03/10/2019 07:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thông tin từ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: trong tháng 10 này, khoảng 30 điểm du lịch trên địa bàn quận sẽ ký cam kết "Điểm du lịch không khói thuốc". Theo đó, các điểm du lịch này sẽ dựng các biển báo cấm hút thuốc, đồng thời có biện pháp để lập tức nhắc nhở và xử phạt du khách khi vi phạm.
Nằm ở quận Hoàn Kiếm - khu vực lâu đời nhất thành phố - các điểm du lịch trong danh sách trên cũng chính là những địa chỉ tạo nên bộ mặt của du lịch Hà Nội như Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà hát múa rối nước Thăng Long, Bảo tàng lịch sử Việt Nam…
Chẳng có gì khó lý giải về quy định này - khi mà từ rất lâu, chúng ta đã quá quen thuộc với các số liệu về các gánh nặng do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam.
Ví dụ, số liệu của Bộ Y tế năm 2018 cho biết: Chúng ta nằm trong Top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người - trong đó 45,3% số nam giới từ độ tuổi 18 trở lên có hút thuốc. Bên cạnh đó, có 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Hoặc, theo một nghiên cứu của Bệnh viện K, 90% các ca ung thư phổi tại Việt Nam có liên quan tới thuốc lá. Ở đó, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 10 lần người không hút thuốc (và cao gấp 26 lần nếu hút 20 điếu/ngày).
Nhiều thành phố trên thế giới đã thực hiện việc cấm thuốc lá tại các không gian công cộng (kèm theo mức xử phạt rất nặng). Và bên cạnh Hà Nội, nhiều thành phố du lịch như Nha Trang, Huế, Hội An, Vũng Tàu, Hạ Long… cũng đã từng bước cấm hút thuốc lá ở một số điểm đến quan trọng. Đó là xu hướng tất yếu của một xã hội văn minh.
***
Nhưng, cũng cần nói thêm, tại Việt Nam, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã ra đời hơn 6 năm trước, trong đó có quy định rất rõ về việc cấm hoàn toàn hút thuốc tại cơ quan công sở, trường học và địa điểm công cộng. Tùy mức độ, người vi phạm bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.
Để rồi, thực tế về việc nạn hút thuốc vẫn rất phổ biến ở các không gian này đã cho thấy: Mức xử phạt đó không phát huy được hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.
Đã có những phân tích cho thấy: Điều này đến từ việc quy trình xử lý các vi phạm còn rườm rà, gây mất thời gian cho cả đối tượng bị xử lý và cơ quan chức năng. Cụ thể, khi xử phạt, người có thẩm quyền sẽ lập biên bản, báo cáo lên các cơ quan chức năng (Ủy ban phường, thanh tra chuyên ngành) - để rồi đến lượt cơ quan chuyên ngành sẽ dựa trên biên bản để ban hành quyết định xử phạt.
Vậy, trong thời gian tới, tại các điểm du lịch, việc cấm hút thuốc (kèm theo xử phạt) liệu có phát huy được hiệu quả của nó?
Câu trả lời sẽ là có, nếu như chúng ta không mặc nhiên cho rằng đó chỉ là câu chuyện thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng hay phía quản lý các điểm du lịch.
Tấm biển “cấm hút thuốc” ấy sẽ phát huy tác dụng, nếu cộng đồng những người… không hút thuốc cùng nhìn vào đó như một chỉ dẫn quan trọng về quyền lợi của mình. Trong một không gian được quy định rõ ràng như vậy, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu những người hút thuốc bước ra ngoài hoặc dập tắt điếu thuốc trên môi - điều mà rất nhiều người ngần ngại nếu thực hiện ở một nơi thiếu tấm biển “không hút thuốc”.
Thái độ kiên quyết từ cộng đồng theo cách ấy sẽ có tác dụng hơn rất nhiều nếu đặt cạnh hi vọng vào một mức phạt hành chính đối với người vi phạm. Nó bắt nguồn từ một thực tế đơn giản: Cộng đồng những người không hút thuốc - và khó chịu bởi những điếu thuốc lá - luôn đông hơn rất nhiều so với một số ít những người làm chức năng quản lý và giữ trật tự tại các điểm du lịch.
Vấn đề chỉ nằm ở việc họ dám đòi một quyền lợi tưởng như rất bình thường: Quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành, giữa một môi trường du lịch văn minh, lịch sự.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất