13/03/2018 07:31 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hà Nội sẽ có cột mốc số 0 tại Hồ Gươm. Đó là thông tin đáng chú ý trong đề án cải tạo, chỉnh trang không gian văn hóa lịch sử này (hiện đang được trưng bày để lấy ý kiến nhân dân trước khi hoàn thiện).
Như những thông tin được đưa ra, cột mốc số 0 dự kiến đặt tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, với mong muốn trở thành một điểm nhấn mới trong chuỗi cảnh quan ven hồ.
Thực chất, trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng cột mốc số 0 ở thủ đô. Cột mốc ấy không chỉ có ý nghĩa như một tiêu điểm về địa lý và hành chính, mà còn là một điểm du lịch đặc biệt mà bất cứ du khách nào cũng muốn tìm tới để "check in" khi ghé qua thành phố.
Và vào dịp trước Đại lễ ngàn năm Thăng Long (năm 2010), một nhà nghiên cứu cũng đã gửi thư đề xuất ý tưởng này lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Dù không hẳn là xuất hiện đầu tiên, đề xuất ấy vẫn dần nhận về sự tán thành của nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử.
Để rồi, đến giờ, cột mốc số 0 đã tạm thời được quy hoạch để đặt cạnh Hồ Gươm – cho dù những thông số về kích thước, thiết kế, màu sắc... của nó vẫn đang được để ngỏ và chờ góp ý.
Nhưng, cũng cần nhắc lại, từ thời Pháp, Hà Nội được quy ước là nơi có "mốc số 0" để từ đó xác định chiều dài của mọi tuyến đường dẫn tới các địa phương trên toàn quốc. Dù vậy, vị trí thực của "mốc số 0" thời điểm ấy lại chưa được biết rõ và dẫn tới những quan điểm khác nhau.
Từ đó, dù tán thành ý tưởng lập cột mốc số 0 của ngày hôm nay, nhiều chuyên gia cũng lại có những quan điểm, đề xuất riêng của mình...
***
Chẳng hạn, theo nhiều người, cột mốc số 0 nên được đặt ở vị trí trước nhà Bưu Điện. Bởi, trên thế giới, trụ sở bưu chính thường được mặc định là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố, do đòi hỏi của ngành này cần có những cột mốc chính xác về địa lý và thời gian để đồng bộ và làm điểm chuẩn trong tính toán. (Có những ý kiến rằng cột mốc số 0 khi xưa của Hà Nội chính là... chiếc đồng hồ đang đặt trên nóc Bưu điện Trung tâm).
Ngược lại, từ một số thông tin cũ, cũng có quan điểm rằng cột mốc số 0 thời Pháp chính là đài phun nước Long Vân, hiện vẫn còn tồn tại trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Từ đó, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả "Con đường gốm sứ", cũng từng lên tiếng đề xuất bỏ hàng rào và gắn gốm màu tại đài phun nước này để khôi phục "cột mốc" xưa.
Còn, nếu mở rộng không gian hơn một chút, nhiều người tán thành vị trí được quy hoạch trong bản đề án đang trưng bày: ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng, nơi có chiếc đồng hồ hoa Thụy Sĩ (sẽ di dời). Vị trí này có sẵn không gian phù hợp, và lại là ngã tư góc hồ nên dễ gây ấn tượng về thị giác.
Thậm chí, nếu chấp nhận cột mốc số 0 chỉ mang tính tương đối, đã có ý kiến đề xuất lấy luôn... Tháp Rùa làm cột mốc số 0 của Hà Nội, bởi tự thân kiến trúc này đã là một biểu tượng của thành phố.
Hoặc, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vị trí đặt cột mốc có thể gắn với tháp Hòa Phong cạnh nhà Bưu điện, hoặc tượng đài Lý Thái Tổ, người khai sinh ra kinh thành Thăng Long.
Đó là chưa kể những tranh luận về kiến trúc của cột mốc. Từng có những ý kiến, không phải không có lý, rằng cột mốc ấy không cần cầu kỳ và phô trương. Chỉ là một phiến đá có khắc biểu tượng Hà Nội với dòng chữ “Km 0”, cột mốc vẫn đủ để thu hút du khách đến với mình. Thậm chí, để không ảnh hưởng tới cảnh quan, cột mốc ấy có thể làm chìm trên mặt đất, như mô hình tương tự tại Paris (Pháp)...
Nhìn vào những ý kiến ấy, rõ ràng, chuyện dựng cột mốc số 0 tại Hồ Gươm tưởng dễ, mà lại khó.
Khó không phải bởi thiếu sự đồng thuận, mà bởi với một không gian đậm đặc các yếu tố văn hóa lịch sử như Hồ Gươm, chúng ta sẽ phải suy tính rất nhiều để có một cột mốc vừa hợp lý về thẩm mỹ, vừa giàu ý nghĩa về văn hóa và lịch sử...
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất