04/06/2016 06:32 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - "Tôi có hai phim liên quan trực tiếp đến các đội SBC, đầu tiên là Vụ án viên đạn lạc (năm 1982) và SBC (năm 1988, 3 tập). Nếu phim đầu tôi vào vai một trinh sát SBC giả dạng để đột nhập vào các băng cướp, thì phim sau tôi vào vai tướng cướp Lý Đại Đường khét tiếng".
Hồi bước sang tuổi 50, Thương Tín dự tính giải nghệ vì thấy nghề quá bạc bẽo, nhưng mấy năm gần đây anh quay trở lại phim trường, mà mục đích chính là kiếm tiền nuôi con gái nhỏ, năm nay mới 3 tuổi.
Thấy anh hùng trượng phu là thương mến
Chủ đề hình tượng SBC trên màn bạc khiến Thương Tín sôi nổi hẳn lên. Anh kể tiếp:
- Điều thú vị là tôi đã gặp vài công an ngoài đời thật, có người nói với tôi vì mê hình tượng trinh sát ngầm mà đăng ký thi vào ngành công an, có người lại nói vì ghét tướng cướp Lý Đại Đường mà thi vào ngành để bảo vệ xã hội.
* 200 vai diễn mà anh vẫn ấn tượng với các vai trong các phim về SBC là vì sao?
- Tôi thích cách nhìn của đạo diễn Trần Phương trong phim SBC. Nhân vật thường có hai mặt, trong xấu có tốt và ngược lại. Lý Đại Đường dựa nhiều vào tư liệu và giai thoại về tướng cướp hiếu thảo Bạch Hải Đường ngoài đời thật nên tôi không thể diễn quá xấu xa, ác độc.
Tướng cướp này được dân nghèo Nam bộ yêu thích vì hay giúp đỡ họ, thường cướp của cường quyền và nhà giàu, rất chí khí, có thể nói là người có tài, chỉ chọn sai đường đi mà thôi.
* Theo anh, vì sao các phim SBC thời kỳ đó lại gây ra những cơn sốt?
- Người dân nước ta, đặc biệt là người miền Nam yêu thích các phim lấy cảm hứng từ các đội SBC vì vùng đất này trọng nghĩa khí khinh tiền tài, thấy anh hùng trượng phu là thương mến. Hơn nữa, các đội SBC làm được rất nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa cho xã hội, được ngưỡng mộ cũng xứng đáng thôi. Nay nghe tin các đội SBC sẽ tái lập, tôi hi vọng họ sẽ nối gót được tinh thần “kiến ngãi bất vi” thời kỳ đầu của các đội SBC.
"Ngoài đời, tôi lờ đờ, nhưng khi diễn thì nhanh nhạy bất thường”
* Trở lại với Thương Tín của thời hiện tại. Đến giờ phút này anh nghĩ gì về việc cho ra mắt cuốn hồi ký gây tranh cãi về đời mình.
- Nhiều người đọc hồi ký xong chửi tôi quá ngu. Họ cũng hỏi sao tôi không nói nhiều về sự nghiệp và những thứ hào nhoáng, tốt đẹp, mà nói toàn những chuyện không ra gì. Nhưng họ đâu biết rằng đời mình nhiều những chuyện không ra gì thì làm sao viết những lời thơm tho, giả dối.
Còn về sự nghiệp ư, có người đề nghị tôi viết riêng một quyển sách, nhưng đôi khi tôi nghĩ các vai diễn đã nói thay mình rồi, viết thêm liệu có ích gì không.
* Anh có vẻ ám ảnh với tử vi tuổi Bính Thân của mình, phải chăng vì bản thân luôn lao đao nên cần đi tìm lời biện hộ?
- Tôi không biện hộ, nhưng tôi tin đời sống cần một điểm nhìn nào đó để nghĩ về những điều khác, tử vi cũng chỉ là điểm nhìn, là cái cớ như vậy thôi. Đời tôi lao đao một cách kì lạ, ngay cả khi vinh quang nhất cũng vậy.
Trong chuỗi dài những chuyện khủng khiếp xảy đến với mình, tôi ít khi nào cắt nghĩa được tại sao như vậy? Nên thật sự từ lâu rồi tôi cứ để mọi chuyện tự đến tự đi, với hi vọng có được hai chữ bình yên, nhưng bình yên không hề dễ.
Như gần đây, khi viết cuốn hồi ký, mục đích của tôi khá đơn giản và rõ ràng (ví dụ lấy nhuận bút mua sữa cho con), nhưng rồi nhiều người cứ tìm cách suy diễn theo hướng khác, lùm xùm không đáng có.
* Dù không tập trung viết nhiều về sự nghiệp diễn xuất, nhưng qua hồi ký anh muốn nhắn gởi điều gì cho những đồng nghiệp đi sau?
- Tôi chỉ muốn xác tín lại với chính mình: nghề này bạc bẽo và khốc liệt lắm. Tôi chọn làm nghệ sĩ tự do nên không có lương hưu là bình thường.
Nhưng tuổi già thật sự có lo lắng, khi con còn quá nhỏ, mà bản thân thì vẫn phải đi kiếm cơm từng ngày. Năm nào nhìn lên truyền hình cũng thấy có 6-7 phim mà mình đóng vai chính được chiếu lại, nhất là các dịp lễ, nhưng do cách quản lý - khai thác bản quyền chưa phù hợp nên bản thân chẳng có thêm chút lợi nào.
Nếu bản quyền hợp lý hơn thì chắc đạo diễn hoặc những vai chính như tôi cũng đỡ đói hơn. Họ chiếu miễn phí phim cũ nên đâu cần thêm phim mới, nên càng chiếu càng đói là vì vậy.
Tôi bỏ cả cuộc đời đóng phim, nhất là thời bao cấp, mỗi phim được cát-sê chừng vài chỉ vàng (cao hơn lương công nhân chút xíu), trong khi bản thân phải tốn vài cây vàng để làm chi phí, tự thấy cũng chịu nhiều chút thua thiệt để đóng góp vào việc chung.
Tài tử Trần Quang từng nói về thời này: “Phải giàu mới đi đóng phim, vì cát-sê không đủ chi phí bỏ ra, chứ đừng nói để sống”. Nhưng khi về già, tụi tôi chẳng có gì hết, bảo hiểm, phúc lợi, an sinh càng không.
Nếu có gì nhắn gửi đồng nghiệp trẻ cũng ở chỗ này: nghề diễn viên hào nhoáng giả tạo như vậy, chứ đời thật chẳng mấy người sung sướng đâu. Nếu có được chút danh lợi thì hãy sống tiết kiệm, dè xẻn, đừng để về già hối hận. Tuy nhiên, dù đời bầm dập, nhưng kiếp sau tôi vẫn muốn làm diễn viên.
* Thế nhưng, anh có nghĩ rằng là nghệ sĩ mà tiết kiệm, dè xẻn quá, nói cách khác là khôn ngoan, tính toán nhiều quá thì tâm hồn xơ cứng, sự nhạy cảm với thân phận nhân vật sẽ ít đi. Nói nôm na, diễn xuất sẽ lối mòn, sẽ dở đi?
- Thì vậy. Nhưng nghệ sĩ cũng không thể cứ bay bổng hoặc sống bằng ảo tưởng trên trời. Thời xưa có nghệ thuật đỉnh cao vì xã hội, cung đình, nhà giàu… trọng thị nghệ sĩ sáng tạo, họ sống không sung túc gì nhưng có đủ cảm hứng làm việc.
Sau này nhiều thứ khiến người ta nản. Tính từ năm 1975 thì tôi đã có hơn 30 năm làm nghề liên tục, được trao 6 huy chương vàng toàn quốc, vậy mà có lần tôi thử hỏi việc phong NSƯT thế nào, có người nói với tôi phải làm đơn...
* Ở trên anh có nói đời mình bầm dập nhưng kiếp sau vẫn muốn làm nghề diễn viên, vì anh quá yêu nghề, hoặc vì anh chẳng biết làm nghề gì?
- Cả hai ý hỏi của bạn đều đúng. Ngoài đời, tôi là một người thường lờ đờ, đôi khi bặm trợn, nóng tính, nhưng bước lên sân khấu hoặc đứng trước ống kính, tôi nhanh nhạy một cách bất ngờ.
Cao điểm nhất (năm 1991) tôi chạy sô 12 phim một năm, còn bình thường thời đó là 4-5 phim, trong khi một phim làm kéo dài từ 5 đến 7 tháng, nhưng bước ra phim trường là tôi nhớ ý kịch bản, nắm đường dây, thuộc thoại liền.
Nhiều khi vợ con dặn mua cái này cái kia, tôi không nhớ, nhưng nhận một kịch bản sắp quay, thông điệp mà kịch bản gởi gắm tôi ít khi nào quên.
Đôi khi tình cờ xem lại một phim, tôi cũng không nghĩ tại sao mình lại sáng ý như vậy, trong khi bản thân tự thấy mình không phải dạng thông minh.
Kiếp này là diễn viên thì sẽ làm đến phút chót
* Anh được rất nhiều phụ nữ chọn làm người yêu và người tình, trong khi anh chỉ thật sự yêu 2 người và sống có tình nghĩa như vợ chồng với 2-3 người khác. Sở dĩ anh đóng được nhiều phim vì nhiều phụ nữ chu cấp cho anh tiền và các điều kiện sinh hoạt. Năm tháng đã đi qua, bây giờ anh có vẻ an phận thủ thường, lui về quê nhà sống lượn lờ khi không đi đóng phim. Vừa để chia sẻ, vừa để cảnh tỉnh những anh chàng đào hoa trẻ, xin anh cho biết bí kíp của mình là gì?
- Tôi không có bí kíp gì cả. Đời tôi là một chuỗi các sự kiện khá ngẫu nhiên và khó đoán. 13 tuổi đã bị cả đàn bà lẫn đàn ông lạm dụng, nó như dự báo một tương lai tình ái đầy bất trắc.
Thế nhưng, hơn 45 năm dính tới tình trường (nếu có thể nói như vậy), tôi chỉ có sự thẳng thắn, yêu nói yêu, không yêu nói không yêu, chứ không biết dối trá. Nhiều người tôi sống như vợ chồng, họ lo lắng và yêu thương tôi hết mực, nhưng tôi không hề yêu và luôn nói rõ điều đó.
Bây giờ nhìn lại quá khứ, nếu tôi biết xảo trá, biết giả vờ yêu chút xíu thì chắc chắn sẽ ít đi số phụ nữ yêu thương tôi, đời mình cũng bớt lao đao, lận đận. Vì không biết nói dối mà một phụ nữ và hai con riêng của cô ấy phải chết ngoài biển do bỏ tôi đi vượt biên, nên mỗi lần nhìn ra biển mà thấy xót xa.
* Nhiều ái tình tự do, buông tuồng như vậy mà hình như đời anh chỉ tình cờ có 3 đứa con với 3 người phụ nữ khác nhau, mà cô con gái đầu tiên anh chỉ gặp một lần lúc mới sinh, giờ chắc vẫn còn sống bên Mỹ. Anh nghĩ sao về chuyện con cái?
- Với những người bình thường thì con cái là lẽ tự nhiên, sinh 5-7 đứa không khó. Nhưng với những người lang bạt, thất thường như tôi, nhìn lại, con cái nhiều khi là trời cho. Tôi từng chia tay một người vì cô ấy không chịu sinh con, thế rồi con bất ngờ đến với mình.
Hồi bước sang tuổi 50 tôi đã muốn giải nghệ vì thấy nghề diễn viên bạc bẽo quá, tính lui về quê chờ ngày qua đời, vì tử vi nói Bính Thân cũng chẳng sống bao lâu nữa. Nhưng mấy năm gần đây tôi lại đi phim, thậm chí diễn kịch và làm nhiều việc khác, để lo cho bé Thảo, con gái út vừa mới 3 tuổi.
Nhìn con và nhìn thân phận của mình hiện tại, tôi hiểu về nhân quả, mình gieo gì thì phải gặt này. Tôi cũng hiểu hơn về định mệnh, kiếp này đã là diễn viên thì phải là diễn viên cho đến phút chót.
* Anh là diễn viên vẫn còn rất nhiều người hâm mộ, khi bé Thảo chào đời, biết anh quá khó khăn nên nhiều khán giả muốn giúp, vì sao anh từ chối?
- Hai chữ hâm mộ, nếu thật sự có như vậy, đã là quá đủ với đời một diễn viên rồi. Chính khán giả là động lực để mình theo nghề, chính họ bỏ tiền mua vé để nhà sản xuất tái đầu tư, rồi họ mất thời gian, công sức, tiền bạn để dõi theo mình, như vậy là quá nhiều rồi.
Hơn nữa, khi mình đủ đầy, sung túc mình có giúp tiền bạc gì cho khán giả đâu, nên khi đói kém không thể ngửa tay xin.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất