Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'

21/01/2020 07:05 GMT+7

(lienminhbng.org) - Là hội viên thứ 3000 của nhóm Đình Làng Việt, tôi cũng được anh “Trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình động viên may bộ áo dài nam để vận (mặc) vào ngày Tết Việt, cuối năm Đinh Dậu (2017), được tổ chức tài đình làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, để nghênh đón xuân mới. Tôi hoan hỉ nhận lời.

Hãy để áo dài Việt được 'sống'

Hãy để áo dài Việt được 'sống'

Áo dài Việt nam còn là một câu chuyện về xã hội về văn hoá về con người đã tạo ra nó và cả về con người sẽ mặc nó. Đó là một câu chuyện văn hoá mặc áo dài Việt nam.

Đến không gian văn hóa làng xã đình So mình mới ngỡ ngàng rằng, nhóm Đình Làng Việt đã hình thành được một câu lạc bộ “Áo dài nam truyền thống”, toàn “nam thanh”, nhìn mà “mướt con mắt”, đầy tự hào!

Hôm sau, ngày 26 tháng Chạp, tôi cũng vận bộ áo dài nam truyền thống này tham gia Lễ dâng hương cho các vị liệt Tổ, liệt tông nhân ngày “chạp họ” Đinh tại quê nhà, thôn Tự, xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang, nơi sinh ra cố nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm – Bùi Tằng Việt. Lòng cứ trào lên một niềm xốn xang kì lạ, khó tả.

Đúng 0h 5 phút ngày mùng Một Tết, nghĩa là qua thời khắc giao thừa, tôi xênh xang trong bộ trang phục Việt Nam cổ truyền, trong tay cầm một tập lì xì, từ ngoài cổng bước vào sân, vừa ôm vừa nói những lời chúc phúc an lành đến ông nội, bố mẹ, vợ con và người thân, tay thì trao lì xì. Hết một lượt, tôi lên gian nhà thờ tầng 2, thắp một tuần nhang mới, cẩn cáo trước anh linh Tiên tổ và hồn thiêng sông núi nước Việt Nam, tôi chỉ thầm niệm: Con đã trở về!

***

Rồi 15 tháng Giêng, năm Mậu Tuất (2018), nhân gian gọi là ngày Tết Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu), tôi và gia đình nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cùng động viên nhau mặc bộ áo dài nam truyền thống, đi dự “Hội thơ” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tới nơi, đúng theo nghĩa đen, đông như đi trẩy hội Xuân có khác, người đi nghẹt lối. Mỗi người một bộ y phục, đa sắc mầu như để tổ điểm cho màu Xuân thêm rạng rỡ và tươi mới.

Dường như chỉ có mỗi hai chúng tôi vận đồ áo dài nam nên thành ra có vẻ “khác người”.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết (thứ 2 từ trái sang) cùng Đại sứ Phạm Sanh Châu (bìa trái) vận áo dài nam truyền thống trong một hoạt động diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Cũng chỉ vì lối ăn mặc dị biệt này mà nhiều đoàn khách tham quan nước ngoài đều xin phép chụp hình, quay video để làm kỉ niệm. Cứ mỗi lần như vậy, họ lại cúi mình nói lời cảm ơn. Có ông, có bà Tây còn đặt tay lên ngực mình rồi gập đầu xuống, bày tỏ sự kính cẩn. Tôi nghĩ họ có thành ý vì chú Hải năm nay cũng 80 tuổi rồi.

“Cháu biết tại sao người nước ngoài lại đề nghị chúng ta chụp ảnh liên tục như vậy không”? - nhà văn Hoàng Quốc Hải hỏi tôi.

“Chú chẳng thấy cháu vừa làm thông ngôn đó thôi. Cháu nói, đây là bộ Quốc phục (National costume - Robe jolie “Ao Dai” traditionelle du Vietnam) của nước Việt Nam chúng tôi. Người khách du lịch đến Việt Nam với mong muốn tìm hiểu những nét riêng biệt, những điểm độc đáo, khám phá những danh lam thắng cảnh mà ở nước họ không có. Và đây chính là thứ họ tìm kiếm, phải không chú”? - Tôi nói.

“Giờ thì cháu có thể bước vào lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa Việt Nam rồi đấy” - vừa nói chú vừa cười thật tươi.

***

Nước Việt Nam chúng ta đã từng có trang phục truyền thống của mình là áo dài ngũ thân, áo tứ thân, áo bà ba…

Chỉ xét riêng về y phục, nhiều di chỉ khảo cổ học, các mộ táng được khai quật, các mảng chạm khắc trên đồ gốm sứ, thạp đồng, trống đồng Ngọc Lũ, khắc gỗ ở đình làng…, các họa tiết hoa văn, kiểu dáng vẫn còn được lưu lại ở các bức phù điêu, tượng ở chùa, miếu, đền… Trong nhiều nguồn sử liệu chính thống đều có bàn về đề tài trang phục truyền thống này.

Trong khi Âu phục đang dần dần chiếm ưu thế trên toàn cầu, Quốc phục được duy trì là trang phục đặc biệt dùng vào những ngày lễ liên quan đến truyền thống văn hóa hoặc những dịp mang tính cách trang nghiêm, trịnh trọng là bởi lẽ như vậy.

Phàm là người Việt Nam, vận trên cơ thể mình tà áo dài nam (nữ) truyền thống là để nhắc nhở mình hướng về cội nguồn của Tổ tiên, về thứ bản sắc văn hóa rất riêng của nòi giống Lạc Hồng. Từ trong sâu thẳm, tà áo dài còn nhắc nhở mình về sự cố kết dân tộc.

Bộ VH,TT&DL hay cơ quan nào đủ thẩm quyền phải nhận lãnh trách nhiệm phục dựng, tôn vinh những bộ trang phục truyền thống – Quốc phục này chứ? Vai trò của các nhà văn hóa, xã hội, lịch sử đâu rồi?

Đinh Hồng Cường (CLB Áo dài nam truyền thống)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm