06/12/2018 07:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Năm Mậu Tuất 2018 sắp trôi qua. Và khá trùng hợp, năm “con chó”, vấn đề quản lý loại động vật bốn chân này bỗng trở nên... nóng hổi tại Hà Nội.
Vài ngày trước, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa thí điểm thành lập đội xung kích bắt chó thả rông. Theo đó, những chú chó xuất hiện tại nơi công cộng như vỉa hè, công viên, sân chơi chung cư… mà không có người dắt bằng xích hay đeo rọ mõm đều được coi là chó thả rông và bị “bắt giữ”.
Chuyện tưởng nhỏ, mà không hề nhỏ. Bởi, trong một chừng mực, những câu chuyện về chó cũng liên quan tới các thay đổi, trong nhận thức và cả trong đời sống xã hội kinh tế của người Việt.
Chẳng hạn, khó ai hình dung, vài chục năm trước, đã có giai đoạn nhiều gia đình bỗng giàu lên nhờ nuôi chó cảnh Nhật Bản. Rồi cơn sốt này hạ nhiệt vào thời điểm điều kiện kinh tế khá hơn, việc nhập khẩu chó Tây vào nước ta phổ biến dần.
Thêm vài năm sau, theo quy luật cung cầu, các loại hình dịch vụ dành cho chó cũng phát triển mạnh. Ngoài cung cấp thức ăn, các dịch vụ may đồng phục, thiết kế cũi lồng, cắt tỉa lông, tắm và vệ sinh, thậm chí là... xây nghĩa trang cho chó... lần lượt trở nên quen thuộc với cộng đồng.
Còn bây giờ, từ câu chuyện bắt chó thả rông của Hà Nội, có lẽ chúng ta cũng phải nghĩ tới một vấn đề rất nghiêm túc nữa: văn hóa nuôi chó.
***
Nuôi chó cần văn hóa không? Tôi tin là có. Văn hóa ấy không chỉ nằm trong cách chăm sóc vật nuôi, mà còn gắn với trách nhiệm của chủ chó với những người xung quanh.
Ngẫm từ bản thân mà ra. Gần chục năm trước, ông anh tôi cũng mua về được một chú chó giống Đức có “hồ sơ lý lịch đẹp”, từng trải qua khóa đào tạo chó gần 6 tháng. Chú chó này thông minh, nhanh nhẹn và cực khôn, rất hữu dụng khi bảo vệ khu nhà xưởng.
Vậy nhưng, ngoài những lúc có chủ ở đó để ra lệnh, sự xuất hiện của chú chó này lại gây cảm giác ớn ngại cho khách hàng vào làm việc tại đây. Đơn cử, dù đã được đào tạo, “bản năng gốc” của con chó vẫn còn rất mạnh. Thi thoảng, một hai con gà hàng xóm lại bị cắn chết, thậm chí là cả gà nhà.
Hóa ra, nuôi chó cũng có mặt trái, về sự nguy hiểm tiềm ẩn mà chúng có thể gây ra cho mọi người. Sự nguy hiểm tiềm ẩn ấy, dù chưa xảy ra, thì cũng luôn mang đến cảm giác e dè, khó chịu của những người đang đứng trước chú chó của ta - khi nó thả rông, không đeo rọ mõm và luôn “gườm gườm” với khách lạ.
Rồi một câu chuyện khác nữa. Đi tới nhiều khu dân cư, tôi không ít lần chứng kiến chuyện chó phóng uế bừa bãi ra cửa nhà hàng xóm hoặc ra không gian công cộng như sân chơi, vườn hoa của cộng đồng. Gần như chắc chắn, những câu chuyện kiểu ấy luôn là xúc tác cho những cuộc cãi vã, mất đoàn kết hàng xóm láng giềng.
Không sai, nếu nói rằng chúng ta nuôi chó từ lâu, nhưng không phải chủ nhân nào cũng có “văn hóa nuôi chó”.
***
Trở lại những văn bản liên quan tới chó tại Hà Nội. Theo quan sát, tôi thấy, nếu ý tưởng dần hạn chế ăn thịt chó còn gây ý kiến trái chiều, thì việc bắt chó thả rông lại gần như được ủng hộ tuyệt đối từ dư luận.
Cũng đúng thôi. Khi mà ý thức tôn trọng cộng đồng của những người nuôi chó chưa đủ nhiều, những biện pháp mạnh là vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp cho thành phố sạch hơn, các khu vui chơi giải trí an toàn hơn mà còn mang lại cảm giác yên tâm hơn khi ra đường cho chúng ta – nhất là người già và trẻ nhỏ.
Chúng ta từng gay gắt nói về sự phản cảm, thiếu văn minh trong việc ăn thịt chó. Chúng ta bức xúc, gọi việc người dân vây bắt đả thương kẻ trộm chó là man rợ. Những điều ấy có thể đúng hoặc sai, nếu chiếu theo quan điểm và góc nhìn của cá nhân của mỗi người. Nhưng,việc tạo dựng một văn hóa nuôi chó có lẽ còn quan trọng hơn những cuộc tranh cãi ấy . Bởi đó là chuyện liên quan tới cộng đồng chứ không chỉ một cá nhân.
Đào Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất