30/08/2017 11:48 GMT+7 | SEA Games 29
(lienminhbng.org) - Trả lời phỏng vấn tổng kết thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 29, trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn đánh giá rất cao thành tích số 1 toàn đoàn của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Ông Phấn còn tiết lộ: “Thành tích của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 29 đã tạo nên sự cảm phục rất lớn cho các nước bạn”.
* Thưa ông, với tư cách là trưởng đoàn, ông đánh giá như thế nào về thành tích 58 HCV của đoàn TTVN ở SEA Games 29?
- Ngay từ khi BTC SEA Games 29 thông báo về các nội dung thi đấu, chúng tôi đã có sự tính toán cụ thể. Trong tổng số 404 nội dung thi đấu của SEA Games 29, sau khi rà soát, nhất là các môn Olympic và Asian Games, chúng tôi nhận thấy khả năng đạt hạng 3 toàn đoàn là rất khó.
Thành tích 58 HCV theo đánh giá của tôi là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
TTVN thành công ở các môn Olympic và Asian Games, nhưng có một số môn chưa thành công như bắn súng hay taekwondo. Lẽ ra chúng ta có thể đạt được 65 HCV để đứng vững trong top 3.
Tuy nhiên, có thể nói các VĐV đã thi đấu hết mình, trong đó có nhiều môn thi đấu rất xuất sắc.
Nếu bắn súng, bắn cung, taekwondo mà đạt được chỉ tiêu như mong muốn thì chúng ta hoàn toàn có thể khép lại kỳ ĐH rất thành công. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cá nhân tôi cho rằng vị trí thứ 3 hay thứ 4 không quan trọng với TTVN lúc này, vì chúng ta mong muốn những đấu trường cao hơn như Asian Games.
Chúng tôi lấy Asian Games làm trọng tâm để quay quanh trục SEA Games. Trong điều kiện hiện nay thì SEA Games vẫn là đấu trường phù hợp nhất với TTVN.
Có một số môn chúng ta có thể phấn đấu ở Asian Games và cá biệt là Olympic. Nếu chúng ta đầu tư trọng điểm thì số VĐV vượt qua vòng loại Olympic sẽ nhiều hơn, nhưng để lấy HCV Olympic là cực kỳ khó khăn.
* Ông có bất ngờ với thành tích số 1 toàn đoàn nhờ 17 HCV của điền kinh Việt Nam?
- Điền kinh để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất ở ĐH lần này. Chúng tôi đặt mục tiêu cho điền kinh là san bằng HCV với Thái Lan ở SEA Games 29 và 30.
Một trong những môn thể thao mà tôi làm việc nhiều nhất là điền kinh. Với điền kinh chúng ta có thể tính toán rất cụ thể về số lượng HCV.
Chỉ tiêu 11 HCV có thể phấn đấu cao hơn nếu VĐV có phong độ và tâm lý tốt. Ngày cuối cùng trước khi lên đường chúng tôi vẫn rà soát lần cuối cùng nhưng không lãnh đội nào rút bớt chỉ tiêu.
Điền kinh đã làm đúng kỳ vọng, thực sự là sự đột phá để bù đắp cho các môn khác. HCV của Tú Chinh là rất quý giá, vì 10 năm nay TTVN chưa có VĐV nam nào được như thế.
Tú Chinh đã làm dậy sóng điền kinh khi vượt qua Thái Lan ở nhiều nội dung khác. Tôi thực sự đánh giá rất cao thành tích của điền kinh.
Sau SEA Games này chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho điền kinh để có thêm nhiều nội dung tốt hơn như ném, đẩy, nhẩy. Điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể lấy được 20 HCV ở SEA Games, còn ở sân chơi châu lục thì chúng tôi chưa tính toán được.
* Từ thành tích như thế ở SEA Games 29 thì ông có đánh giá như thế nào về tương lai của TTVN ở những sân chơi xa hơn như Olympic hay Asian Games?
- Ở vòng loại Olympic chúng ta có một số nội dung qua được, ở Asian Games thì đang tính toán lại 2 nội dung 4x400m và 4x100m. Chúng ta chỉ tấn công vào nội dung của nữ chứ không phải nam, vì thực tế ở SEA Games 29 cho thấy Số lượng HCV của nữ vẫn trội hơn nam.
Muốn có HCV ở Asian Games thì chúng ta phải tấn công ở các hạng cân nhẹ. Chỉ có 2 nội dung 4x400m và 4x100m ở trên là chúng ta có thể cạnh tranh ở Asian Games. Nếu các nước không dùng VĐV nhập tịch thì khả năng cạnh tranh HCV của chúng ta tại sân chơi này sẽ cao hơn.
So sánh với thành tích của VĐV ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì VĐV của chúng ta kém hơn so với họ, nên nếu muốn lấy HCV Asian Games thì chúng ta phải tính toán lại, chỉ khoảng 3, 4 nội dung có thể tranh chấp ở Đại hội năm sau. Chúng ta sẽ phải tính toán lại và đầu tư rất tốt thì mới có hy vọng HCV.
* Ông có thể nói cụ thể hơn riêng với mục tiêu Asian Games?
- Thứ nhất là nguồn lực đầu tư của chúng ta hạn chế. Thứ hai nữa là VĐV TTVN hiện nay tập luyện trong điều kiện chưa chuẩn so với các nước trong khu vực và châu lục.
Ví như TDDC mấy năm vừa qua đã được trang bị bộ dụng cụ chuẩn của thế giới, nhưng điều kiện phòng tập vẫn còn khó khăn. Vì thế, VĐV tập luyện trong hoàn cảnh như thế mà để phấn đấu thành tích ở đấu trường cao hơn thì phải tính toán thật kỹ.
Nếu không đầu tư trọng điểm sẽ rất khó khăn để tiến tới đấu trường Asian Games. Qua mấy Asian Games vừa rồi chúng ta chỉ đạt được HCV ở môn võ đối kháng cá nhân, còn các môn Olympic thì vẫn chưa đạt được HCV, đặc biệt các môn tập thể càng khó. Ngay ở SEA Games mà các môn tập thể còn khó cạnh tranh HCV thì lên tới Asian Games lại càng khó.
Chúng tôi xác định đầu tư cho điền kinh và bơi lội vì đây là những môn cơ bản, nhưng có khả năng lấy HCV. Chúng tôi phải tập trung đầu tư cho một số VĐV, có khoảng 60 VĐV trọng điểm ở SEA Games.
Ngay sau SEA Games 29 chúng tôi sẽ rà soát lại danh sách VĐV trọng điểm, VĐV nào lớn tuổi không còn khả năng thi đấu ở đấu trường cao sẽ thay thế bằng VĐV trẻ để chuẩn bị cho Asian Games 2018, SEA Games 2019 và Olympic 2020. Tóm lại chúng tôi xác định sẽ đầu tư vào 3 trọng điểm là VĐV trọng điểm, nội dung trọng điểm và môn trọng điểm.
* Ông có suy nghĩ gì khi so sánh thành tích của TTVN ở SEA Games 2017 so với SEA 2015?
- Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì trên 90% HCV SEA Games 29 của TTVN là các môn Olympic, còn con số này với SEA Games trước là hơn 87%.
Tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng, tạo điều kiện cho VDV chuẩn bị cho Asian Games năm sau cũng như vòng loại Olympic 2020. Các kế hoạch liên thông giữa Đại hội châu lục và thế giới đều đã được chúng tôi chuẩn bị.
Một số VĐV các môn Olympic đã lớn tuổi nên chúng tôi sẽ phải rà soát lại danh sách, mà thậm chí phải rà soát ngay tại SEA Games 29. Hàng ngày chúng tôi đều chuẩn bị cho các nội dung thi đấu Asian Games và Olympic, vì Asian Games sẽ khai mạc ngày 19/8, nên nếu không chuẩn bị sẽ muộn.
Theo tính toán của tôi thì sẽ tập trung khoảng 100 VĐV trọng điểm để chuẩn bị cho Asian Games. Sau khi từ Đại hội lần này trở về chúng tôi sẽ có kế hoạch tập trung VĐV và đầu tư.
* Ông có thể đưa ra nhận xét về công tác tổ chức của nước chủ nhà SEA Games 29?
- Tôi thấy rằng về cơ bản nước chủ nhà đã tổ chức tốt, từ công tác lễ tân đón tiếp cũng như các địa điểm thi đấu, không có vấn đề gì. Công tác chuẩn bị cũng tốt, các phòng chức năng, khu vực lễ tân đón tiếp đều tốt. Cơ sở vật chất rất ổn. Chúng tôi đã đi xem các địa điểm thi đấu, Việt Nam sẽ phải học tập các QG, trong đó có Malaysia, để chuẩn bị cho SEA Games 2021.
Tôi cho rằng công tác chuẩn bị và tổ chức đạt yêu cầu, không trưởng đoàn nào phàn nàn quá nhiều. Tuy nhiên vẫn có hạn chế, chẳng hạn công tác di chuyển vẫn gặp trục trặc, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia cũng có ý kiến.
Về vấn đề ăn uống thì lúc đầu chúng tôi không quen nhưng sau đã giải quyết được. Còn về dinh dưỡng thì mỗi đoàn phải chuẩn bị thêm, nếu không thì không đủ.
Công tác giao thông vẫn là vấn đề quan trọng nhất, nhưng rất may là BTC vẫn xử lý được. Tôi đã chỉ đạo các môn phải chuẩn bị phương án dự phòng, nên đoàn TTVN không có môn nào bị chậm giờ thi đấu.
Nước chủ nhà đã tổ chức thành công, nhưng không trọn vẹn vì không có HCV bóng đá, vì đây là ưu tiên số một của họ.
* Thành tích của các môn võ ở SEA Games 29 không được như kỳ vọng, theo ông trọng tài có phải là nguyên nhân?
- Công tác trọng tài ở các môn võ tại các Đại hội cao hơn như Asian Games và Olympic thì không có vấn đề, nhưng tại SEA Games thì chúng tôi sẽ phải có tiếng nói. Các đội đều lo lắng chuyện đấu với VĐV chủ nhà.
Ví dụ khi chúng ta thua môn muay có nhiều thất bại rất ấm ức, hay nội dung silat biểu diễn thì VĐV Thái Lan tuy làm động chệch choạc nhưng vẫn có HCV. Các môn võ rất khó nói về công tác trọng tài, do chấm điểm theo cảm tính, còn nếu thi đấu trực tiếp thì sẽ dễ dàng hơn.
Hôm qua tôi xem silat thấy các VĐV VN thi đấu đối kháng không có HCV về cơ bản cũng đúng với trình độ. Cơ bản silat không có vấn đề gì với công tác trọng tài, nhưng đây luôn là vấn đề của các môn võ.
*Áp lực tâm lý được cho là nguyên nhân dẫn tới thất bại của nhiều môn thể thao được kỳ vọng như bắn súng. Ông có thể nói gì về vấn đề này?
- Đoàn TTVN không hề tạo áp lực tâm lý cho VĐV, chúng tôi thường xuyên gặp mặt BHL trên tinh thần động viên để tạo tâm lý thoải mái nhất khi thi đấu, không có áp lực gì.
Tuy nhiên, TTVN có vấn đề về công tác chuẩn bị tâm lý vì không có chuyên gia tâm lý chuyên biệt. Hiện nay, TTVN chưa có bác sỹ dinh dưỡng và bác sỹ tâm lý nên chưa vượt qua rào cản cho VĐV. Chúng tôi sẽ phải đầu tư, nếu không sẽ rất khó đạt thành tích cao.
Hiện chúng tôi đang có kế hoạch chuẩn bị như thế cho một vài môn vì không có điều kiện làm nhiều môn. Đối với huấn luyện chuyên môn ở đấu trường khu vực thì TTVN cũng có khả năng đào tạo VĐV tốt ở đấu trường khu vực.
Tuy nhiên, TTVN chưa có phòng thí nghiệm chuyên dụng, chưa có trung tâm y sinh học giúp VDV chuẩn bị tốt. Còn các QG ĐNA khác như Malaysia có những trung tâm đào tạo VDV được thế giới đầu tư rất chuẩn, tương tự như thế là Thái Lan và Indonesia.
Đây không phải là chuyện riêng của ngành TT, vì đầu tư rất lớn. Ngay cả ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ cũng hạn chế vì thế chưa thể tiếp cận với kiến thức khoa học một cách rộng rãi.
* Có nhiều ý kiến cho rằng ở SEA Games bây giờ và sau này nên dành nhiều hơn các nội dung cho những môn thuộc hệ thống Olympic?
Trong quá trình tổ chức đăng cai SEA Games thì nước chủ nhà sẽ đưa ra nội dung thi đấu, mà không có môn thế mạnh thì chúng ta sẽ thiệt thòi, Singapore hơn ta 67 nội dung thi đấu nên họ nhiều HCV hơn.
Có những môn ở SEA Games không phải Asian Games không phải Olympic. Cá nhân tôi cho rằng nên tổ chức các môn Asian Games và Olympic là chính, nếu được toàn quyền tôi sẽ chỉ tổ chức các môn Olympic, vì như thế mới xác định được các môn thể thao phát triển như thế nào, có tiến được đến Olympic hay không.
Ở SEA Games năm nay những quốc gia như Brunei, Timor Leste, Lào, Campuchia có rất ít HCV, nên thực tế chỉ có 5, 6 QG ở nhóm trên thi đấu với nhau là chính.
Trong các cuộc họp của các trưởng đoàn tôi thấy Philippines luôn đề nghị chỉ đấu các môn Olympic. Để chuẩn bị cho SEA Games 2021 về cơ bản tôi sẽ tham mưu tổ chức những môn trong Asian Games và Olympic. Nếu tổ chức được như thế thì sẽ rất hay và rất sòng phẳng.
Huy Anh (Từ Malaysia)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất