04/09/2020 08:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Những ngày qua, thông tin về việc trung vệ CLB Hà Nội và các ĐTQG, Trần Đình Trọng, lần thứ 3 phải leo lên bàn mổ trong vòng hơn một năm, khiến giới truyền thông lại phải đi đào bới nguyên do. Lý là bởi, Đình Trọng là “tài sản bóngđá quốc gia”, nhưng giờ lại đang đứng trước khả năng có thể phải giải nghệ vì chấn thương...
Suy cho cùng, sự nghiệp cầu thủ ngắn hay dài, thành hay bại, trước là do mình, sau mới trách người, trách đời được. Cầu thủ hay VĐV đã chọn cái nghề này, thì phải chấp nhận rủi ro. Mà đâu chỉ có nghề cầu thủ mới rủi ro?!
Tại sao cầu thủ lại chấn thương?
Giới chuyên môn, các bác sỹ phẫu thuật và chuyên gia về chấn thương thể thao, cũng như chuyên gia vật lý trị liệu, tập hồi phục, hẳn phải là những người giỏi nhất ở lĩnh vực này. Họ chỉ ra rằng, có ít nhất 3 nguyên nhân chính dẫn đến các ca chấn thương và tái phát chấn thương: Quá tải (khi cơ thể rệu rã, thể lực bị bào mòn, không sẵn sàng thi đấu với cường độ cao); Va chạm và cuối cùng là không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị, quá nôn nóng quay lại thi đấu, dẫn đến tái phát chấn thương.
Mà, một khi đã tái phát, chắc chắn là nặng hơn lần đầu. Bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng, nhưng tỷ lệ các ca chấn thương từ va chạm chỉ chiếm một số phần trăm nhỏ. Những chấn thương do va đập, hoặc bị chủ ý triệt hạ, thường nhằm vào vùng xương ống quyển, mắt cá chân và ngoài da. Nó có nghĩa là 2 nguyên nhân còn lại, mới đóng “vai chính”. Nhưng tại sao và như thế nào, cầu thủ vẫn phải “sống chung với lũ”?
Quá tải trước đây là một khái niệm tương đối mới mẻ với cầu thủ bóng đá Việt Nam, mà thông thường chỉ chơi trên dưới 40 trận đấu/năm, ở mọi cấp độ. Trong đó, có hơn 20 trận ở V-League, một số trận khác tại Cúp quốc gia, còn lại là ĐTQG và giải châu lục dành cho CLB. Nhưng, từ khoảng 5 năm đổ lại, thì cường độ vẫn động – thi đấu của một cầu thủ như Đình Trọng, Quang Hải…, cao hơn rất nhiều. Đơn giản, họ là những người giỏi nhất ở vị trí của mình.
Nhưng, quá tải còn có thể đến từ một nguyên nhân khác, đấy là chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt không đảm bảo. Nói thẳng ra là nhiều cầu thủ Việt Nam, kể cả cấp tuyển thủ quốc gia, cũng không tuân thủ bất cứ quy trình nào về dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập hồi phục và bổ trợ. Họ lạm dụng thời gian biểu cho những thú vui của người trẻ, với cả bia rượu, thậm chí chất kích thích và tình dục. Với người trẻ lại ở tầm ngôi sao bóng đá, người nổi tiếng... càng khó!
Chấn thương chắc chắn là một cơn ác mộng với bất cứ ai chơi thể thao chuyên nghiệp, chứ đừng nói cầu thủ bóng đá. Tự cơ thể mỗi người đều là bác sỹ riêng của mình và nhưng vị bác sỹ riêng ấy thường không lên tiếng một cách thường xuyên khi ta còn trẻ và ngoài ra, bác sỹ đó cũng không thắng được lý trí hay cám dỗ. Chắc chắn, với một cầu thủ chuyên nghiệp, hẳn phải hiểu mầm họa của chấn thương hơn bất cứ người thường nào chúng ta chứ!
Với những cầu thủ từng phải phẫu thuật, mà thông thường, bất cứ cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp nào cũng phải trải qua ít nhất một lần lên bàn mổ, họ hiểu giá trị của những ngày khỏe mạnh lớn đến đâu. Và vì thế, họ bắt đầu ý thức chuyên nghiệp hơn trong quá trình tập vật lý trị liệu, hồi phục. Nhưng, vấn đề là ai cho họ thời gian để hồi phục? Họ bị ném trở lại sân nhanh nhất có thể.
Chúng ta đã lạm dụng “tài sản quốc gia”?
Có lẽ, không đâu như Việt Nam, một tuyển thủ quốc gia lại phải vòng trở lại thi đấu hệ thống các giải đấu trẻ, cả ở cấp CLB lẫn cấp độ đội tuyển. Ví như Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu và thế hệ của các anh, đã phải chơi bao nhiêu mặt trận, bao nhiêu cấp độ đội tuyển, cấp độ giải đấu, kể từ năm 2016? Không một ai chịu thống kê con số chính xác, xong rõ ràng, đó là điều bất hợp lý. Chúng ta đã quá lạm dụng, để rồi cẩu thả và không công bằng với cầu thủ.
Ánh hào quang và sức ép thành tích đã bao lần hại bóng đá Việt Nam, hại cầu thủ. Mấy cái kiểu mô hình “2-3 trong 1” ấy là thứ đáng ra phải triệt tiêu từ lâu rồi, ở cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Nó bao gồm cả cầu thủ (khoác áo các ĐTQG khác nhau) và HLV (dẫn dắt các ĐTQG khác nhau). Không ai có thể làm tốt nhiều việc cùng một lúc cả, trừ khi họ là ... Thánh. Nhưng, bóng đá xứ ta vẫn muốn người thường thành thánh.
Để tiết kiệm thời gian, lại được việc ngay, HLV Park Hang Seo và cộng sự quyết định chỉ dùng trên dưới 30 cầu thủ trong suốt 3 năm qua. Thế là từ U23 cho đến ĐTQG, thậm chí cả U22 Việt Nam đá SEA Games hay Vòng loại U23 châu Á, cũng chỉ ngần ấy số lượng cầu thủ được dùng đi dùng lại, với một thể loại chiến thuật vận hành vốn đã và đang rất hiệu quả. Những nhà quản lý không có ý kiến gì trong vấn đề này, trước là sự tôn trọng, nhưng cơ bản là thấy có lợi.
Cái lợi đầu tiên là kinh phí rót xuống được tiết kiệm tối đa, cái lợi thứ 2 là thấy được rất rõ thành tích, với một đôi thế hệ cầu thủ tài năng, trải qua các thời kỳ. Đấy cũng là một loại tư duy nhiệm kỳ rất cũ. Gần cả đội hình chính trở về từ kỳ tích Thường Châu 1/2018, phải leo lên bàn mổ, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Đã có quá nhiều các ca chấn thương trong quá khứ, dẫn đến giải nghệ - chia tay sân cỏ luôn, nội hàm bài báo này, chúng tôi không cần phải đề cập.
Y học thể thao Việt Nam và thế giới giờ đã phát triển rất nhiều, nên không thể đổ tại cho đội ngũ làm nghề này. Song, nói như HLV Hoàng Anh Tuấn, thì ngay cả CLB cũng không thèm ý thức vai trò của đội ngũ bác sỹ - săn sóc viên và các chuyên gia chẩn đoán, trị liệu. Đau thì tiêm thuốc vào mà đá. Ví như Tuấn Anh ở HAGL, không biết bao lần đã phải tiêm huyết tương, giảm đau, bị rạch mổ chằng chịt khắp cơ thể, tưởng chừng như phải giải nghệ.
Những thông tin chấn thương cầu thủ bị bưng bít, giấu nhẹm ở nhiều CLB và họ chỉ báo cáo lên Tuyển khi cần giữ quân. Đây cũng là bất cập lớn!
Diễn biến chấn thương của Đình Trọng Tháng 6/2019, Hà Nội làm khách trên sân Pleiku, trận đấu với HAGL, vòng 12, V-League 2019, Đình Trọng đổ vật xuống sân, sau một động tác xoay trụ, hoàn toàn không va chạm với ai. Trọng bị chẩn đoán là đứt dây chằng chéo trước đầu gối, tổn thương các dây chằng chéo bên. Đây là lần đầu tiên, cầu thủ sinh năm 1997 gặp phải một chấn thương nặng như thế, sau những mùa bóng cày ải liên tiếp trong màu áo các CLB Sài Gòn, Hà Nội và các ĐTQG. Nguyên nhân chỉ ra, Đình Trọng bị quá tải, với mật độ thi đấu hơn 60 trận/năm, gần bằng với Quang Hải. Trước ngày leo lên bàn mổ ở Singapore, với sự đảm bảo của bầu Hiển, trong việc bảo vệ và gìn giữ “tài sản bóng đá quốc gia”. Chỉ mất 6 tháng tập vật lý trị liệu, hồi phục, Đình Trọng lần đầu tiên trở lại trong các trận đấu của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2020, diễn ra hồi đầu năm tại Thái Lan. Trọng khi ấy được cho là chưa hoàn toàn khỏe khoắn, với khớp gối vẫn còn đau và có biểu hiện tràn dịch. Tháng 3/2020, Trọng qua Singapore tái khám, đích thị là dịch đã tràn và lần này, đến lượt sụn chêm đầu gối bị tổn thương. Anh âm thầm quay lại TP.HCM… hút dịch. Với sự giám sát của các chuyên gia và bác sỹ đội tuyển, Đình Trọng tập hồi phục ở PVF, nhưng tình hình không những không khá hơn, thậm chí còn có biểu hiện xấu đi. Và cách đây ít ngày, Đình Trọng một lần nữa bay vào TP.HCM để tiếp tục phẫu thuật sụn chêm đầu gối, hút màng dịch và “nắn” lại các dây chằng đã bị tổn thương. Dự tính, phải qua năm 2021, trung vệ ĐTQG và CLB Hà Nội mới có thể quay lại tập luyện. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất