Thư gửi robot Citizen: Nhọc nhằn 'cái sự học'

20/08/2021 07:28 GMT+7

(lienminhbng.org) - Đúng là bình thường, “cái sự học” đã đầy nhọc nhằn, trúng mùa dịch càng lao đao, đủ thứ phải lo hơn. 

Thư gửi robot Citizen: Chỉ cần biết thương nhau!

Thư gửi robot Citizen: Chỉ cần biết thương nhau!

Sài Gòn vẫn yên lặng quá. Thi thoảng tiếng còi xe cứu thương lại rú lên khiến cả con phố như giật mình bừng tỉnh.

Sophia thân mến!

Đến hôm nay, rất nhiều địa phương trong cả nước chúng tôi đã đưa ra phương án, lịch tựu trường, khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Vậy là năm thứ 2, khá nhiều trường không tổ chức trực tiếp các ngày lễ trọng đại này cho các em. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thậm chí còn đề xuất không tổ chức tựu trường, khai giảng, mà các trường sẽ bắt đầu tổ chức dạy học trực tuyến theo các mốc thời gian cụ thể. 

Quả thực, việc tựu trường, khai giảng ở TP.HCM ở khoảng thời gian này không còn nhiều ý nghĩa khi thành phố đang có 249 trường học bị trưng dụng làm khu cách ly; 453 trường làm nơi xét nghiệm, tiêm vắc-xin; có 1.960 giáo viên và hơn 5.800 học sinh thuộc diện F0, F1.

Đúng là bình thường, “cái sự học” đã đầy nhọc nhằn, trúng mùa dịch càng lao đao, đủ thứ phải lo hơn. 

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh tư liệu của Thanh Tùng/TTXVN 

Cấp “vi mô” thì xin cho con học trường nào, xoay xở học phí và mua sách, vở, bút, mực ra sao; học online có ổn không, máy tính và đường truyền Internet thế nào? Cấp vĩ mô thì câu hỏi muôn thuở: Làm cách nào để tăng chất lượng đào tạo, đến chuyện tưởng “bé” như sách giáo khoa bị tắc, phải vận chuyển như thế nào để kịp về phục vụ công tác dạy và học? Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phải đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới. 

Rồi cả chuyện chống in lậu sách giáo khoa nữa...

Nhân nói về sách giáo khoa, lại phải nói đến cuộc tranh luận ồn ào về bài thơ "Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 6, tập 1, trang 27 bộ "Kết nối tri thức và cuộc sống". 

Bài thơ đề cập đến kỹ năng ứng xử đối với một vấn nạn nhức nhối trong học đường thời gian gần đây, đó là nạn "bắt nạt", thế nên sự xuất hiện của nó trong trang sách giáo khoa cũng là "thiết yếu". Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đánh giá bài thơ có sự "trong trẻo, hiền hòa mà rất sâu sắc, nhân văn", thì cũng có nhiều người phản đối.

Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý vừa chia sẻ một “tâm thư” cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên đưa những tác phẩm như thế vào sách giáo khoa cho các cháu học. Vì đấy là bài thơ dở về nghệ thuật. Những tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa phải có nội dung tốt và chất lượng nghệ thuật cao. Bởi nó không chỉ giáo dục nhân cách con người mà còn giúp học sinh cảm thụ cái đẹp, cái hay của nghệ thuật”. 

Tâm thư của nhà thơ cũng gây khá nhiều chú ý trong giới văn nghệ sĩ. Việc mổ xẻ một cách khách quan chất lượng bài thơ này sẽ được chúng tôi thực hiện trong chuyên mục "Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa" trên báo số thứ Tư tuần tới, hãy đón đọc, Sophia nhé!

Sophia thân mến!

Hãy tạm gác lại tranh cãi về một bài thơ. Trong bối cảnh  dịch dã hoành hành, câu chuyện Đà Nẵng ứng xử với giáo dục thật đáng trân trọng. Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, TP Đà Nẵng quyết định miễn 100% học phí năm học 2021 - 2022. Theo đó, gần 90 tỷ đồng là kinh phí dự kiến sẽ bố trí cho ngành Giáo dục Đào tạo Đà thành, lấy từ nguồn ngân sách thành phố.

Sống ở Đà Nẵng, tôi biết 2 năm qua thành phố này đã phải tư duy rất nhiều trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, bởi gần như nhìn lĩnh vực nào cũng thấy cần “hà hơi” tiếp sức. Vậy mà, họ vẫn không quên sự nghiệp “trồng người”.

Trước đó, dư luận cả nước đều rất ngưỡng mộ Hải Phòng, địa phương duy nhất và đầu tiên dùng ngân sách để miễn học phí cho con em thành phố. Một chính sách quá nhân văn, thức thời. 

Cụ Phan Châu Trinh từng tặng hậu bối một tài sản quý giá phải nói bậc nhất, đó là triết lý "chi bằng học". Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng khuyên Việt Nam: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Mong sao, Đà Nẵng sẽ cố gắng linh hoạt ngân sách để tiến tới miễn luôn học phí trong những năm học tới. Và câu chuyện Hải Phòng, Đà Nẵng sẽ được lan tỏa rộng khắp cả nước để “cái sự học” không còn quá nhọc nhằn.

Tạm biệt Sophia và hẹn gặp thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm