22/08/2017 07:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Có lẽ, tháng 8 năm nay là câu chuyện của những con phố đi bộ.
Ở Hà Nội, đó là chuyện "phố đi bộ Hồ Gươm" được tôn vinh tại hạng mục Việc làm của giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội (do báo Thể thao &Văn hóa/ TTXVN tổ chức) sau gần một năm hoạt động.
Đó là chuyện "phố đi bộ Trịnh Công Sơn" dự kiến được khai trương tại quận Tây Hồ, nhưng rồi lại phải lùi tới ngày 10/10 tới vì nhiều lý do khác nhau.
Và gần nhất, tại TP HCM, phố đi bộ Bùi Viện đã chính thức khai trương vào tối 20/8, để rồi lập tức thu hút hàng ngàn người dân đổ về.
Trùng hợp, nhưng đó cũng là câu chuyện về nhu cầu có thật cho không gian đi bộ, ở những đô thị lớn.
Phố đi bộ không phải là câu chuyện "chạy theo mốt" của các đô thị phương Tây, như một số ý kiến từng phản biện. Dù đã đi vào hoạt động được một thời gian khá dài, việc các phố đi bộ Hồ Gươm, các trục phố Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ tại Hà Nội, hay phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP HCM luôn đông nghẹt du khách vào các ngày cuối tuần đã cho thấy: người ta đặt chân tới những không gian ấy không đơn thuần chỉ bởi sự hiếu kỳ.
Như chia sẻ của các kiến trúc sư, nhịp sống hối hả và áp lực tại các đô thị hiện đại đã khiến những không gian như phố đi bộ ngày càng trở nên đáng giá. Đó không đơn giản chỉ là không gian dành cho thương mại, mua sắm – mà xa hơn, những nơi ấy phải trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng, để người ta có thể tìm kiếm sự thư thái cần thiết cho mình.
Và, với diện tích lên tới hàng ngàn km2 như tại Hà Nội và TP HCM, chúng ta không thể... bắt những người dân cách xa trung tâm hàng chục km phải tìm đến Hồ Gươm hay phố Nguyễn Huệ. Những không gian đi bộ mới sẽ là sự giảm tải cần thiết, để những người dân quanh đó cũng có thể tìm kiếm nơi vui chơi, sinh hoạt của mình.
***
Thế nhưng, để đáp ứng những nhu cầu ấy, việc tổ chức các không gian đi bộ không đơn giản.
Ít người nhớ, từ...13 năm trước, trục phố đi bộ đầu tiên tại Hà Nội đã được thiết lập tại Hàng Ngang – Hàng Đào vào 2 tối cuối tuần. Để rồi, sau ngần ấy năm hoạt động, dấu ấn đọng lại từ "phố đi bộ" này khá nhạt nhòa với những người tới đây.
Bởi, ở trục phố đi bộ ấy, những giá trị tiềm tàng về quá trình tồn tại vài trăm năm của phố cổ đã bị át đi quá mạnh bởi những dãy ki ốt, tạp phẩm bày giữa đường. Như lời các chuyên gia, khi cả khu phố cổ Hà Nội đã là một cái chợ khổng lồ vào cả ban ngày lẫn ban đêm, việc đặt thêm những quầy hàng, bán đủ loại đồ trên trời dưới biển như vậy chỉ khiến du khách thêm rối, và mệt mỏi vì cảnh chen chúc đi từ đầu tới cuối phố mà không biết xem gì, ngắm gì.
Hoặc, như 2 con phố đi bộ đang "nóng" nhất là Bùi Viện và Trịnh Công Sơn. Sự thực, việc thành lập phố đi bộ Bùi Viện đã được nhắc tới từ nhiều năm nay, khi bản thân không gian này là "đại bản doanh" của khách du lịch quốc tế tại Tp HCM và đã hình thành rất nhiều dịch vụ, tiện ích để phục vụ du khách. Trong khi đó, ý tưởng về phố đi bộ Trịnh Công Sơn lại đặt ra nhiều dấu hỏi.
Bởi thực tế, điểm hấp dẫn nhất ở con phố này chính là cái tên gắn với một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt Nam. Còn lại, về bề dày lịch sử, cũng như vị trí, phố Trịnh Công Sơn vẫn không phải là quá hấp dẫn, khi chỉ là một con phố mới và vẫn nằm cách không gian của Hồ Tây... vài trăm mét.
Chính vì vậy, khi những gian hàng phục vụ thương mại được nghiên cứu bố trí tại đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng mô hình phố đi bộ này quá "rập khuôn" theo những hình mẫu khác. Trong khi đó, sẽ là hấp dẫn hơn rất nhiều, nếu những quán cà phê nhạc Trịnh, những không gian công cộng dành cho biểu diễn âm nhạc, hoặc những kiến trúc gợi nhớ tới cái tên Trịnh Công Sơn và di sản âm nhạc của ông.
Nghĩa là, phố đi bộ luôn cần sự sáng tạo, chứ không thể xuất hiện theo sự duy ý chí của chúng ta.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất