Thư gửi robot Citizen: Trồng 'hạnh phúc'

31/05/2019 07:36 GMT+7

(lienminhbng.org) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Giải thưởng Môi trường sống thế giới được trao cho 10 ý tưởng sáng tạo về nhà ở

Giải thưởng Môi trường sống thế giới được trao cho 10 ý tưởng sáng tạo về nhà ở

Ngày 27/5, Chương trình Môi trường sống thế giới của Liên hợp quốc (World Habitat) đã trao thưởng, mỗi giải trị giá 11.000 USD, cho 10 ý tưởng, dự án và chương trình nhà ở nổi bật và sáng tạo nhất trên toàn cầu.

Philippines, một quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á với chúng tôi, mới đây đã ban hành luật "Di sản tốt nghiệp cho Hành động vì môi trường" nhằm góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mang lại hiểu biết về môi trường cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy nhiều sáng kiến sinh thái hơn.

Cụ thể theo luật này, mỗi học sinh năm cuối cấp tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây thì mới có thể tốt nghiệp.

Theo như tác giả của đạo luật này, nếu được thực hiện đúng cách thì với số học sinh các bậc học hiện tại, mỗi năm Philippines sẽ có thêm được 175 triệu cây mới được trồng trên toàn lãnh thổ.

Chú thích ảnh
Ảnh: Nextshark

Sophia thân mến!

Khi xem nội dung chính của đạo luật này, tôi nhớ ngay đến bài thơ "Ai trồng cây" (đã được đưa vào SGK và phổ nhạc) của nhà thơ Bế Kiến Quốc, có những câu như: "Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc/ Mong chờ cây/ Mau lớn theo từng ngày".

Việc khuyến khích mọi người trồng cây không chỉ làm tăng số lượng thực vật nơi mình sinh sống mà còn là một "bài học thực hành" giúp chúng ta thay đổi cách suy nghĩ, cách sống của mình.

Trở lại với việc yêu cầu học sinh trồng cây, có thể Sophia hay một ai đó sẽ đặt câu hỏi: Ở đô thị đất chật người đông thế này thì bắt các em trồng cây vào chỗ nào?

Câu trả lời không khó. Tùy theo điều kiện thực tế, chúng ta có thể hướng dẫn các em trồng cây mới vào các chậu nhỏ đặt ở ban công nhà mình, hay ở trong khuôn viên trường học... Kể cả các trường không có một tí đất trống nào, chúng ta vẫn có thể tạo ra vô số chỗ trồng cây bằng cách xếp lớp các giỏ treo lên bờ tường, hành lang lớp học... cho các em tự trồng cây và tự chăm sóc cây.

Còn ở nông thôn, miền núi thì việc đó quá dễ dàng. Những nơi có rừng phòng hộ thì dành cho các em một vài khu trống để các em có điều kiện theo dõi chăm sóc quá trình cây trưởng thành.

Khi cây đã sống khỏe mạnh, chúng ta có thể tuyển chọn đưa về vườn ươm cây đô thị, trước khi mang ra trồng trên vỉa hè, dải phân cách hay trồng tại các khu đô thị mới xây dựng. Cũng có thể mang ra trồng ở các khu rừng phòng hộ, vùng ngập mặn hay thậm chí bổ sung luôn vào những diện tích rừng vừa bị lâm tặc tàn phá... Những cây con nhỏ nhoi ấy sẽ có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Công việc này buộc học sinh các cấp phải tìm hiểu kiến thức về môi trường. Dựa vào tính chất địa lý vùng miền, các em sẽ lựa chọn giống cây trồng nào phù hợp với nơi mình đang sinh sống để gieo trồng và chăm sóc.

Vừa rồi, khi năm học kết thúc, người ta nói nhiều về việc đánh giá học sinh cuối năm. Cơ sở của việc đánh giá chủ yếu vẫn dựa vào điểm số các môn. Nay chúng ta học tập Philippines đưa thêm việc trồng cây vào để đánh giá, phân loại xét tốt nghiệp, tôi nghĩ cũng rất thực tế. Bởi cũng đã khá lâu rồi, cũng không rõ từ bao giờ, trong mục đánh giá học sinh cuối năm tôi thấy thiếu phần nhận xét về lao động.

Tính nhanh từ bậc tiểu học đến hết đại học, một em sẽ phải trồng khoảng 30 cây, một con số cũng rất đáng kể. Bản thân các em cũng sẽ rất tự hào vì những đóng góp của mình cho cộng đồng.

Và để mỗi lần đi dưới bóng cây, ai cũng sẽ thấm thía hơn câu thơ "Ai trồng cây/ Người đó có hạnh phúc".

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm