02/10/2017 11:50 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tiếp nối các hoạt động văn hóa mang dấu ấn Hà Nội: Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa, Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, sự kiện văn hóa "Thu Vọng Nguyệt" đã được không chỉ công chúng mà cả các học giả ghi nhận là "điểm hẹn văn hóa, giải trí mới" của Hà Nội.
Tối qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), rất đông du khách đã chờ ở phía bên ngoài để được tham gia sự kiện "Thu Vọng Nguyệt". Vé thưởng thức chương trình lên tới hàng triệu đồng, nhưng chương trình vẫn "cháy vé".
Sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt khép lại với đêm cuối mang chủ đề : "Thu tuổi thơ" cùng màn thắp sáng 500 chiếc đèn trung thu của hàng trăm em nhỏ và gia đình.
Sau chương trình, nhạc sĩ Quốc Trung viết trên trang cá nhân rằng: “Ba đêm đã qua, cảm ơn những người đã vất vả để bắt đầu một lễ hội cho Hà Nội và cho các cháu. Cảm ơn đơn vị tổ chức đã cho mình được tham gia”.
Những dòng “biết ơn” đó cho thấy nhà sáng lập Monsoon Music Festival đã nhìn ra tương lai của Thu Vọng Nguyệt.
Tuy nhiên, sự kiện văn hóa lần đầu tiên diễn ra vào dịp trung thu này có khả năng nhân rộng, trở thành lễ hội thường niên ở Hà Nội?
Thu vọng nguyệt khởi nguồn từ một sự kiện khiêm tốn hơn do Quán Ăn Ngon tổ chức để tri ân khách hàng mỗi dịp Rằm Trung Thu.
Năm 2017 này, với tình yêu văn hóa Hà Nội, bà Phạm Thị Bích Hạnh - chủ thương hiệu Quán Ăn Ngon - đã đưa ra ý tưởng "nâng tầm" sự kiện thành lễ hội.
Ngay lập tức, ý tưởng lưu giữ, khơi dậy ký ức về những giá trị trung thu truyền thống tốt đẹp trong sự đan xen với những giá trị mới, hiện đại; đồng thời tạo không gian đoàn viên, hạnh ngộ, gắn kết gia đình đã được đạo điễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhiều tên tuổi khác mau chóng hưởng ứng.
Ba đêm Thu vọng nguyệt gồm Thu tinh hoa (29/9), Thu hội ngộ (30/9) và Thu tuổi thơ (1/10) biến không gian cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên lung linh. Dòng sông ánh sáng và những khoảng sắp đặt thị giác bắt mắt của Lê Thiết Cương không chỉ thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn, chụp ảnh của khách tham gia, mà còn khiến con đường một chiều băng qua Văn Miếu trở nên tấp nận, người dân qua lại không khỏi tò mò, thích thú.
Hàng loạt tiết mục biểu diễn nghệ thuật với chèo, ca trù, ả đào kết hợp âm nhạc hiện đại ở đêm khai mạc; quan họ hòa phối với nhạc điện tử ở đêm thứ hai; những khúc hát tuổi thơ trong trẻo ở đêm thứ ba… được đánh giá tích cực cả về tính giải trí và nghệ thuật.
Cùng với đó, những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ thơ ca, hội họa và văn hóa truyền thống Hà Nội của các NTK Anh Thư - thương hiệu Ngân An, Đức Hùng, Hà Linh Thư khiến đêm "thưởng trăng" trở nên đẹp hơn.
Không chỉ có các phần trình diễn, ở Thu vọng nguyệt, thành viên nhiều thế hệ trong gia đình có dịp ngồi lại với nhau trong không gian mang tính ngược dòng lịch sử, tìm về ngày tết trung thu xưa qua hồi ức, tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Nhã, chuyên gia Trịnh Bách.
Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất ở Thu Vọng Nguyệt là lúc màn hình lớn phát tư liệu hơn 100 năm trước về bức thư của cậu bé 13 tuổi trường Đông Kinh Nghĩa Thục viết gửi người bạn nghèo.
Ngay sau đó, Thu vọng nguyệt mang tới một món quà gây bất ngờ với nhiều người có mặt, đó là toàn bộ số tiền bán vé hơn 1,3 tỷ đồng của ba đêm dành lập quỹ Tình yêu của mẹ ủng hộ Hành trình Thiện Nhân do chị Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân đảm trách.
Thu vọng nguyệt đã không chỉ là lễ hội "phá cỗ trông trăng", tái dựng những nét đẹp của trung thu truyền thống mà còn mang tới mùa thu của sự kết nối, đoàn viên, sẻ chia, tương thân tương ái.
Người Hà Nội từ nay có một cái tên để họ ngóng chờ mỗi dịp Trung thu: Thu vọng nguyệt!
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất