Điệp vụ giải cứu 'vua áo đen'

13/07/2019 10:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Những sai số của trọng tài đã lại xuất hiện như một điệp khúc quen thuộc, ngay thời điểm đầu giai đoạn lượt về V-League 2019. Từ Pleiku đến Thống Nhất và hiệu ứng domino có thể chưa dừng lại, ở những khúc cua tay áo và cả giai đoạn mà các đội bóng "đổ đèo".

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 12/7: Trực tiếp Thanh Hóa đấu với SLNA, Nam Định vs Viettel

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 12/7: Trực tiếp Thanh Hóa đấu với SLNA, Nam Định vs Viettel

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp V League vòng 15, trực tiếp Thai League vòng 18.  trực tiếp giao hữu CLB,... Lịch bóng đá ngày 12/7.

Các đội bóng và người hâm mộ đang mong ngóng công nghệ VAR được áp dụng, như lời hứa của BTC giải, tựa như nắng hạn mong mưa rào vậy.

VAR là công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video, với các góc máy được đặt để xác định phạt đền hay không phạt đền, bóng đã qua vạch cầu môn hay chưa qua vạch cầu môn và cả việc xác định lỗi của cầu thủ… Gọi VAR là trọng tài video là vì thế và ở một số giải đấu hàng đầu, công nghệ hỗ trợ trọng tài này đã được áp dụng khá hiệu quả.

Theo chia sẻ của các đồng nghiệp bên mảng truyền hình, từ các nhà đài, thì VAR không phải là nhiệm vụ bất khả thi và các nhà đài của Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vào áp dụng, không thua gì truyền hình nước ngoài. "Nó khá đắt đỏ và công phu, nhưng nếu BTC các giải đấu cần, họ có thể thuê chúng tôi. Đảm bảo chất lượng", một đồng nghiệp chia sẻ.

Chú thích ảnh
Áp dụng công nghệ VAR vào sân cỏ Việt Nam là điều cần thiết, nhưng nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài mới là điều cấp thiết. Ảnh: VPF

Hiện Next Media đã và đang sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bao gồm V-League 1, giải hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia, với các gói được chia theo tỷ lệ cho VTV, Bóng đá & Thể thao TV và FPT TV. Tất nhiên, không tự nhiên mà các nhà đài bỏ tiền, bỏ chi phí, công sức để thực hiện công nghệ VAR, nếu nhà tổ chức (VPF) và Next Media không cho phép.

Phải có sự đồng bộ và thống nhất từ các bên có liên quan để đưa VAR vào các trận đấu, đấy là nút thắt đầu tiên quan trọng. Kế đó, người ta cũng phải tính toán thật kỹ xem có cần thiết và nhất thiết phải áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài hay không, với các trận đấu thuộc hệ thống giải chuyên nghiệp Việt Nam mà thời gian bóng trong cuộc chưa đầy 50 phút/trận?

Các lỗi vụn vặt, các hành vi tiểu xảo, ăn vạ, câu giờ…, như một "thuộc tính" của bóng đá Việt Nam và nó xé lẻ các trận đấu dẫn đến sự nhàm chán, bên cạnh chất lượng chuyên môn thấp. VAR, nếu được áp dụng, dễ khiến trận đấu còn bị ngưng trệ nhiều hơn, xé lẻ nhiều hơn và nhàm chán nhiều hơn. Một trận đấu ví thế có thể kéo dài bất tận, như thể không có hồi kết.

FIFA World Cup, UEFA Champions League, hay gần nhất là Copa America 2019 tại Brazil với tốc độ trận đấu cực cao, thời gian bóng trong cuộc cực nhiều, mà một số còn ngán ngẩm mỗi khi phải chờ đợi các trọng tài xem lại băng hình VAR, huống hồ. Việc không duy trì được tính liên tục về mặt nhịp điệu, vốn dĩ giúp bóng đá trở thành môn thể thao vua số một hành tinh, hoàn toàn không có lợi. Công nghệ là điều hay, nhưng áp dụng ở đâu, vào việc gì lại là chuyện khác.

Để đảm bảo sự công bằng cho các trận đấu vốn gây nhiều tranh cãi ở V-League, VAR có thể sẽ được đưa vào trong tương lai gần và đó cũng là lúc chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn về chất lượng trọng tài của Việt Nam. Từ bao năm qua, giới "vua áo đen" đã phải chịu sự dè bỉu, nghi kỵ, trước là về mặt chuyên môn, thể lực không theo kịp diễn biến các trận đấu, sau còn là vấn đề tư tưởng.

VAR là một sự giải thoát cho tất cả, nhưng VAR cũng không là tất cả, nếu từng bộ phận - mắt xích của hệ thống các giải đấu, từ đội ngũ điều hành, đến cầm cân nảy mực, các đội bóng, cầu thủ và khán giả không tự nâng cấp ý thức chuyên nghiệp. Đấy là điều chắc chắn!

TUỲ PHONG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm