Novak Djokovic: Vinh quang và áp lực

08/10/2016 20:38 GMT+7 | Tennis

(lienminhbng.org) – Khi Novak Djokovic bảo rằng anh không còn coi Grand Slam và ngôi số một ATP là ưu tiên hàng đầu nữa, ai cũng hiểu anh đang cố quẳng đi tảng núi áp lực đang đè nặng lên mình suốt những ngày tháng qua.

“Tôi không muốn nghĩ đến việc vô địch các giải đấu cũng như ngôi số một thế giới nữa để tránh tạo áp lực cho chính mình”, Djokovic đã khẳng định như thế với các phóng viên. Nghe có vẻ hơi tiêu cực, song đó chính xác là những gì mà tay vợt 29 tuổi này cần ở thời điểm hiện tại.

Mệt mỏi vì… tài giỏi

Năm 2011, sau chuỗi 43 trận thắng liên tiếp, Novak Djokovic chính thức bước lên ngôi số một, và đó là một mùa giải rất thành công của anh khi đã giành 3/4 Grand Slam. Nole kết thúc mùa giải ấy với thành tích 70-6 (trong đó có 6 lần toàn thắng Nadal), giành 10 danh hiệu trong đó có 5 Masters 1000.

Ngày ấy, huyền thoại Pete Sampras đã ca tụng rằng đó là một trong những thành tích vĩ đại nhất của thể thao thế giới. Vậy mà 4 năm sau, Djokovic còn làm được hơn thế. Anh đạt thành tích 86-6, và vô địch 11 giải, trong đó có 6 Masters. Anh giành 3 Grand Slam, về nhì ở giải còn lại (Roland Garros 2015), và cuối năm đã tô điểm cho bức tranh kỳ vĩ ấy bằng chức vô địch ATP World Tour Finals. Djokovic cũng lập kỷ lục về số điểm trên ngôi số một thế giới. Đó mới thực sự là mùa giải thống trị nhất trong lịch sử quần vợt.

Những sự kỳ vọng cứ lớn dần theo thời gian, khi Nole có nửa mùa giải 2016 không thể tuyệt vời hơn với lần thứ 6 vô địch Australian Open, giành thêm 3 Masters 1000 nữa trước khi hoàn tất Grand Slam sự nghiệp bằng chức vô địch Roland Garros. Nhiều chuyên gia cho rằng Djokovic đang bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo và mùa giải 2016 sẽ đi vào lịch sử khi anh xô đổ một loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu.


Djokovic sở hữu rất nhiều danh hiệu và kỷ lục của làng quần vợt thế giới

Nhưng chính ở vào thời điểm tiệm cận sự hoàn hảo, thì Nole gục ngã. Kể từ khi đăng quang ở Roland Garros 2016, Nole tham dự 4 giải đấu thì chỉ vô địch 1 lần với thành tích là 12 thắng – 3 thua, đạt tỷ lệ chiến thắng là 80%, thấp hơn nhiều so với nửa đầu mùa giải (93,5%). Nole dường như không còn là chính mình.

Cú ngã của Nole ở vòng ba Wimbledon đúng là gây sốc thật, nhưng cũng không quá khó để lý giải. Sau khi đã thỏa mãn một mục tiêu đã ấp ủ bao năm nay (Grand Slam sự nghiệp), sự hưng phấn của Djokovic đã không còn được như trước nữa. Sự tập trung và ý chí quyết tâm của anh cũng đã bị giảm sút ít nhiều, và vì thế, trong một ngày đẹp trời, Sam Querrey đã lập được kỳ tích.

Áp lực vì kỳ vọng

Nhưng tác động tiêu cực nhất về mặt tâm lý với Nole trong giai đoạn vừa qua có lẽ là thất bại tại Olympic Rio. Anh đã đến giải đấu ấy với kỳ vọng cực cao về tấm HCV Thế vận hội, danh hiệu lớn duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập hoành tráng của mình. Nhưng rồi, anh bị Juan Martin del Potro, người sau đó giành HCB, dội ngay gáo nước lạnh ở vòng một. Cú ngã ấy đánh mạnh vào tâm lý của Nole, bởi Olympic diễn ra 4 năm một lần, và giấc mơ của anh có thể mãi mãi không thể trở thành hiện thực.

Và khi Djokovic gục ngã ở chung kết US Open, đã có lờ mờ những lo ngại về sự thoái trào của anh sau nửa thập kỷ thống trị làng banh nỉ. Ở Flushing Meadows, Nole đã gặp quá nhiều may mắn khi có tới 3 vòng đấu, đối thủ đều bỏ cuộc bởi dính chấn thương, và anh chỉ cần chơi có 13 set trước khi bước vào trận chung kết. Nhưng rốt cục, Djokovic đã gác vợt tâm phục khẩu phục trước đối thủ già dơ và thi đấu hiệu quả hơn.


Có những thời điểm người ta thấy rõ sự mệt mỏi của Djokovic

Năm 29 tuổi, Federer đã giành được 16 Grand Slam, và kể từ sau Australian Open 2010 đến bây giờ, “tàu tốc hành” chỉ bỏ túi đúng 1 Grand Slam nữa tại Wimbledon 2012. Djokovic liệu có rơi vào hoàn cảnh như thế? Chỉ thời gian mới có thể trả lờ, song sự thực là tay vợt số một thế giới đang quá mệt mỏi vì những kỳ vọng.

Và sự mệt mỏi về thể xác nhiều khi còn không đáng sợ bằng sự mệt mỏi về tinh thần. Djokovic hiểu điều đó, và anh đã lên kế hoạch phải thay đổi, từ chính tâm trí của mình.

Hành trình đi tìm sự thanh thản

Nole đang cần sự tĩnh tâm. Những ngày qua, anh dành thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của mình cho gia đình tại Belgrade, với cô vợ Jelena và cậu con trai Stefan. Thay vì những phút mệt nhoài trên sân tập, anh đi phượt cùng Jelena, đến thăm và tặng quà các em bé ở Drugarijada theo chương trình của Quỹ Novak Djokovic.

Đó là một Djokovic đang cố tránh xa quần vợt để tìm sự thư thái ở bên ngoài. Nhưng đừng nghĩ rằng anh không còn thiết tha với môn thể thao mà anh đã chơi từ năm lên 4. Djokovic chỉ đơn giản là không đặt áp lực vô địch ở mọi giải đấu, mà chỉ cố gắng thi đấu vì niềm vui. Việc anh rút lui khỏi giải Bắc Kinh mở rộng đơn thuần chỉ là do chấn thương khuỷu tay. Vả lại, việc nghỉ đấu một thời gian dài là điều không tốt với một tay vợt đỉnh cao (trừ phi chấn thương quá nặng) vì nó sẽ khiến anh ta đánh mất khá nhiều cảm giác và sẽ tốn khá nhiều thời gian để hòa nhập trở lại.


Djokovic đang tìm sự thư thái bên gia đình

Trong khoảng thời gian còn lại của mùa giải, Nole sẽ tham dự ba giải lớn là Thượng Hải Masters, Paris Masters và ATP World Tour Finals. Vấn đề là anh sẽ tham dự những giải đấu ấy với tâm thế như thế nào? Cố gắng vô địch thì sẽ phải chấp nhận áp lực, còn nếu chỉ thi đấu vì niềm vui mà không quan tâm đến thành tích thì cũng không ổn. Việc chơi tệ hoặc thua trước vòng bán kết ở những giải đấu trên đều có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của Nole. Dù không đặt nặng thành tích, nhưng kịch bản tốt nhất là Nole phải vô địch ít nhất một trong số ba giải đấu ấy và lọt vào bán kết hoặc chung kết ở hai giải còn lại.

Ở cả ba giải đấu ấy, Djokovic đều là đương kim vô địch. Bởi vậy, nếu thi đấu kém cỏi, anh sẽ mất khá nhiều điểm trên bảng xếp hạng. Hiện tại Djokovic đang hơn Murray gần 5000 điểm, nhưng với việc tay vợt người Scotland đang có nền tảng phong độ tốt và sự hưng phấn lên cao, khả năng đổi ngôi trước khi kết thúc mùa giải này là hoàn toàn có thể xảy ra. Cho dù Nole đã phát biểu rằng không quan tâm đến chuyện có giữ được ngôi số một hay không, nhưng ít người tin đó là những lời từ tận đáy lòng của tay vợt người Serbia này.

Djokovic đang trải qua quãng thời gian khó khăn, nhưng liệu Murray hay Wawrinka có thể tận dụng được cơ hội ấy để phế ngôi anh hay không? Thật ra, điều đó cũng không ai dám khẳng định. Và một khi Nole tìm được sự tĩnh tâm trở lại, anh sẽ tiếp tục trở nên cực kỳ đáng sợ.



Mùa giải thăng trầm của Djokovic

Tháng 1 đến tháng 6/2016: Vô địch Australian Open (lần thứ 6), Roland Garros (hoàn tất Grand Slam sự nghiệp). Vô địch 3 Masters tại Indian Wells, Miami, Madrid, cùng giải Qatar Open. Thành tích thắng – thua: 43-3

Tháng 6/2016 đến nay: Bị loại ở vòng 3 Wimbledon, chung kết US Open, vòng 1 Olympic Rio, và chỉ vô địch tại Rogers Cup. Thành tích thắng thua: 12-3

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm