09/05/2020 07:45 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thỉnh thoảng tôi lại đi ngang qua con phố ấy, và đôi khi có một cảm giác gì đấy giống như đang trở về. Mấy cái quán cơm phía đối diện nhà cũ vẫn còn mở, luôn đông đúc. Cửa hiệu giặt là ở chung tường cũng vậy.
Và cô bé nhân viên vẫn là cô bé năm nảo năm nào làm thuê bên cửa hàng nhà tôi. Cô ấy tên Lệ, quê ở Thái Nguyên. Tôi đã từng đưa Lệ vào một cuốn tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết thì cô ấy tên Lê. Cho đến bây giờ Lệ cũng như hàng loạt nguyên mẫu khác vẫn không hề biết là mình đã từng ở trong một cuốn sách.
Sau khi tôi rời đi, Lệ sang làm thuê cho tiệm giặt là bên cạnh và ở đó cho đến bây giờ, đã gần 20 năm. Cô cũng kịp lấy chồng và có một con gái.
Tôi đã từng nghĩ, Hà Nội mãi mãi chỉ là nơi ở trọ đối với những người như mình, tức là từ tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp, sinh sống. Nhưng hóa ra không phải. Từ lúc nào đó Hà Nội trở thành một phần đời sống, một phần có thực, và nếu muốn từ bỏ thì phải chờ đợi một cơ hội khác. Thậm chí nó có thể không đến. Cuộc đời là thế.
Cây long não rất già, già tới mức tưởng như nó đã chết từ đời nào, vẫn đứng sừng sững ngay chính giữa, đối diện cái ngõ bé tí dẫn vào những hộ gia đình phía trong. Phố cũ Hà Nội có cái đặc điểm rất khác biệt. Bên ngoài hào nhoáng cửa hàng cửa hiệu, phía sau những cửa hiệu ấy lại luôn là một diện mạo khác. Khác tới nỗi không biết ví von thế nào cho chính xác.
Sát tường ngôi nhà tôi ở là cái ngõ tí xíu ấy. Nó sâu, hẹp, tối, ẩm ướt, đầy chuột và gián. Không bao giờ có đèn vào buổi tối. Chẳng ai lắp đèn để soi cho lối đi chung ấy cả, mặc dù tiền điện cho một bóng đèn chắc cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng người ta, năm này qua năm khác, đời bố mẹ sang đời con cái, vẫn cứ mò mẫm đi trong cái ngõ tối om nhem nhép ấy mà chẳng phàn nàn nửa lời. Và mỗi sáng họ lại lũ lượt xe máy, xe đạp từ trong ngõ tối ấy đi ra phố xá đông đúc sáng choang.
Tôi dừng lại ở chỗ cây long não, và dường như nhìn thấy cô con gái nhỏ của mình đang chơi đùa với con chó ngày nào cũng xích ở đấy. Hà Nội có những mảnh nhỏ mà cho dù bao nhiêu thập kỷ nữa qua đi thì nó vẫn ở yên chỗ cũ. Như là bà lão sống tít ở trong cùng của ngõ tối ấy, người mà lũ trẻ nhà tôi gọi bằng bác. Mỗi khi bà đi từ trong ngõ ra là chúng tôi lại thấy bà tỏa ra mùi thơm tho của một đời người thanh sạch.
Hôm nay tôi chỉ thấy cái ngõ mà không thấy bà.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất