18/04/2018 07:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Phim Gueule d'ange (Gương mặt thiên thần, đạo diễn: Vanessa Filho) do Lý Nhã Kỳ góp sức sản xuất đã cùng 14 phim quốc tế khác lọt vào danh sách những bộ phim tranh Un certain regard (tạm dịch: Nhãn quan độc đáo), một giải quan trọng tại LHP Cannes 2018.
Nhiều người khi biết tin này cho rằng Lý Nhã Kỳ chỉ bỏ tiền ra mua danh thôi, chứ đồng sản xuất có gì quan trọng.
Thực tế, nếu đạo diễn và diễn viên là linh hồn bộ phim, thì ê-kíp sản xuất là thân thể của bộ phim đó. Ngay khi tuyên bố góp vốn làm phim này hồi phim chưa khởi quay, Lý Nhã Kỳ đã thừa nhận mình chưa đủ khả năng để diễn xuất, nên chỉ ngồi trong “bóng tối”. Và làm nhà sản xuất cũng là một định hướng nghề nghiệp của Lý Nhã Kỳ với phim ảnh. Không có nhà đầu tư và sản xuất, phim thường chỉ dừng lại ở khía cạnh ý tưởng, hoặc cùng lắm là kịch bản.
Thế nhưng, nếu nhìn ở khía cạnh khác, cách làm biết người biết ta của Lý Nhã Kỳ cũng là một gợi ý hay với các đồng nghiệp. Bởi hiện tại đã và đang có nhiều người quyết “bơi ra biển lớn” để tham gia phim quốc tế. Ngô Thanh Vân diễn xuất trong các phim bom tấn, Trần Bảo Sơn, Trương Ngọc Ánh… tham gia sản xuất, diễn xuất trong các phim thương mại có quy mô trung bình khá.
Và còn rất nhiều nữa, nhất là ở khu vực những tên tuổi Việt kiều như Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn... Nỗ lực tự thân này rất đáng ghi nhận, vì giao lưu, hợp tác quốc tế không chỉ là xu thế, mà còn là lối thoát chính để đưa nền điện ảnh vươn xa và lột xác. Chọn làm một nhà đồng sản xuất là cách thức có vẻ dễ dàng và thiết thực hơn.
Cũng đừng nghĩ đơn giản rằng cứ có tiền là có thể đồng sản xuất các phim như “Gueule d'ange”, hoặc có thể mời minh tinh Marion Cotillard đóng vai chính. Lý Nhã Kỳ đã lăn lộn tại LHP Cannes mấy mùa giải vừa qua, là một nhà tài trợ chính, nên uy thế và quan hệ mới đủ thuyết phục các đồng sản xuất khác gật đầu. Nghĩa là, muốn mua danh như Lý Nhã Kỳ - nếu điều này là có thật - thì cũng phải có đủ bài bản và bản lĩnh, chứ không phải chỉ có một ít tiền bỏ ra là được.
Trong một diễn biến khác, từ mấy tuần qua, phim K (đạo diễn trẻ: Nguyễn Hữu Hoàng) đang hồi hộp chờ xuất hiện tên ở hai hạng mục phụ là Camera d’or (Tay máy vàng) và Director’s fornight (Tuần lễ đạo diễn) tại LHP Cannes. Hy vọng và chờ đợi, nhưng để có tên thôi cũng là không đơn giản, vì LHP Cannes đúng nghĩa đất chật người đông. Cách “bơi” này - nếu so với cách bơi của Lý Nhã Kỳ - thì phiêu lưu, hào hứng và gay cấn hơn, nhưng hiệu quả thì rõ ràng phập phù, khó kiểm soát.
Tất nhiên, chúng ta cũng có quyền mong ước Lý Nhã Kỳ sẽ quay được mũi sản xuất về phía nội địa, để từ đây làm ra những phim Việt cạnh tranh được với thế giới ở các liên hoan phim danh giá. Đây cũng là điều mà các nền điện ảnh trong khu vực như Campuchia, Thái Lan… đã làm, nghĩa là lấy quốc tế kích cầu nội địa.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi 3/1/2018 tại TP.HCM, Lý Nhã Kỳ cho biết cô đang dự tính mua lại cổ phần của một công ty chuyên sản xuất phim ở Hollywood, với kế hoạch làm 20 phim mỗi năm, bao gồm phim nghệ thuật, phim giải trí và cả phim Việt liên doanh. Nếu điều này thành hiện thực và phim Gueule d'ange thì thắng giải Un certain regard, việc “bơi ra biển lớn” của Lý Nhã Kỳ coi bộ mà rộng đường.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất