05/05/2017 07:50 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ta hãy bắt đầu bằng định nghĩa của “Bách khoa toàn thư mở” trên mạng Internet: “Công viên là khu vực được bảo vệ các nguồn thiên nhiên tự có hay trồng, một nơi vui chơi, giải trí đại chúng, các hoạt động văn hóa, hưởng thụ. Kiến trúc công viên gồm có: cây xanh, ghế ngồi nghỉ mát, các con đường nhỏ dùng cho người tản bộ, ốc đảo, vườn hoa, các ki ốt, nước, hệ thực vật và động vật và các khu vực cỏ v.v…”.
Công viên trong thành phố đại loại như vậy.
Tôi có may mắn đi qua một số nước thấy công viên trong thành phố của họ ngợp bóng cây xanh, cỏ đẹp, sáng mặt như sân gôn, đường đi dạo đan xen uốn lượn và đặc biệt là hoa. Những diềm hoa chấm phá trên nền cỏ xanh làm dịu đi sự căng thẳng cho người đi dạo.
Công viên của họ không quây rào thép như chuồng thú, bốn phương tám hướng đều có đường vào. Ra vào tự do, vì nó là nơi đi dạo thư giãn công cộng, ý thức công dân là tường rào chắc chắn như sắt thép bê tông. Cho nên khi đi ngang qua công viên thấy bốn bên rào chắn tôi cảm thấy bị xúc phạm. Không biết có ai nghĩ như tôi không.
Không đi đâu thì mụ mị, nhưng khi được đi qua các nước, nhìn lại thấy công viên mình khốn khổ quá: nửa chuồng thú, nửa nhà hàng, có công viên còn thành bãi giữ xe. Già nửa công viên dành cho “cá kiếm”!
Ở nước ta cái gì không quản nổi thì cấm. Tường rào là hình thức bảo vệ nhưng cũng là một thứ cấm. Một cách bảo vệ tiêu cực.
Nếu ai có dịp qua công viên Tuổi trẻ ở quận Hai Bà Trưng thì mới thấy hết sự nhếch nhác, xô bồ của cái gọi là công viên. Không rõ Hà Nội người ta quản lý công viên để vui chơi thư giãn kiểu gì mà chỉ còn chừng một phần tư diện tích dành cho hoạt động vui chơi thể thao, ba phần kia là bãi gửi xe ô-tô và các quầy hàng nham nhở. Đặc biệt trơ tráo là có hẳn một nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng Cung Đình trưng biển to vật. Công viên Tuổi trẻ thuộc loại rộng, được rào quanh như chuồng thú, giống như vườn bách thảo…
Công viên Tuổi trẻ của thủ đô nhìn qua đã thấy ô nhiễm nặng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vào một công viên mà không khí ô nhiễm thì quả là tệ, ai còn muốn vào nữa. Cho nên công viên ở Hà Nội đi ngang, người ta ngại vào dù có muốn, nó chẳng xứng với cái tên mang trên mình nó.
Vừa rồi, khởi đầu là Thành phố Hồ Chí Minh dọn dẹp hè phố, chống lấn chiếm quyết liệt. Rồi đến Hà Nội âm thầm làm theo. Có thể chưa thật sự đạt hiệu quả cao nhưng nó cũng làm cho thành phố ngăn nắp hơn trên những diện tích công cộng. Tuy vậy việc giải phóng công viên chưa thấy ai nói tới và chưa thấy chuyển động gì. Mà giải phóng cho công viên xem ra là những việc cần làm ngay, trả lại đúng nghĩa cho công viên.
Công viên là lá phổi tinh thần cho cuộc sống người đô thị. Nó là khoản phúc lợi xã hội văn minh của mỗi quốc gia. Đi xứ người, vào công viên của họ thấy không khí mát lành êm dịu, thư giãn tuyệt đối. Về nhà, nhìn công viên của mình đã thấy hôi, phát ốm cả người. Sự quản lý công viên tùy tiện đã đến lúc phải được thành phố ra tay như dọn vỉa hè.
Đừng để công viên như đống rác giữa đô thị như thế nữa. Những người quản lý thành phố và trực tiếp quản lý công viên phải làm ngay việc này vì công viên bao giờ cũng là bộ mặt văn hóa tinh thần của đất nước. Còn để đến bao giờ?
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất