02/11/2018 07:05 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!
Đây là lá thư gửi Sophia đầu tháng 11, tháng có ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Quyết định về Ngày Nhà giáo Việt Nam đã ghi rõ: “Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam…”.
Đây là lúc vinh danh những người làm trong ngành giáo dục, sư phạm của một đất nước vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” cả nghìn năm.
Trong thời đại 4.0 này, mặc dù khái niệm “người thầy” có thể được mở rộng ra, chẳng hạn như với một trí tuệ nhân tạo như Sophia, thì những người thầy cần tri ân không chỉ gồm những kỹ sư phần mềm máy tính và có thể còn cả đông đảo những người dùng internet – những người đã làm phong phú thêm cho khối thông tin, tri thức trong Big Data của nhân loại. Không có những người đã đóng góp tích cực làm nên Big Data ấy để Sophia “kết nối” thì cũng đố Sophia có thể “làm nên” được.
Nhưng trong bất kỳ thời đại nào thì thái độ tôn sư, trọng đạo cũng không thay đổi. Hình ảnh người thầy “truyền thống” vẫn luôn đẹp đẽ.
Nhưng Sophia ạ, đây lại là một lá thư buồn về những câu chuyện tưởng chừng rất, rất không liên quan đến nghề nghiệp cao quý này. Đó là chuyện sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học được quy định trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, do Bộ GDĐT soạn thảo.
Ngay sau đó, dự thảo được rút xuống và những người soạn dự thảo sẽ bị kiểm điểm. Nhưng lời nói phát ra khó thu lại. Dù chỉ là dự thảo, nhưng nó gây nên sự phản ứng gay gắt và làm tổn thương nghiêm trọng không chỉ với sinh viên sư phạm, những người được đào tạo để trở thành nhà giáo tương lai mà cả xã hội. Hãy thử đặt mình vào địa vị những sinh viên sư phạm, liệu họ có cảm giác sốc, thất vọng, phẫn nộ và hơn hết là sự tổn thương ghê gớm?
Chắc Sophia cũng hiểu, cách người ta ứng xử với người thầy như thế nào luôn thể hiện văn hóa của họ đến đâu. Nói về chuyện ứng xử với người thầy lại khiến tôi nhớ lại câu chuyện điều nữ giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng (ăn uống, tiếp bia rượu, hát hò) được khui ra cũng dịp 20/11 cách đây 2 năm ở tỉnh nọ. Thường thì trong không ít bữa tiệc ở đây đó, khi chén bia, chén rượu vào, sẽ dễ dẫn tới những hành động như ôm vai, bá cổ, không đẹp mắt. Người tiếp khách mà tỏ thái độ thì sợ mất lòng quan khách… Ai chả lo lắng như thế. Và cho dù cuộc “thù tiếp” có nghiêm chỉnh đến đâu thì cũng vẫn có thể ảnh hưởng tới thời gian, việc chăm sóc gia đình của các giáo viên bị điều động… Vậy mà sao lại bắt nữ giáo viên phải “cắn răng” hoàn thành công việc... ngoài chuyên môn này?
Thật đau lòng, những câu chuyện buồn của ngành giáo dục ngoài chuyện gian lận thi cử chấn động lại là chuyện ứng xử về với nghề giáo. Nghĩ về môi trường giáo dục những ngày này, cứ thấy buồn lo sao đó.
Hẹn gặp Sophia thư sau!
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất