Trong trái tim nước Pháp

17/11/2015 12:23 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Với tôi, không bao giờ có dự liệu hay hình dung nước Pháp bị tấn công ở chính thủ đô, cho đến khi toà soạn Chalie Hebdo bị thảm sát ngay buổi trưa mà tại vị trí thuộc trung tâm, đường Nicolas-Appert, quận 11. Tôi đã không ngủ được, đêm 13/11, tối hôm đó ở Paris máu đổ.

Nhiều năm nay, tôi đã sống phân tâm trong nhịp mùa cùng nước Pháp. Múi giờ Pháp và châu Âu chênh Việt Nam 6 tiếng mùa Hè và 5 tiếng mùa Đông. Tôi thường trực kết nối hình dung khi xem đồng hồ lúc này ở Pháp là mấy giờ và nhớ đến những quang cảnh, kỉ niệm mà tôi đã có trong 3 lần qua Pháp: 2003, 2007, 2011.

Stade de France, sân vận động quốc gia ở Paris - nơi diễn ra nhiều trận cầu đỉnh cao, những chương trình nghệ thuật lớn lại bị hoảng loạn và chấn động. Nhà hát Bataclan đã bị tắm máu - hiện tượng chưa từng có từ khi ra đời (1864) trong lịch sử hơn 150 năm, xuất phát khởi điểm là một rạp chiếu phim. Một trường đoạn phim đời bi kịch đã xảy ra. Những kẻ đánh bom sân vận động, xả súng trong nhà hát muốn gì? Trả thù vì Pháp can thiệp vào Syria? Không hẳn thế.


Người Pháp tụ tập tại Nhà thờ Đức bà Paris để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ khủng bố

Chúng muốn tấn công vào cường quốc có nền văn hoá lớn, một trong những nền văn minh lớn của nhân loại. Cùng Đức, Pháp là đầu tàu của khối EU, tấn công vào Pháp chính là tấn công vào châu lục nhiều quốc gia tiên tiến, phát triển nhất hành tinh.

Đây là nơi mà giá trị nhân đạo và tình yêu thương được coi là yếu tố hàng đầu của lối sống, không chỉ ở thực tại mà phản ánh của lịch sử toàn diện mọi lĩnh vực và tựu thành trong các loại hình nghệ thuật. Nếu không tính về các cơ quan tổ chức quốc tế đóng trụ sở hành chính, chỉ xét về văn hoá thì Paris là trái tim châu Âu, với lượng khách du lịch đến đây nhiều hơn dân số.

Chia sẻ, chia buồn với các thân nhân nạn nhân, sự tiếc thương với người xấu số, cơ man bông hoa, nến và triệu lời cầu nguyện, đoàn người xin hiến máu cho người bị thương ở nhiều địa điểm tại Paris, khắp nước Pháp và các thành phố châu Âu đang cộng hưởng thành sức mạnh số nhân của tình đoàn kết, sức mạnh chính nghĩa của ánh sáng.

Paris hay nước Pháp, hay châu Âu bàng hoàng, nhiều người sợ hãi, nhưng sự sợ hãi không thể bủa vây xứ sở mang lá cờ ba sắc lam - trắng - đỏ, với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái mà luật pháp và ngôn ngữ là khuôn mẫu của loài người. Tiếng Pháp vẫn được chọn là ngôn ngữ mở đầu những bài phát biểu ở những kỳ Olympic quốc tế, vang lên theo những khẩu hiệu của đoàn tuần hành J’ai pas peur (Tôi không sợ)! Và Quốc ca Pháp La Marseillaise (từ 1792) chưa bao giờ được hát ở nhiều nơi như thế.

Thanh niên khắp thế giới đặt Quốc kì Pháp lên ảnh đại diện trên trang cá nhân facebook và nhiều mạng xã hội khác. Paris không thể bị bóng tối tang thương chết chóc, buồn khổ, hoảng sợ trùm lấn.

Dù đèn đã bớt sáng ở những tụ điểm vui chơi: Sông Sein những ngày vắng tàu Bateau mouche, lối xuống những bến métro bị phong toả. Cuộc sống đã trở lại và cần phải trở lại mạnh mẽ hơn, công cảm hơn trên đất nước hình lục giác!

2. Tối 1/12/2012, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã làm đêm nghệ thuật Bay cùng ViLi ra cùng bộ đôi sách ViLi & Paris, ViLi tuỳ bút, trong đó có nhiều bài thơ viết về Paris, mảng tuỳ bút dành viết về Paris chiếm số trang lớn.

Hôm nay, tôi viết một bài thơ thương nhớ Paris, bởi thực ra bài thơ về Paris trong tôi chưa bao giờ kết thúc...

Thư châu Âu: Buổi học đầu tiên sau vụ khủng bố ở Paris

Thư châu Âu: Buổi học đầu tiên sau vụ khủng bố ở Paris

Buổi học đầu tiên của lớp con gái tôi sau vụ thảm sát ở Paris rất đặc biệt. Rất nhiều nến ở ngoài hành lang của trường.


Trái tim tôi vẫn nhói đau, nước mắt tôi đã chảy. Ai lau nước mắt cho Paris bị chảy máu, tổn thương? Biết bao đôi mắt, trái tim xứ sở lục lăng với những đồng tử nhiều màu: nâu, đen, xám, xanh... Mở mắt cùng hướng về nước Pháp với bao ánh nhìn hi vọng. Chiều 14/11, Davide Martello, đã mang đàn piano đến trước nhà hát Bataclan với ca khúc bất hủ Imagine mà John Lenon - thủ lĩnh của ban nhạc huyền thoại The Beatles sáng tác và diễn tháng 10/1971.

Sau 44 năm, tưởng tượng của John Lenon vẫn là tưởng tượng của thế giới. Thông điệp phản chiến, khát vọng hoà bình của ông là bất tử: “Imagine there's no countries/ It isn't hard to do/ Nothing to kill or die for/ And no religion too.” (Hãy tưởng tượng không có những quốc gia/ Điều đó đâu quá khó/ Không có lý do gì để giết chóc/ Và cũng không có những tôn giáo hay tín ngưỡng).

Paris lãng mạn không ủy mị, yếu đuối. Ở bìa ViLi&Paris, họa sĩ Lê Thiết Cương đã vẽ tháp Eiffel mở ở hai bìa sách. Khi tôi ôm con gái tôi, cháu ngả vào vai trái mẹ nhịp tim mẹ con nối gần nhau, tôi nói với con về tình yêu Paris, nước Pháp. Tôi thấy đỉnh tháp Eiffel đang ngả xuống vai tôi, trong vòng tay của tôi. Vô vàn người đang nối những nhịp tim và vòng yêu thương đến Pháp.

Paris ơi! Trong trái tim nước Pháp, có nhịp thở tim tôi!

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm