Nghĩ từ 'phố bích họa'

05/02/2018 07:25 GMT+7

(lienminhbng.org) - Cuối cùng, sau nhiều tháng chờ đợi, phố bích họa Phùng Hưng tại Hà Nội cũng đi vào hoạt động.

Chỉ dài 200 mét, chỉ là 19 vòm cầu trên tổng số 127 vòm cầu cổ, vậy nhưng những gì diễn ra quanh đoạn phố Phùng Hưng (kéo dài từ Lê Văn Linh tới Hàng Cót) lại được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Bởi, đó là những bước đi đầu tiên trong ý tưởng tạo dựng một không gian nghệ thuật dựa trên những vòm cầu cạn cho đường sắt – giống như mô hình “phố vòm cầu” Daumesnil tại thủ đô nước Pháp.

Xa hơn, như nhận xét của nhiều chuyên gia, đó còn là một bước tiến quan trọng của Hà Nội,  trong nỗ lực cải tạo những không gian nhếch nhác và từng có lúc bị lãng quên để trở thành điểm nhấn văn hóa cho cộng đồng.

Và thực tế, từ khi khai trương vào ngày 2/2, đoạn “phố bích họa” ấy lập tức đã trở thành một điểm đến mới của người dân Thủ đô.

Chú thích ảnh
Đến với phố bích họa Phùng Hưng, người xem sẽ cảm nhận rõ nét những ký ức về Hà Nội xưa. Ảnh: TTXVN

Không còn những bãi gửi xe tự phát, không còn những chiếc xe rác được “tập kết” và chiếm dụng vỉa hè, đoạn phố này bỗng lột xác để trở thành một không gian lý tưởng cho người đi bộ. Ở đó, người ta có thể tản bộ, có thể thư giãn trên những chiếc ghế ngồi được lắp đặt cố định. Và đặc biệt, được chiêm ngưỡng và “selfie” với 19 bức bích họa đã được các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc hoàn thành trên các vòm cầu.

Hầu hết những bức bích họa ấy đều lấy một chủ đề chung: cảnh và người Hà Nội cũ. Đó là cảnh những ông đồ ngồi cho chữ, là những chuyến tàu điện, là cửa hàng Bách hóa Tổng hợp xưa trên phố Tràng Tiền, là những gánh hàng hoa ngày Tết…

Ấn tượng với “phố bích họa”, nhiều du khách quốc tế đã chia sẻ với báo giới rằng những gì đang diễn ra ở Phùng Hưng làm họ liên tưởng tới Madrid (Tây Ban Nha), George Town (Malaysia) hay làng Gamcheon (Hàn Quốc) – những nơi mà bích họa đường phố đã trở thành “đặc sản” và là biểu trưng của du lịch.

***

Nhìn lại, Hà Nội có không ít những không gian đặc biệt nhưng vẫn  bị “bỏ quên”. Nói “bỏ quên”, bởi những không gian ấy mang theo một phần lịch sử và ký ức của thành phố, nhưng lại vẫn nằm khuất lấp trong cuộc sống hàng ngày, dưới lớp bụi thời gian.

Bản thân, 1400 mét còn lại của “phố vòm cầu” là một ví dụ. Rồi, không gian dọc sông Tô Lịch – nơi có dải đê Bưởi kéo dài. Rồi con phố rất ngắn có tên Hỏa Lò, gắn với nhà tù nổi tiếng nhất trong lịch sử Hà Nội. Rồi phố Văn Miếu, nơi có vỉa hè rộng và dãy tường nhuốm màu rêu phong mà các đôi nam thanh nữ tú vẫn rất thích tới đó để thực hiện một bộ ảnh cưới cho mình.

Mà, như nhận xét của các chuyên gia, những đô thị lớn luôn cần các không gian, các điểm nhấn văn hóa đặc thù để thu hút cộng đồng. Và không gì hợp lý hơn việc tận dụng những địa điểm gắn với lịch sử, với ký ức để tạo dựng và nối dài lớp trầm tích văn hóa sẵn có tới hiện tại.

Sự quyết tâm, và nỗ lực của thành phố Hà Nội, đã bước đầu thành công ở một không gian từng có lúc bị lãng quên như đoạn “phố bích họa” bây giờ. Và, nếu nhìn lại hàng chục đồ án trong các cuộc thi thiết kế đô thị, cũng như những ý tưởng từng được đưa ra, có thể khẳng định: chúng ta có rất nhiều không gian văn hóa – lịch sử chờ ngày “đánh thức.”

Tất nhiên, quá trình “đánh thức” ấy không thể chỉ trông chờ vào sự quyết tâm và… ngân sách của Nhà nước. Đó phải là sự quyết tâm, và cả những cơ chế thu hút đầu tư hợp lý, để chúng ta có thêm những không gian kết nối lịch sử và ký ức của thành phố với cuộc sống hiện tại.

Sống lại 'ký ức Hà Nội' trên phố bích họa Phùng Hưng

Sống lại 'ký ức Hà Nội' trên phố bích họa Phùng Hưng

Phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức ra mắt công chúng Thủ đô và du khách vào tối 2/2, với tên gọi Không gian trưng bày dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm