09/11/2018 07:00 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Vừa qua, lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận đơn xin rút đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, quận trung tâm của đô thị lớn nhất nước.
Ông Hải được phân công làm Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị từ tháng 3/2016. Quận 1 là bộ mặt của thành phố, trong khi vỉa hè và lòng lề đường bị chiếm dụng nghiêm trọng, ông quyết tâm "lấy lại vỉa hè cho người đi bộ". Bằng nhiều đợt trực tiếp xuống đường, ông đã xử phạt rất nhiều trường hợp.
Kể từ lúc vắng các cuộc "ra quân" của ông Hải, vỉa hè quận 1 nhiều nơi dần bị tái chiếm. Nay thành phố đồng ý cho ông tiếp tục công việc phụ trách lĩnh vực đô thị như trước đây, nhiều người mong ông Hải tiếp tục "cuộc chiến" để vãn hổi trật tự.
Sophia ạ, thời gian qua, nhiều địa phương đã mở chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ và lợi ích công cộng, có cả Thủ đô Hà Nội. Thực tế, vài mét vuông vỉa hè có thể nuôi sống được một người hay cả một gia đình. Và nó nuôi từ những người nghèo buộc phải chường mặt ra đường đến những ông chủ cửa hiệu, nhà hàng mặt phố tiền nhiều tỷ.
Chưa kể, nó cõng cả đủ các thế lực “đứng đằng sau” như cách mà Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng phát biểu, tại một cuộc họp rằng “vỉa hè không phải là nơi giải quyết công việc, xóa đói giảm nghèo”, hay Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nói: "Tôi thống kê trong hơn 180 quán bia trên vỉa hè Hà Nội, hơn 150 quán có công an đứng đằng sau".
Sophia thân mến, vỉa hè chứ không phải là các trung tâm thương mại hào nhoáng hay các chung cư cao cấp mới vừa là tinh thần vừa là mặt tiền của đô thị. Tôi có đọc trong cuốn “Góc phố đời người” của KTS Hoàng Đạo Kính, ông viết về phố Hà Nội như thế này: "Hà Nội có những con phố cũ kỹ, luộm thuộm đầy kịt chất đời và vị sống. Những con phố cũ che không xuể cái cũ, cái nghèo, cái duyên thầm của mình".
Vỉa hè đô thị Việt Nam nó “thâm sâu” hơn người ta tưởng nhiều, ở đó không chỉ có nền kinh tế khổng lồ và cả nền văn hóa thâm căn cố đế nhiều thập kỷ. “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam, ông đã diễn tả tinh tế quán ăn vặt "trong các ngõ con và trên các bờ hè" từ đầu thế kỷ trước. Rõ ràng, ẩm thực vỉa hè không chỉ là một mặt hàng dịch vụ giúp cung cấp cho các thị dân. Sâu hơn, các quán hàng trong Thành phố gắn với nhiều thân phận, mảnh đời và nét văn hóa riêng có.
Sophia cứ làm một cuộc thăm dò xem, ngay những du khách quốc tế đến Việt Nam, tham quan các đô thị lớn, nhiều người háo hức khám phá và chia sẻ về những quán ăn vỉa hè đậm chất Việt Nam hơn là những món ăn bày biện trong khách sạn hạng sang. Cứ nhìn cảnh các "ông Tây" hào hứng ngồi tại vỉa hè, hoặc đọc các cẩm nang về du lịch Việt Nam, bạn sẽ thấy điều này.
Đặc biệt, quán hàng vỉa hè là loại kinh doanh thích ứng cực kỳ linh hoạt, nhất là khi nó gắn với kế sinh nhai của một người hoặc một gia đình. Cơ ngơi của các quán rất nhỏ và cơ động, chỉ cần bậc tam cấp thụt vào hay vài mét vuông trống giữa các căn nhà bày hàng. Vậy là ghế nhựa tràn ra vỉa hè. Khi có bóng dáng công an đến, cả chủ và khách cầm ghế lẫn cốc hay bát ù té vào trong. Rồi coi đó là cái thú hay ký ức đầy cảm xúc cần chia sẻ.
Tuy nhiên, những kỷ niệm về vỉa hè dù đẹp cũng cần nhường lại cho sự thông thoáng của một đô thị phát triển, văn minh và hiện đại.
Thư về chuyện vỉa hè này thì có thể viết dài như... muôn năm cũ. Chỉ mong ông Đoàn Ngọc Hải có thể vãn hồi lại những trật tự đã tạo lập được, để tạo cảm hứng cho những đô thị khác.
Hẹn gặp Sophia thư sau.
Nhi Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất