11/06/2019 06:27 GMT+7
(lienminhbng.org) - Sông Tô Lịch đang trở thành tâm điểm chú ý của người Hà Nội với những dự án thí điểm làm sạch nước sông.
Cụ thể, từ vài tuần trước, thành phố Hà Nội đã áp dụng công nghệ Nhật Bản để thử nghiệm dùng khí Nano làm sạch một đoạn sông khoảng 300 mét tại khu vực đường Hoàng Quốc Việt. Đồng thời, khoảng 500 m2 lòng sông tại khu vực phố Nguyễn Đình Hoàn và cầu Khương Định cũng được thử nghiệm làm sạch bằng một công nghệ khác nhằm cung cấp ô xy cho nước và hệ sinh thái tại sông.
Và, dù kết quả ban đầu đang được đón nhận với những quan điểm khác nhau, đây vẫn là một tin mừng cho những con sông tại Hà Nội.
Thống kê tạm thời cho thấy, ít nhất từ… 40 năm trước, nghĩa là đầu thập niên 1980, các chuyên gia Liên Xô đã tư vấn Hà Nội làm sạch sông Tô với ý tưởng lấy nước sông Hồng bổ cập cho Hồ Tây – và tiếp đó, dùng nước Hồ Tây thau rửa cho Tô Lịch.
Rồi, gần 20 năm sau, ý tưởng tương tự cũng được lặp lại trong một dự án hợp tác với các chuyên gia Áo. Còn ở góc độ “nội địa”, chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet, chúng ta cũng có thể bắt gặp hàng chục đề xuất tương tự từ các nhà khoa học trong nước.
Cần nhắc lại, vào cuối thế kỷ XIX, việc người Pháp lấp đi phần cuối sông Tô Lịch (đoạn chảy qua khu phố cổ hiện tại để nối với sông Hồng) đã khiến nó không thể kết nối với các con sông khác theo một vòng lưu thông tuần hoàn như ban đầu. Cộng cùng việc mực nước của sông cạn dần, những cửa xả dẫn nước thải xuống sông ngày một nhiều lên, dẫn tới việc Tô Lịch trở thành con sông bẩn nhất của Hà Nội.
Và, dù không bị lấp đi một phần như sông Tô, dư luận và các chuyên gia cũng rất nhiều lần nhắc tới tình trạng ô nhiễm tại những sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Nhuệ… trong thành phố
***
Những gì diễn ra là hệ quả tất yếu của trình đô thị hóa với những cụm dân cư lớn mọc lên bên bờ sông – trong khi thành phố lại thiếu những kinh nghiệm cần thiết để sớm xử lý vấn đề môi trường. Xa hơn, đã có những lúc, giá trị của những con sông tại Hà Nội chưa được nhìn nhận một cách hợp lý.
Điển hình, chuyện cống hóa một số nhánh sông, mương bị ô nhiễm của Hà Nội để làm đường giao thông hoặc bãi để xe từng nhận về những đánh giá trái chiều. Ở góc độ tích cực, đó là giải pháp dễ nhất về kĩ thuật. Nhưng nhìn từ phía bên kia, việc nhân rộng cách làm ấy lại khiến những đoạn sông ấy bị mất đi toàn bộ giá trị tiềm ẩn của nó.
Thực tế, bản thân sông Tô Lịch cũng đã từng đứng trước khả năng bị thu hẹp bề mặt vào năm 2007 – khi một dự án từng đề xuất làm sàn bê tông trên cao (dài khoảng 1 km) của bề mặt sông để lấy chỗ kinh doanh dịch vụ và gửi xe. May mắn, sau những phản ứng từ dư luận, ý tưởng “đậy nắp” sông Tô không thành hiện thực. Tương tự, vài năm trước, đề xuất cống hóa sông Kim Ngưu để làm bãi để xe cũng không được triển khai, sau khi các chuyên gia phản đối.
Khôi phục môi trường và cảnh quan của các con sông – thay vì “khai tử” chúng để khai thác phần diện tích bề mặt -, đó là lựa chọn tất yếu của một thành phố phát triển, khi nhu cầu về mặt nước và cây xanh luôn được đặt ra với cộng đồng. Xa hơn, đó còn là câu chuyện gìn giữ một phần lịch sử của thành phố, khi việc giao thương qua đường sông là yếu tố quan trọng để những đô thị Việt Nam hình thành trong quá khứ.
Tất nhiên, những thử nghiệm mà Hà Nội đang làm mới chỉ là bước đầu tiên trong lộ trình “hồi sinh” những con sông cũ của mình. Và lộ trình ấy sẽ còn rất dài – khi mà bài toán giải quyết chuyện ô nhiễm của các con sông chỉ có thể là những giải pháp cơ bản về hệ thống thu gom nguồn nước thải, cũng như tiếp nước cho những con sông đang cạn dần như Tô Lịch.
Có bước đi đầu tiên, chúng ta hãy mong những bước tiếp sau…
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất