29/03/2018 19:37 GMT+7
(lienminhbng.org) - Những giai thoại về Gian Lorenzo Bernini (1602-1680), nghệ sĩ điêu khắc-kiến trúc sư vĩ đại của nghệ thuật Baroque, kể rằng, sau khi những công trình điêu khắc ở quảng trường Navona, Roma, trong đó có Đài phun nước Bốn dòng sông, hoàn thành vào năm 1651, Bernini tỏ vẻ không hài lòng.
Dù Giáo hoàng Innocent X và người dân Roma rất thích tác phẩm này, Bernini vẫn cảm thấy thất vọng trước chính những gì mình tạo ra. Ông tin rằng, lẽ ra, ông có thể làm cho nó trở nên đẹp đẽ hơn thế nữa và từ đó, ông cứ dằn vặt mãi. Mỗi lần có việc đi đâu qua quảng trường Navona, Bernini lại bảo người đánh xe ngựa hạ hết rèm xuống. Ông không muốn nhìn thấy tạo vật của mình, công trình mà đến bây giờ vẫn được coi là một kiệt tác tiêu biểu của nghệ thuật Baroque, mà ông là một đại diện vĩ đại của nó.
Khi một người nghệ sĩ cảm thấy có trách nhiệm với những gì mà ông ta đã tạo ra, những cảm xúc xuất hiện. Hoặc ông cảm thấy tự hào về nó, hoặc cũng có thể ông cảm thấy xấu hổ trước cái ông đã làm ra, dù đã mất rất nhiều năm ròng để sáng tạo. Sự xấu hổ hoá ra chính là một đức tính tốt, bởi nó tác động lớn lên người nghệ sĩ, là động lực để họ tự hoàn thiện mình và thúc đẩy họ không ngừng sáng tạo, để những tác phẩm sau tốt hơn, đẹp hơn tác phẩm trước. Nghệ thuật tự thân nó cũng là một quá trình lâu dài của những trăn trở và đấu tranh trong chính bản thân người nghệ sĩ, từ đó phát triển mãi không ngừng.
Quay lại câu chuyện mọi người đang bàn tán xôn xao về những bức tượng 12 con giáp ở Hải Phòng. Nếu người nghệ sĩ tạo ra chúng cảm thấy xấu hổ vì đã tạo ra những thứ đang bị chê cười và chỉ trích không phải vì thô tục hay không, mà vì chúng quá xấu và nếu những người đã đồng ý trưng bày những bức tượng ấy cảm thấy xấu hổ vì chất lượng nghệ thuật của chúng, thì hẳn rằng họ sẽ hiểu rằng, thứ mà họ tạo ra ở một mức cực thấp về chất lượng, không khác gì việc khinh bỉ khả năng cảm thụ nghệ thuật của đông đảo công chúng.
Mà không ít trong số những công chúng ấy cũng lại thiếu hẳn khả năng thẩm định nghệ thuật, chỉ bởi vì một điều duy nhất: từ nhỏ, trong họ đã tồn tại một khoảng trống khủng khiếp về cảm nhận cái đẹp. Thẩm mỹ chính là thứ để tạo nên tâm hồn và khiến con người sống đẹp hơn, tiếc thay lại là điều ít được chú trọng trong môi trường giáo dục ở mình, ở cả dưới mái trường, lẫn trong các gia đình...
Trương Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất