10/01/2017 12:14 GMT+7
(lienminhbng.org) - Cuối tuần qua, dư luận bỗng xôn xao về hình ảnh cặp rồng lạ, được đặt để trang trí trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng).
Gọi là lạ, bởi cặp rồng này được uốn từ cây xanh và đã tồn tại rất lâu tại đường phố Hải Phòng. Nhưng trong những ngày cận Tết. TP này đã gắn thêm hoa giả lên mình rồng và mang lại một cách tạo hình khó lòng coi là đẹp.Bên cạnh đó, màu vàng của hoa giả mới gắn cũng khiến nhiều người liên tưởng tới hình tượng Pikachu trong truyện tranh, phim hoạt hình Pokemon. Liên tưởng trên đã tạo ra rất nhiều bức ảnh hài, ảnh chế gây cười khiến "rồng lạ" ở Hải Phòng nhận được nhiều nhận xét không tích cực.
Và cuối cùng, Hải Phòng đã quyết định gỡ hoa trên mình hai con rồng này xuống.
***
Trong luồng tranh cãi, cũng có quan điểm rằng rồng là linh vật của trí tưởng tượng. Bên cạnh đó, việc tạo hình rồng cũng không phải nhất thành bất biến, mà có sự thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Nên, một con rồng hiện đại với trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của người thế kỷ 21 cũng có thể chấp nhận.
'Rồng Pikachu' được đặt để trang trí trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng). Ảnh: Dân Trí
Quan điểm ấy không hẳn không có lý. Nhưng rõ ràng, hình tượng rồng trong nghiên cứu, trong nghệ thuật và rồng trong mỹ thuật ứng dụng là những câu chuyện khác nhau. Ở đây, cặp rồng ở Hải Phòng là tạo hình mang tính ứng dụng, để trang hoàng ở nơi công cộng.
Đồng nghĩa, cặp rồng không nhất thiết phải ấn định là rồng Lý, Trần, Lê, Mạc như các nghiên cứu và cũng không phải "đất diễn" cho những sáng tạo quá xa hình tượng quen thuộc. Chúng phải phù hợp với quan niệm phổ quát của người dân. Nghĩa là, rồng phải... ra rồng.
Và ít nhiều, ở trường hợp này, chúng ta đã lãng phí số tiền để đắp hoa rồi gỡ hoa trên mình rồng - trong khi xã hội cũng lãng phí rất nhiều năng lượng trong các cuộc tranh luận không đầu không cuối, về một tiểu cảnh trang trí nhỏ, tại một địa phương.
***
Chuyện cặp rồng không quá to tát, nhưng việc trang trí đường phố trên khắp các tỉnh thành vào dịp lễ Tết là điều cần nhìn nhận và suy xét cẩn trọng. Thực tế, nhiều địa phương lâu nay vẫn làm điều này một cách cứng nhắc theo tư duy cũ mà ít quan tâm tới việc nghe ý kiến của cộng đồng hoặc chuyên gia.
Nhưng, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, một tiểu cảnh trang trí giả hoa ở vòi phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) như năm ngoái hay cặp rồng tại Hải Phòng năm nay cũng có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng truyền thông.
Người dân có quyền bày tỏ quan điểm và cả sự bất bình với cách làm úi xùi, qua quít. Người dân có quyền đặt câu hỏi về việc thiếu hiệu quả với số tiền thực hiện sự trang trí ấy, cho dù đó là nguồn ngân sách hay xã hội hóa. Và, câu chuyện sẽ đi ngày một xa nếu các địa phương không thực sự cầu thị.
Trong năm nay, Hà Nội đã tổ chức cuộc thi trang trí các tuyến phố. Đồng thời, thành phố cũng cam kết sẽ áp dụng cẩn trọng, lắng nghe ý kiến người dân. Đó là chỉ dấu đầu tiên cho những sự thay đổi trong nhận thức của những người quản lý tại Hà Nội. Đó là một cách làm cần được nhân rộng.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất