Đình làng Việt và vị 'cứu tinh' cho di sản đến từ Facebook

19/09/2015 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Từ một nhóm thành lập trên Facebook (FB) chỉ mới 1 năm, Đình làng Việt bỗng chốc trở thành “cứu tinh” cho  ngành di sản ở góc độ truyền thông. Nhóm với hơn 4.000 thành viên, thực hiện 8 chuyến điền dã tới các đình cổ - quý để tìm hiểu di sản cha ông và tuyên truyền giá trị di sản tới người dân địa phương, viết lên câu chuyện cổ tích kỳ lạ giữa lúc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đang rơi vào bế tắc.   

Chuyện cổ tích thời Facebook

Tháng 9/2014, họa sĩ Nguyễn Đức Bình (nay được biết đến với danh xưng “sáng lập viên”, “trưởng thôn” Đình làng Việt) mở nhóm Đình làng Việt trên Facebook. Anh mời tất cả những người bạn quan tâm tới di sản vào nhóm. Con số khởi đầu chừng vài trăm thành viên. Lời nhắn duy nhất của “trưởng thôn” cho người viết khi mời gia nhập nhóm: “Chỗ để anh em trao đổi”.

“Anh em”, theo ý của họa sĩ Nguyễn Đức Bình gồm: các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, di sản; phóng viên theo dõi di sản và những người yêu di sản. Những hoạt động đầu tiên của Đình làng Việt trên Facebook là... kêu cứu.


Thành viên Đình làng Việt ghi hình tư liệu tại di tích. Ảnh: Mỹ Trà

Nhờ mạng xã hội, những người yêu di sản ở khắp mọi miền đều có thể đăng tải những diễn biến của di tích mình đi qua hoặc của địa phương mình. Những cuộc trùng tu như phá, những di tích “chờ sập”, những sự “tô vẽ” các linh vật, hiện vật, biểu tượng ngoại lai trong lòng di tích hay những cuộc “đào tẩu” khó hiểu cấu kiện của các di tích cổ - quý... đều được cập nhật liên tiếp. Ngay khi những thông tin được đăng tải trên nhóm, một “tổ công tác đặc biệt” lập tức được thành lập để đến hiện trạng di tích. Hiện nay, thành viên đông nhất của nhóm là phóng viên di sản.

Và trong buổi đầu tiên ấy của Đình làng Việt, những hạn chế tràn lan trong việc quản lý di tích đã được đưa lên khắp các mặt báo. Những nỗi băn khoăn của những người yêu di sản từ Facebook cũng đã vào “dòng chính” của truyền thông đánh động các cơ quan quản lý. Cũng từ đây, một số nhà quản lý cấp thành phố và nhiều nhà quản lý cấp di tích cũng gia nhập nhóm để cập nhật những bất cập và hiểu hơn về di tích.

Với những người theo dõi di sản, đa phần đều thừa nhận, việc trùng tu di tích đã cẩn trọng hơn rất nhiều từ khi có nhóm Đình làng Việt. Những “vết đen” về trùng tu, tôn tạo như đình Quang Húc, lăng Ngô Quyền, chùa Sổ... được báo chí phanh phui liên tiếp trong năm 2013 - 2014 đã giảm đi rõ rệt. Trong khoảng thời gian mấy tháng đầu, Đình làng Việt đã tự xác lập vị thế “giám sát” của mình và làm việc đầy hiệu quả.


NSUT Thanh Bình diễn xướng trong triển lãm "Đình làng Việt: Những điều còn - mất". Ảnh: Đình làng Việt

Khi số lượng thành viên tăng, Đình làng Việt thêm một “chức phận” khác: lan truyền tình yêu di sản. Những chuyến điền dã liên tiếp về Kinh Bắc, về xứ Đoài,... khiến nhóm ngày một vững mạnh. Các chuyến đi luôn được tổ chức khá cởi mở: có thể đi xe máy hoặc đi ô tô, có thể ăn chung hoặc độc lập...

Trong các chuyến điền dã, ngoài tham quan di tích, cộng đồng còn được những nhà nghiên cứu mỹ thuật, di sản như Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Bình... thuyết trình về vẻ đẹp của di sản ông cha. Những buổi diễn xướng dân gian ở đình làng mà nhóm đi thăm cũng khiến nhiều người thích thú. Từ thế giới ảo, Đình làng Việt bước ra thế giới thực như một cộng đồng vững mạnh gắn kết bởi mối quan tâm chung: di sản đình làng.

Câu chuyện cổ tích từ một nhóm nhỏ trên FB của Đình làng Việt được đẩy lên cao trào ở triển lãm Đình làng Việt: Những điều còn - mất khai mạc 8/8/2015 tại Hà Nội (Heritage Space, Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình). Triển lãm kéo dài trong 3 tuần với kinh phí do các thành viên trong nhóm đóng góp để tổ chức, đặc biệt có thêm đóng góp của hai thành viên đặc biệt: ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL) và ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội.

Các thành viên trong nhóm cũng tự thực hiện in ảnh, trưng bày... Hình ảnh cuộc triển lãm cũng được xây dựng dạng 3D phát trên Internet để những người ở xa có thể “tham quan”. Người thực hiện số hóa triển lãm này cũng là thành viên trong nhóm, “thần đồng” 3D di sản Nguyễn Trí Quang. Đây cũng là triển lãm đầu tiên của Việt Nam được số hóa toàn bộ.


Phòng triển lãm 3D trên Internet triển lãm "Đình làng Việt: Những điều còn - mất"

Trong 3 tuần triển lãm, những cuộc tọa đàm, những buổi diễn xướng dân gian, những hoạt động tương tác (tập chạm khắc họa tiết cổ, thử sơn son thếp vàng) diễn ra liên tiếp. Thông tin về triển lãm phủ khắp các mặt báo, kênh truyền hình, radio.

Sau thành công của triển lãm Đình làng Việt: Những điều còn - mất, Bảo tàng Hà Nội đã liên hệ với Đình làng Việt ngỏ ý hợp tác với nhóm. Tới đây, một lễ Trung thu truyền thống do Đình làng Việt tổ chức sẽ diễn ra ở Bảo tàng Hà Nội. Xa hơn, không gian Tết cổ truyền cũng được dựng lại tại một ngôi đình cổ ngoại thành. Một cuốn sách ảnh về Đình làng Việt cũng đang được nhóm nung nấu...

“Cần có một tấm lòng”

“Khi mới thành lập nhóm, tôi không đề ra bất cứ chiến lược phát triển, chiến lược PR di sản nào. Tôi cũng không nghĩ nhóm sẽ phát triển được như hiện nay” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên Đình làng Việt, chia sẻ.

Với người theo dõi truyền thông mạng xã hội, Đình làng Việt là một “ca” đặc biệt thú vị. Sự phát triển nhanh chóng mặt mà hết sức bền vững của nhóm đi ngược lại hoàn toàn những  nguyên tắc phát triển của truyền thông mạng xã hội: chóng đến nhưng không chóng đi; “hiện tượng” trên mạng xã hội ngập trên tất cả các kênh truyền thông dòng chính (kể cả những tờ báo, kênh truyền hình khắt khe nhất) mà không tốn một xu chi phí truyền thông; chiến lược là không có chiến lược gì; quản trị viên cũng không phải là người quá hiểu truyền thông hay công nghệ;...

“Tôi nghĩ, tất cả thành viên chỉ cần có một tấm lòng, làm mọi điều với một thái độ chân thành và hồn nhiên thì thành quả sẽ đến. Nghiệm lại, Đình làng Việt là nơi hội tụ tình yêu di sản mà tình yêu thì chân thành và hồn nhiên là đủ” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình đúc kết lại chặng đường của Đình làng Việt.

Tuy vậy, gây dựng đám đông đã khó, quản lý đám đông còn khó gấp bội. Thuở ban đầu với thành công choáng ngợp, Đình làng Việt bắt đầu có những chiến lược dài hơi để gìn giữ và phát triển cộng đồng đặc biệt của mình.

Theo chia sẻ của “trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình, sau triển lãm, ngoài một vài đơn vị nhà nước tầm cỡ, nhiều ban quản lý di tích cũng liên hệ với nhóm nhờ cố vấn bảo tồn di tích cũng như tổ chức sự kiện. Đặc biệt, nhóm cũng có thêm nhiều thành viên Việt kiều muốn tham gia để “hiểu quê hương mình”.

Ông Bình chia sẻ: Vì vậy, tới đây, chúng tôi khuyến khích các thành viên là người địa phương, những chủ thể của văn hóa đình làng. Bên cạnh đó, nhóm sẽ thúc đẩy hai nhóm đối tượng chính là: người Việt ở nước ngoài và học sinh, sinh viên.

Theo đó, Đình làng Việt đã chuẩn bị nhiều sự kiện như: trưng bày ảnh di sản, tổ chức các hoạt động diễn xướng dân gian ở các trường đại học; tổ chức các chuyến điền dã cho các sinh viên mỹ thuật đi vẽ về đình làng và họa tiết đình làng (đây là nhóm đối tượng đặc biệt quan trọng trong nhân lực của Đình làng Việt sau này); tổ chức các ngày lễ truyền thống để kiều bào về thăm nước có thể tham gia từ khâu chuẩn bị tới lúc “phá cỗ”...

Với những chiến lược dài và chi tiết, Đình làng Việt đang chuyển mình khéo léo từ sự thăng hoa buổi đầu tới việc phát triển bền vững, quản trị rủi ro. Đây là hướng đi đúng, bởi “chân thành và hồn nhiên” chỉ giúp người ta đến với nhau chứ không giúp người ta ở bên nhau. Tình yêu với đầy bất trắc tiềm ẩn cần nhiều những tính toán để có thể bước đi lâu dài.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm