Thư châu Âu: Học cách trốn thoát

22/12/2015 08:02 GMT+7

(lienminhbng.org) - Thưa quý anh chị,

Đấy là một trò chơi mang tính xã hội đang thu hút sự chú ý của nhiều người châu Âu, trong đó có người Italy, trong thời điểm mà sự bất ổn về xã hội, cuộc khủng hoảng kinh tế, sự nhạt nhòa của cái tôi cá nhân ngoài xã hội thật và gồng mình trong xã hội ảo và những nguy cơ khủng bố khiến người ta bế tắc.

Thoát ra khỏi những bế tắc ấy cần rất nhiều kỹ năng sống mà trò chơi này đơn giản là một cách ẩn dụ về việc tìm cho mình một lối thoát trong cuộc sống.

Ở phương Đông, nơi trò chơi ra đời, nó có tên gọi “takagism”, ở Mỹ là “escape room” và nó được du nhập vào châu Âu một cách hào hứng.

Tại Milan và Turin, nơi có các “escape room” đầu tiên ở Italy, trong một năm qua, đã có 44.000 người tự chui vào cái bẫy đó và chỉ 40 người tìm được lối ra, tìm lại được sự tự do của mình trong một tiếng mò mẫm trong căn phòng không cửa sổ, cửa bị khóa kín, chỉ có một giá sách, một bảng viết, một đồng hồ quả lắc, một máy đánh chữ và rất nhiều đồ đạc của những năm 1940.

Bạn không có gì trong tay, không điện thoại thông minh, không máy tính, không gì cả, không thể xin hỗ trợ của bất cứ ai ngoại trừ việc phải phối hợp với đồng đội và bắt bộ óc mình làm việc như một thám tử, kiếm tìm những bằng chứng, những đáp số để cùng nhau thoát khỏi căn phòng.

Trò chơi ấy xem ra lúc đầu rất đơn giản, nhưng vô cùng thách thức: ít nhất 2 đội, gồm 2 đến 10 người chơi, cần phải tìm mọi cách để thoát ra khỏi căn phòng trong vòng một tiếng đồng hồ. Cánh cửa sắt chỉ mở ra sau khi người chơi trả lời bằng hết một loạt câu hỏi logic. Đấy không phải là những câu hỏi về văn hóa, về ngoại ngữ hay toán học mà có tên như “Secret Rooms” (phòng bí mật), “Enigma Rooms” (phòng bí ẩn) hay “Get Me Out” (hãy cho tôi ra khỏi đây). Nếu bạn không giải được hết những câu đố, không vấn đề gì hết, cánh cửa sẽ vẫn mở ra, nhưng bạn sẽ ra về với nỗi ấm ức và có thể sẽ buồn vì đã thất bại. Cũng như trong cuộc sống, để chiến thắng trong tập thể, người ta cần sự xuất sắc của các cá nhân trong một sự phối hợp ăn ý.

Daniele Massano, một người đã từng tổ chức những cuộc chơi theo dạng này ở Turin nói trên kênh RAI rằng, điều quan trọng trong cuộc chơi này không chỉ là dùng cái đầu, sử dụng kiến thức của mình, mà phải có cả trực giác. Những bộ não thông minh không chỉ biết nạp và xả những kiến thức sách vở, mà cần có khả năng quan sát, tính tổ chức và biết lắng nghe.

“Chúng tôi từng tổ chức chơi cho có một nhóm các giáo sư của Trường Đại học Bách khoa Turin. Họ tin rằng, họ có thể thoát ra trong vài phút”, ông nói. “Trên thực tế, sau một tiếng, họ vẫn loay hoay với các câu hỏi, vì không ai chịu ai”. Đấy là một bài học về vai trò của các cá nhân trong tập thể. Tất cả cùng xuất sắc không đồng nghĩa với một tập thể mạnh.

Trò chơi khá thu hút mọi người, và các công ty sử dụng nó để phát triển văn hóa công ty, gia tăng sự phối hợp nhóm giữa các đồng nghiệp, những người bạn chơi với nhau để thể hiện tính ganh đua, nhiều người chơi trò này với bạn bè như một cách để ăn mừng sinh nhật theo cách của riêng họ. Có những trường hợp có người đã chơi rồi quay lại chơi tiếp với bạn, giả vờ như mới chơi lần đầu và từ đó có thể thể hiện rằng, anh ta giỏi hơn bạn mình.

Mario Morcellini, một nhà tâm lý học nổi tiếng của Italy cho rằng, đây là một điều rất dễ thấy trong xã hội hiện đại, khi cái tôi cá nhân được thể hiện một cách hợm hĩnh. “Tất cả đều nghĩ rằng, họ có thể tự mình giải quyết được vấn đề mà không cần quan tâm đến người khác”, ông nói. “Trong khi đó, trên thực tế, chúng ta thường trở nên căng thẳng và mất phương hướng khi sức ép lớn dần”.

Trò chơi “escape room” giúp các nhà tâm lý học và chính người chơi hiểu rõ hơn về cách con người ứng xử ra sao, khi nỗi sợ hãi xuất hiện vào thời điểm thời gian chơi cạn kiệt dần, mà các đáp số vẫn chưa thể tìm ra. Một cuộc giải trí đơn thuần đã biến thành một cơ hội để tất cả nhìn thấy phía kia của con người mình, khi rơi vào một trạng thái bất lực và nhận thấy họ bị mắc kẹt, không lối thoát.

“Nếu không có sự sợ hãi, trò chơi sẽ không thành công đến thế”, Morcellini nói. “Chúng ta đang sống trong một nỗi sợ hãi thường trực trong cuộc sống và khả năng thoát khỏi sự hoảng loạn ấy trở thành thước đo giá trị của chúng ta”. Không ngạc nhiên khi cả người khiếm thính cũng thích tham gia trò chơi này. Ít nhất 70 nhóm người điếc ở Italy đã vào chơi “escape room”. Theo Morcellini, với họ, sự nguy hiểm bằng âm thanh đã bị loại trừ.

Tôi nhớ đến một bộ phim của Mỹ, về việc CIA đưa vào một căn phòng đóng kín nhiều người từ những thành phần xã hội khác nhau, trong một thí nghiệm tàn khốc và lạnh lùng về khả năng tồn tại của con người. Nhóm người ấy đã làm tất cả những gì có thể để tiêu diệt nhau với mục đích duy nhất là rời khỏi căn phòng. Không ai trong số họ sống sót.

Một đáp số thật kinh khủng: để tồn tại được, hoặc tất cả phải cùng nhau tìm cách để sống, hoặc tất cả cùng chết. Hợp tác trở thành một chìa khóa để cùng vượt qua những nỗi lo sợ và kích thích bản năng sinh tồn.

Tất cả cùng hiểu như thế, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, như trong trò chơi này, điều đó mới thể hiện hoặc không. Trong thời buổi bất trắc đầy những mối đe dọa này, những điều cơ bản về cộng đồng ấy càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết, khi những cái “Tôi” đang trở nên ngày càng cô độc và nghi ngờ tất cả....

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm