều kiện, phương tiện, mọi biện pháp phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần khẩn trương quyết liệt từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước, mọi chỉ đạo từ các bộ, ngành trung ương đến chính quyền các địa phương đều trở nên thông suốt, mau lẹ. Đơn cử như khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/1 yêu cầu thành lập các đội phản ứng nhanh, chỉ hai ngày sau, 45 đội phản ứng nhanh được thành lập. Trong thành phần của 25 đội phản ứng nhanh do Bộ Y tế thành lập, mỗi đội bao gồm 1 lãnh đạo bệnh viện; 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 1 bác sĩ truyền nhiễm; 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; 1 lái xe… bảo đảm cơ động, sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch, ứng phó mọi tình huống.

Hay như khi nhận được phản ánh của người dân về cước phí điện thoại đến đường dây nóng  phản ánh về virus Corona là quá cao, Bộ Y tế lập tức làm việc với nhà cung cấp để miễn phí cước cuộc gọi và ngay sau đó các nhà mạng nhắn tin đồng loạt đến các thuê bao về thông báo miễn cước. Tình trạng loạn giá khẩu trang được kiểm soát ngay sau khi Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng ngày 1/2 chỉ đạo: “bất cứ hiệu thuốc nào tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, giấy phép kinh doanh của cơ sở đó bị rút ngay lập tức”. Tính đến hết ngày 1/2, lực lượng liên ngành Công an – Quản lý thị trường tại Hà Nội đã xử lý nghiêm 18 trường hợp bán khẩu trang với giá gấp nhiều lần so với ngày thường.

Khi một số địa phương đã xảy ra các hiện tượng lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa, do một số đối tượng cố tình trục lợi đã tàng trữ, thu gom, tăng giá bất hợp lý và chuyển ra nước ngoài hàng hóa dùng để phòng chống dịch bệnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) ra ngay Chỉ thị về việc tạm dừng chấp nhận, vận chuyển ra nước ngoài các mặt hàng y tế dùng cho việc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra. Theo đó, kể từ ngày 1/2/2020, Bưu điện Việt Nam tạm dừng việc chấp nhận vận chuyển, gửi chuyển phát ra nước ngoài các mặt hàng là trang thiết bị y tế dùng cho việc phòng bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, cụ thể là khẩu trang y tế, nước sát trùng, găng tay y tế… “Thiết quân luật” còn được áp dụng nghiêm ngặt ở mặt trận thông tin. Nhiều cá nhân cố tình bịa đặt, giả mạo, lan truyền thông tin không chính xác nhằm trục lợi cho bản thân qua lượng theo dõi, like trên mạng xã hội đã bị xử lý ngay lập tức với mức phạt mỗi trường hợp hàng chục triệu đồng. Đồng thời, các kênh thông tin chính thống hoạt động hết công suất, trong đó TTXVN đã đăng phát thông tin bằng các loại hình suốt 24/24h để cung cấp cho người dân những tin tức chính thống, xác thực về công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng chống hữu hiệu, phản bác những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

Tại nhiều địa phương, đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh ngay trong những ngày Tết đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp triển khai công tác phòng chống dịch. Như Đà Nẵng, trưa 24/1 (30 Tết), Chủ tịch UBND Thành phố Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan để bàn phương án phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona.

Điều cần ghi nhận nữa còn là sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân thể hiện qua ý thức rất cao trong phòng chống dịch bệnh. Ngay khi có khuyến nghị về việc đeo khẩu trang phòng dịch, hầu như mọi người dân đều đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

Nỗi lo lắng nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông là “Tổng tư lệnh”chỉ huy cuộc chiến này là người dân hoặc chủ quan, hoặc hoang mang. Chủ quan thì dịch sẽ bùng phát không kiểm soát được, hoang mang thì sẽ gây rối loạn trong toàn bộ đời sống xã hội. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, “Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Mọi chỉ đạo đều trên tinh thần kiên quyết bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế”.

Tính đến ngày 2/2, Việt Nam ghi nhận 7 trường hợp dương tính với nCoV đang được quản lý điều trị, mặc dù nguy cơ dịch rất cao vì có đường biên giới dài, nhịp độ giao thương với Trung Quốc lớn. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 92, trong đó có 65 đã xét nghiệm âm tính, 27 trường hợp tiếp tục được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Các bác sĩ Việt Nam đã cứu chữa thành công cho 2 trường hợp bệnh nhân là người Trung Quốc. Ngoài ra, 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho, nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ nhiễm nCoV.

Thực tế những ngày qua cho thấy công tác phòng dịch bệnh do nCoV được triển khai kịp thời, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và triệt để; công tác khoanh vùng, khống chế sự lây lan dịch bệnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, cuộc chiến chống “giặc” Corona sẽ còn phải tiếp tục với hàng loạt biện pháp ứng phó quyết liệt, thậm chí ở mức cao hơn so với những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tình hình dẫu còn phức tạp và cam go, nhưng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt của ngành y tế, và ý thức bảo vệ bản thân và công đồng của người dân là những cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua dịch bệnh với thiệt hại về sức khỏe ở mức thấp nhất.

Dẫu đang gồng mình chống dịch, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn quyết định viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đang phải đối mặt với dịch bệnh do chủng mới virus Corona lan rộng. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã vận động viện trợ hàng hóa giá trị 100.000 USD; 7 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam cũng có các hình thức phù hợp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Trung Quốc, nhất là các tỉnh ven biên giới hai nước. Những nghĩa cử đẹp đó thể hiện tình cảm hữu nghị láng giềng của Chính phủ, nhân dân Việt Nam với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh, ảnh hưởng đến sinh mệnh con người, sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là hết sức cần thiết, vì một thế giới bình yên và tiến bộ, vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân các nước trên thế giới.

Bích Thủy - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm