02/07/2017 09:16 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ký ức đầu tiên về thuở “mục đồng”, đấy là năm 1983, một hôm lái buôn đến mua con trâu cái đen thân yêu của gia đình. Chị Hoa (chị gái thứ hai), nằm lăn ra khóc. Chị khóc và bỏ ăn đến 3 ngày liền. Con trâu cũng hai dòng nước mắt chảy dài khi chia tay chị và gia đình.
Chị Hoa thương trâu, dĩ nhiên. Nhưng còn lý do khác. Lúc đó đói qua, nhiều cán bộ phải tăng gia sản xuất. Chị Hoa là lao động chính của gia đình, phụ “cán bộ” cha, mẹ nuôi đàn em. Việc làm đồng áng không có trâu cày thì chẳng khác chị bị trói tay, trói chân.
Thời đó, nông trường cấm cán bộ không được nuôi trâu, bò. Mỗi đội (thôn, xóm, làng) đã có đội cày của nông trường riêng. Có bộ phận nuôi trâu, bò cày kéo, lấy thịt riêng. Nhưng, trâu bò của công nên chăm sóc rất kém. Chuồng trại sơ sài, không đủ ấm. Mưa xuống nước và phân ngập cả chuồng rất tội nghiệp cả đàn bò, trâu. Mùa đông rét mướt, chúng chết như ngả rạ. Các chú lại mổ thịt, chia cho cán bộ.
"Vô sản" thì không được sở hữu tài sản, nôm na là thế. Chỉ có nhà người dân ngoài chòm, không phải là cán bộ và công nhân nông trường thì mới được phép nuôi. Thành ra, nhiều gia đình cán bộ như cha mẹ phải đi mượn trâu của họ về cày, kéo.
Nhiều nhà lén mua trâu, mang trâu ra nhà dân ngoài chòm gửi, nếu không muốn bị tịch thu. Như bác Phước trên đội Thống Nhất (bác dân Quảng Nam- Đà Nẵng ra tập kết), hôm bị tịch thu trâu, bác nằm vắt trước cổng chuồng trâu, vật vã: “Muốn lấy trâu thì bước qua xác tui!”. Các chú lại phải khiêng bác đi chỗ khác, mới dắt được trâu đi.
Con trâu cái đen đầu đời của gia đình tôi cha mua 320 đồng, lương cha lúc đó 32 đồng/ tháng, cả một gia sản. Cha chăm sóc trâu hơn con mọn. Mùa đông cụ nấu nước cho trâu uống. Mùa hè múc nước giếng mát rượi ra pha muối hạt trắng cho trâu uống. Bị phát hiện sở hữu trâu riêng, cha phải đưa ra nhà bác Từ gửi. Nhưng rồi cũng không ổn khi họp hành bị bêu nhiều, thế là phải bán, và chị Hoa đã khóc và bỏ ăn 3 ngày như đã kể trên.
Năm 1985, chia đôi nông trường Sông Con và Vực Rồng, mọi chuyện thông thoáng hơn, gia đình chính thức được phép mua con trâu thứ hai, trâu bạc của nhà chú Tửu. Trâu đực, to cao, màu bạch kim lừng lững. Một đêm trắng tháng 4, tôi cưỡi trâu theo cha chuyển xuống công tác ở nông trường Vực Rồng. Đi 7 xuyên rừng, đèo núi xuống nơi cha làm việc, ký ức đó găm sâu nhức buốt đến tận bây giờ. Đêm đó, lần đầu tiên được ăn gói mì tôm. Từ đó đến nay, chẳng thấy tô mì tôm nào ngon, có mùi vị diệu ảo như tô mì tôm thở bé.
3 tháng hè chăn trâu ngoài bãi sông Con (phần đầu nguồn của dòng sông Lam trứ danh), nô đùa thỏa thê với đám bạn mới. Những cánh đồng ngô thẳng cánh cò bay cưỡi trâu đi mãi không hết. Hai hàng nhãn cạnh vực Rồng quả trĩu trịt. Được trải nghiệm đời sống tập thể nông trường của cha rất nhiều điều thú vị.
Từ đó đến lúc trưởng thành, gia đình trải qua nuôi không biết bao con trâu, bò. Mỗi con có một tính cách, được đặt một tên riêng, là nhân chứng của tuổi thơ chúng tôi cũng như tiền đồ phát triển của gia đình. Trâu bò đều rất tình cảm, rất tốt, tôi chưa hề phát hiện được một vụ trâu, bò nổi cơn điên mà húc chết người ở trong vùng. Tất nhiên bị trâu táng xây xước, hoặc chấn thương nhẹ thì là bình thường. Nhiều con trâu, bò khi bán đi thì mấy ngày sau nó tìm đường trở về chủ cũ, nhìn rất tội nghiệp. Có con bán đi đã vài năm, gặp lại chúng đều nhớ, và chảy nước mắt.
Khi mua trâu, bò, người mua thường tuân thủ nghiêm cẩn điều kiện đều tiên: “xoáy óc, tóc tang”, tức nếu con trâu, bò có cái xoáy ngay giữa vị trí óc, thì dù đẹp mã, to lớn đến mấy cũng không mua. Vì cái xoáy ở óc biểu hiện của sát chủ.
Với lũ trẻ, chăn trâu là một trải nghiệm siêu đẳng. Bài thơ của Đồng Đức Bốn đã thâu tóm tất cả dĩ vãng tuyệt vời của đời “mục đồng”:
Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió Đông thì nhiều/Mải mê đuổi một con diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro" (Chăn trâu đốt lửa).
Hiện nay, khi phong trào công nghiệp hóa, cơ khí hóa lan tỏa mạnh mẽ về thông thôn, xe công nông, máy cày, máy kéo…, nhiều lên, trâu bò cũng ít lại. Dù thế, vị trí con trâu, bò trong đời sống cũng như tâm thức người Việt vẫn sâu sắc, chi phối nhiều hoạt động tinh thần, tâm linh.
Tất nhiên, bên cạnh nhiều hình thái tôn vinh “người bạn nông dân” tuyệt vời, vẫn còn đó không ít lễ hội khiến dư luận không thể không đau lòng trước sự đối xử tàn tệ, dã man của con người với trâu, bò. Đành rằng lễ hội đó có nguồn cội từ cả nghìn năm, nhưng không vì thế mà cố duy trì khi không phù hợp với điều kiện hiện tại.
Trên thực tế đã có những chuyển dịch đáng lạc quan. Trong tết Nguyên đán 2017, 90 làng của đồng báo Cơ Tu (Quảng Nam) đã nói không với lễ đâm trâu. Để có được bước ngoặt đó phải kể công “dân vận” rất lớn của các già làng, cùng nhiều thanh niên Cơ Tu đã được mở tầm mắt khi thế giới phẳng đã nhấc bước tư duy họ ra khỏi cổng làng. Trước đó, Đắk Lắk cũng bỏ lễ đâm trâu tại Buôn Đôn. Tháng 2 vừa qua, đến lượt Yên Bái tuyên bố bỏ tục treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông.
Ngày 1/7, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã gửi công văn hỏa tốc tới Sở VH&TT Hải Phòng đề nghị tạm dừng lễ hội. Xem đi xem lại video ông chủ trâu bị con trâu thân yêu mình húc đến chết, thật rùng rợn. Đấy có thể là tai nạn thương tâm, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đấy là nghiệp chướng, là quy luật nhân- quả.
Dù sao, khoác “tấm áo” lễ hội tâm linh nghìn đời nào để đối xử bất nhẫn với con vật thân thương của không chỉ người Việt, cũng cần phải xem xét lại, thậm chí không phù hợp với xã hội mới thì cần phải xóa bỏ.
Tôi không tin trên đầu con trâu phản chủ ở Hải Phòng, có cái “xoáy óc”!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất