24/09/2018 07:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hà Nội văn hiến, với phong cảnh và sắc thái đặc trưng, nhưng từ góc nhìn hội họa, lâu nay có rất ít họa sĩ Việt diễn đạt thành công, tạo được dấu ấn, nên họa giới của Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) vẫn “riêng một góc trời”.
Triển lãm Điều kỳ diệu của Lê Văn Xương (1917 - 1988) vừa diễn ra tại TP.HCM. Sau hơn nửa thế kỷ, 101 tác phẩm của ông mới có dịp tái xuất cùng giới thưởng ngoạn. Tại đây, nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu, giới thưởng ngoạn đã vỡ òa, vì có một “phố Xương” rất riêng, gần như chưa có họa sĩ nào vẽ đạt và vẽ đẹp như vậy…
Điều đáng chú ý nữa, đó là Lê Văn Xương và Bùi Xuân Phái kết giao bằng hữu từ thập niên 1940, họ có nhiều dịp đi vẽ thực tế với nhau, cả hai đều vẽ Hà Nội từ rất sớm, thường thưởng lãm tác phẩm của nhau, nhưng “phố Phái” và “phố Xương” lại khác nhau. Phố Phái trầm buồn, băn khoăn, hoài cổ, thường vắng người; phố Xương thanh thản, trong vắt, hướng đến tương lai, thường có người và nhiều người. Giờ cả hai như “song kiếm hợp bích” để cùng làm nên một phố phường Hà Nội nhiều cung bậc, sắc thái.
Ngày 16/8/1953, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Văn Xương khai mạc triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường, giới thiệu 50 tác phẩm, đã có 13/50 tác phẩm được bán. Đến dự triển lãm của bạn mình, Bùi Xuân Phái viết: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác”. Còn họa sĩ Trần Văn Thọ (sinh năm 1917) thì viết: “Thời gian qua mà Xương còn nhiều năng lực làm việc như vậy thì rất mừng cho tương lai nghệ thuật Việt Nam”.
Có lẽ Văn Xương đã vẽ đầy đủ 36 phố phường Hà Nội và vẽ rất nhiều vùng ngoại ô, lân cận Hà Nội. Nhiều nơi như phố Hàng Đồng, Hàng Buồm, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… ông vẽ nhiều lần, trên vài chất liệu, kích thước khác nhau. Tại triển lãm Hà Nội 36 phố phường, ông đã bày hơn 36 tác phẩm về phố phường nội thành Hà Nội.
Văn Xương đã vẽ hơn 1.000 bức tranh, phải 1/3 trong số này vẽ Hà Nội - đây quả là một tình yêu Hà Nội ở mức kỳ diệu.
Văn Xương có may mắn được vẽ Hà Nội trong một giai đoạn đặc biệt của thành phố này - đầu thập niên 1950... Ông như “mau với chứ, vội vàng lên với chứ”, nên ngày đêm ghi chép lại. Mới nhìn tưởng ông vẽ tả thực, vì đi vẽ trực tiếp phong cảnh, nhưng thực ra ông luôn chắt lọc, bày biện thêm để có một Hà Nội theo ý riêng của mình. Phần lớn các tâm thế, cảnh giới của Hà Nội, từ lam lũ, khó khăn đến thanh lịch, văn minh, thanh thản đều được ghi chép và thể hiện có sức hút riêng.
Sau hơn nửa thế kỷ xem lại tình yêu Hà Nội của Văn Xương qua tranh, giới họa sĩ và sáng tác trẻ có thể nhận ra vài điều đáng suy ngẫm. Đầu tiên, chỉ có cố gắng sáng tạo và kiên trì làm việc thì mới mong có được một thành tựu, một cá tính nào đó. Thứ hai, nếu thật sự có cá tính sáng tạo riêng, dù bị quên lãng lâu hoặc mau, thì đến một ngày đó đời sống cũng sẽ nhìn ra. Cho nên ngày nay xem lại 101 tác phẩm của Văn Xương, vừa như điều kỳ diệu, nhưng cũng vừa như một luật bù trừ ở đời.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất