TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh: 'Giáo dục trẻ không phải là uốn cây bon-sai theo ý mình'

01/09/2014 07:50 GMT+7

(lienminhbng.org) - Theo dõi những sự kiện thời sự nóng thời gian qua, công chúng và truyền thông không khỏi đau lòng khi chứng kiến những đứa trẻ bị đẩy vào những “hoàn cảnh” đầy thử thách. Từ chuyện “động trời” như thân phận của những đứa trẻ mồ côi, bệnh tật ở chùa Bồ Đề đến những “cậu ấm, cô chiêu” thi thố trong các chương trình truyền hình…

Báo TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện với TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh xung quanh vấn đề này.

* Mới đây, cháu bé 8 tuổi khóc thét khi bị loại khỏi một chương trình truyền hình thực tế. Hiện có hai quan điểm trái chiều về câu chuyện này: Các chương trình truyền hình thực tế có thể phát hiện những năng khiếu tiềm ẩn ở trẻ, nhưng mặt khác, kích thích tính hiếu thắng và chỉ là “chiêu” kinh doanh của nhà sản xuất. Theo chị, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Về cơ bản, trong bất kỳ các cuộc thi nào, kể cả những cuộc thi đua nhỏ nhất ở lớp, cũng đã có nguy cơ tiềm ẩn về sự kích thích tính hiếu thắng ở trẻ. Nếu người lớn không biết điều chỉnh thì có thể nảy sinh tâm lý tiêu cực trong một tập thể.

Với các chương trình truyền hình thực tế, chúng ta đều hiểu mục tiêu kinh doanh cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên được đặt ra. Nếu chương trình có các cố vấn giáo dục hoặc tâm lý thì sẽ tiết chế được những yếu tố có thể gây sốc tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, cũng khó có thể lên án các nhà sản xuất vì việc cho con tham gia hay không là sự cân nhắc của bố mẹ. Họ cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung, bản chất của chương trình và hỗ trợ con mình có thể vượt qua những áp lực tâm lý không thể tránh khỏi trong quá trình diễn ra các cuộc thi.

* Một câu hỏi rộng hơn: Quan điểm của chị về giáo dục trẻ trong xã hội hiện đại?

- Tôi thích một câu của học giả Nguyễn Duy Cần khi nói về quan hệ giữa người và người, giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái: “Hãy để hoa hường nở ra hoa hường, hoa lan nở ra hoa lan”. Nghĩa là giáo dục một đứa trẻ không phải là uốn một cây bon-sai theo ý mình muốn mà tạo môi trường và hỗ trợ để nó phát hiện, phát triển đến cùng, tốt nhất những khả năng của chúng. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, không lặp lại với những tính cách riêng. Nó cần được học cách phát huy tích cực những nét khác biệt của mình, đồng thời học những quy tắc sống đồng thuận với cộng đồng, có trách nhiệm với cộng đồng, biết tôn trọng khác biệt của cá thể khác.

* Chị có theo dõi diễn biến vụ việc buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề và số phận những đứa trẻ ở đây? Điều mà nhiều người quan tâm ở trường hợp này: sự tổn thương tâm lý trẻ. Theo chị, lo lắng đó có thực sự đáng ngại?

- Như một công dân có trách nhiệm với cộng đồng, một người quan tâm đến trẻ em, một người mẹ, tôi cũng theo dõi câu chuyện ở chùa Bồ Đề và thật sự rất buồn. Dù giải quyết câu chuyện này theo cách nào thì những đứa trẻ vẫn là người bị tổn thương nhất. Ngay cả động thái chuyển bọn trẻ đi khỏi chùa cũng không phải không gây xáo trộn tâm lý, cảm giác bất an, không hạnh phúc. Những ấn tượng tuổi thơ luôn in đậm trong ký ức và có ảnh hưởng sâu sắc đến cả hành vi ứng xử sau này, khi các bé lớn lên.


Những đứa trẻ ở khu nhà mở - chùa Bồ Đề (Hà Nội)

* Hàng ngày đọc báo, chị có cảm thấy lo lắng khi nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, buôn người, hiếp dâm, mang thai ngoài ý muốn… là trẻ em ngày càng tăng?

- Quá lo lắng! Nhưng lo lắng không có nghĩa là chỉ kêu lên mà... không làm gì cả! Đây là mối lo chung của toàn xã hội mà mỗi cá nhân, mỗi người lớn đều phải cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ bọn trẻ: phải làm mọi cách - từ việc tuyên truyền về nhận thức cho người dân về luật pháp, về quyền trẻ em, việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp xâm hại trẻ cho đến việc đưa vào nhà trường những chương trình thiết thực giúp các em hiểu biết về quyền của mình, cách cảnh báo cho người lớn về những mối lo lắng, bất an mà mình cảm nhận được từ những hành vi của người khác, đề xuất phương án phản ứng trong từng trường hợp... Trẻ cần được trang bị kiến thức cụ thể chứ không phải bị “dọa” mà không biết phải làm gì. Các nhà trường nên có bộ phận riêng quan tâm đến tâm lý trẻ mà phương án tối ưu là một phòng tư vấn cho riêng các em học sinh.


Thí sinh Bước nhảy Hoàn vũ nhí Phương Trinh (bìa trái) khóc thét vì bị loại

* Vậy chị nghĩ chúng ta cần làm gì?

- Những vấn nạn xã hội liên quan đến sự an toàn của trẻ ngày càng tăng cảnh báo chúng ta về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự nhiễu loạn về các giá trị tinh thần. Quá trình này diễn ra âm ỉ từ lâu mà bây giờ chúng ta mới bắt đầu thấm thía hậu quả của nó.

Như tôi vừa nói, để bảo vệ các em, những người lớn cần chú ý trang bị cho các con những kiến thức về kỹ năng tự bảo vệ mình (nhận biết các tình huống nguy hiểm và kỹ năng đối phó với những tình huống ấy) cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ, không né tránh, đồng thời luôn ý thức giữ một mối giao lưu cảm xúc với con ngay từ nhỏ. Đồng hành cùng con, chia sẻ với con những vấn đề băn khoăn của các lứa tuổi khủng hoảng - đó là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh.

Ngoài ra, đây cũng là việc của nhà trường, xã hội. Nhà trường cần nghiêm túc nhìn lại phương pháp truyền tải thông tin xã hội đến các em và các bài học kỹ năng sống, giáo dục công dân - sao cho định hình được một bộ giá trị nhân văn, không bị giáo điều, khô cứng. Hiện nay nhà trường chúng ta có vẻ như quá đặt nặng học kiến thức mà coi nhẹ khía cạnh giáo dục giá trị tinh thần hoặc có thì cũng chưa tìm được phương pháp tốt, không chạm được đến từng cá nhân đứa trẻ.

* Xin cảm ơn chị!

Những vấn nạn xã hội liên quan đến sự an toàn của trẻ ngày càng tăng, cảnh báo chúng ta về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự nhiễu loạn về các giá trị tinh thần. Quá trình này diễn ra âm ỉ từ lâu mà bây giờ chúng ta mới bắt đầu thấm thía hậu quả của nó.

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm