14/05/2018 20:53 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều 14/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng
Theo bản án phúc thẩm, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên tội danh đối với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN).
Hội đồng phúc thẩm y án sơ thẩm với bị cáo Đinh La Thăng mức 13 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."
Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại tội danh và hình phạt vì cho rằng mình không có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, mà chỉ thiếu trách nhiệm gây hậu quả.
Theo tuyên án của Tòa phúc thẩm, hai bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực đã có hành vi chỉ đạo lựa chọn tổng thầu PVC không bảo đảm tài chính, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án; đôn đốc, đốc thúc PVC và PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và 4194 khi chưa đủ điều kiện; chỉ đạo tạm ứng cho PVC khi các hợp đồng nêu trên chưa có điều kiện thanh toán và hướng dẫn tạm ứng thanh toán, để PVC sử dụng không đúng số tiền tạm ứng, vi phạm nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước là hoàn toàn có căn cứ.
"Vì vậy kháng cáo kêu oan không phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" của hai bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực không có căn cứ,"- Tòa phúc thẩm kết luận.
Cũng y án sơ thẩm về tội danh nhưng bị cáo Phùng Đình Thực được giảm 3 năm tù so với bản án sơ thẩm (sơ thẩm 9 năm tù) do có nhiều thành tích trong công tác, nghiên cứu khoa học, gia đình có công với cách mạng và hiện tại tuổi cao, sức khỏe yếu.
Hội đồng phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giảm hình phạt cho Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; giữ nguyên hình phạt về tội "Tham ô tài sản."
Theo đó, Vũ Đức Thuận bị tuyên 6 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (sơ thẩm 7 năm tù); 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản." Tổng hợp hình phạt 21 năm tù (sơ thẩm 22 năm tù).
Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm giảm hình phạt cho một số bị cáo: Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 7 năm tù (sơ thẩm 9 năm tù); Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán của PVN) 3 năm 6 tháng tù (sơ thẩm 4 năm 6 tháng tù); Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) 5 năm 6 tháng (sơ thẩm 6 năm tù); Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 5 năm 6 tháng tù (sơ thẩm 6 năm tù).
Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC); Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, thuộc PVC); Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC); Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN); Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2).
Theo Hội đồng phúc thẩm, quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, nhận tội và xin giảm hình phạt.
Các bị cáo đều được tập đoàn PVN hoặc Tổng Công ty PVC có văn bản xin giảm hình phạt. Nhiều bị cáo có thành tích trong công tác, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để nhanh chóng kết thúc vụ án. Một số bị cáo đã tích cực nộp tiền bồi thường để khắc phục hậu quả.
Đối với các bị cáo bị tuyên phạt về tội "Tham ô tài sản", Hội đồng xét xử thấy cần giữ nguyên hình phạt chính và hình phạt bổ sung Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với tất cả các bị cáo, nhằm giáo dục, cải tạo bị cáo và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống các tội phạm về tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Giữ nguyên kháng cáo về phần dân sự
Về phần dân sự, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên phần trách nhiệm dân sự đối với tất cả các bị cáo.
Theo Tòa phúc thẩm, quá trình điều tra, căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo và thiệt hại do các bị cáo đã gây ra Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho PVN là có căn cứ.
Tòa phúc thẩm buộc các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Ninh Văn Quỳnh, Trần Văn Nguyên, Vũ Hồng Chương, Lê Đình Mậu cùng Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn, Phạm Tiến Đạt và Trương Quốc Dũng bồi thường cho PVN số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 30 tỷ đồng (hiện đã nộp 1 tỷ đồng). Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận mỗi bị cáo phải bồi thường 7,5 tỷ đồng.
Các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa, Bùi Mạnh Hiển cùng các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thành Quỳnh, Lê Thị Anh Hoa phải bồi thường cho PVC số tiền 11,8 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của anh Trịnh Hùng Cường (con trai của Trịnh Xuân Thanh) về phần kê biên tài sản. Bản án phúc thẩm quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để đảm bảo cho việc thi hành án: Biệt thự số AD02-16 khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside; Căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; xe ôtô Mazda CX5 màu trắng, biển kiểm soát 30A-970.97 đã giao cho anh Trịnh Hùng Cường (con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh) bảo quản và phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ, chồng Trịnh Xuân Thanh, Trần Dương Nga cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương), phong tỏa chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và Trần Dương Nga (vợ bị cáo Trịnh Xuân Thanh), không cho chuyển nhượng để đảm bảo thi hành án.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất