12/08/2019 06:51 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tuần này sẽ là cao điểm của mùa Vu Lan, dịp lễ tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời cũng có ngày Rằm Tháng Bảy - Xá tội vong nhân với lễ cúng cho các cô hồn.
Nhớ hồi còn nhỏ, khi trong khu tập thể có đám tang, nếu con cháu gia chủ bày vẽ quá đà hoặc có ý phô trương, tôi thường thấy các cụ, các bác có tuổi hay nói rằng: bây giờ không phải lúc để báo hiếu. Lúc còn sống kìa, khi ông/bà ốm đau nằm đấy có ai để ý đâu.
Bố tôi, một người rất thẳng tính, thường nói thẳng: có hiếu hay không thì thể hiện sự quan tâm với cha mẹ khi còn sống, lúc ốm đau bệnh tật mới thiết thực, mới ý nghĩa. Chứ khi chết rồi thì…
Cho đến khi chính bố tôi phải đi cấp cứu, rồi nằm viện điều trị. Đấy chính là những trải nghiệm cụ thể nhất đối với tôi về chữ hiếu. Những buổi mang cơm vào chăm sóc cho bố cũng như khi đưa bố đi xét nghiệm, nhận thuốc, rồi hàng đêm cậu em trai phải vào ngủ cùng bố để theo dõi và hỗ trợ việc đi lại.
Lúc đó chúng tôi mới cảm nhận được rõ thế nào là hết lòng chăm lo, là hết lòng phụng dưỡng. Hiểu được cách cư xử của mình như thế đã chuẩn mực hay chưa?
Khi bố mất đi, tôi mới thấm thía rằng, lúc ông còn sống, anh em mải mê công việc, rồi thì lập gia đình ở riêng, lắm lúc không ghé về thăm hỏi hoặc gọi điện trò chuyện với bố, đúng là chưa làm tròn bổn phận của người con.
Ai đó đã nói với tôi rằng con cái luôn luôn có lỗi với cha mẹ quả là chuẩn. Đúng là chữ hiếu có thể ai cũng hiểu nhưng ghi nhớ và thực hành nó trong cuộc sống, nhiều khi bằng những việc làm rất đơn giản, đấy mới là điều phải làm, rất đáng làm. Đây cũng chính là ý nghĩa của lễ Vu lan hàng năm.
Đọc trong tác phẩm “Trau dồi nhân cách”, khi nói về hiếu hạnh tôi nhớ tác giả có viết rằng: Người con có lòng hiếu hạnh cốt ở chữ thành, chứ không phải ở những hình thức để lừa dối cha mẹ hay che mắt thế gian… Tính hiếu hạnh không chỉ tỏ ở hình thức, cho nên không phải cứ cao lương mỹ vị đối với cha mẹ khi còn sống mới là phụng dưỡng, không phải ma to cỗ lớn khi qua đời mới là báo hiếu.
Vâng, phải có chữ “thành”. Đấy mới là hiếu tâm chân thành.
*****
Câu chuyện về cúng cô hồn với tôi thì khác một chút. Hồi đi học cấp 3, trong lớp có mấy đứa bạn nhà làm ăn buôn bán. Vào dịp rằm tháng Bảy, mấy đứa bạn tôi hay phải lo giúp bố mẹ mâm cơm cúng rằm. Nghe đứa bạn kể phải chuẩn bị bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc, rồi nấu cả một nồi cháo hoa, tôi rất ngạc nhiên.
Lúc đó tôi nghĩ rằng chỉ có những gia đình buôn bán mới làm những nghi lễ này với mong muốn cầu may, mua bán đắt hàng. Tôi cũng không hiểu được ý nghĩa thật sự của việc cúng này là nhằm mục đích gì? Và tại sao có gia đình làm, có gia đình không làm.
Sau nhờ có bác tôi bán hàng khô ngoài chợ giải thích cụ thể nguồn gốc cũng như ý nghĩa của việc cúng này, tôi mới dần nhận biết. Và sau này, tìm hiểu thêm qua các tư liệu cũng như đọc sách tôi hiểu được rằng lễ Xá tội vong nhân xuất phát từ truyền thống xưa, đề cao sự hồi hướng công đức cho các cô hồn. Cúng cô hồn cũng là ứng xử nhân văn, cầu mong cho cuộc sống bình an, hướng tới cái thiện, giáo huấn con người nhận biết được đạo lý để làm theo, để sống cho tốt hơn.
Thật ra, tục lệ ấy mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Ngoài việc để con người vứt bỏ đi nỗi sợ hãi ma quỷ của mình, đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại nhân quả, qua đó rút ra những bài học để điều chỉnh hành vi cho chính bản thân mình trong cuộc sống…
Tôn trọng và hướng tới cái đẹp trong việc thực thi các nghi lễ vào dịp rằm tháng Bảy. Đó không chỉ là là vấn đề tâm linh mà còn là những nét văn hóa cần được giữ gìn, tôn trọng và phát huy trong đời sống thường ngày.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất