01/08/2013 14:30 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(lienminhbng.org) - Khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi nở rộ như Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Việt Nam Got Talent hay gần đây nhất là Giọng hát Việt Nhí, chương trình Đồ Rê Mí sau 6 năm thực hiện dường như đang… lùi một bước về độ “hút” khách.
Với nhiều game show giải trí cho trẻ em đang trở nên bão hòa, chưa kể nhiều chương trình bị cho là có sự tác động quá nhiều từ nhà tổ chức khiến các bé bị “đánh cắp” sự hồn nhiên của tuổi thơ. Thậm chí, Đồ Rê Mí 2012 đã từng khép lại trong sự phản ứng của công luận vì “già hóa” thí sinh “nhí”. Trước tình hình này, BTC Đồ Rê Mí Đôi 2013 quyết định thay đổi format mới: đặt sự hồn nhiên, trong sáng với đúng lứa tuổi từ 4 đến 8 tuổi của thiếu nhi lên hàng đầu.
Không áp lực ganh đua
Với mong muốn khơi gợi sự sáng tạo của mỗi thí sinh nhí, từ những bé không chuyên cho đến những bé đã từng qua trường lớp, sinh hoạt trong các câu lạc bộ, nhà văn hóa nên ở vòng Ghép đôi, các bé đều phải tự nghĩ ra tiết mục biểu diễn của mình, tự “bảo ban” nhau cách diễn. Mặc dù lên sân khấu có phần múa phụ họa, ở ngoài có các chuyên gia hỗ trợ về thanh nhạc, nhưng những ý tưởng, các chọn lựa tiết mục của các bé luôn được tôn trọng. Chính vì thế, mỗi tiết mục “tự biên, tự diễn” là sự thử thách đối với các thí sinh nhưng cũng là cơ hội phát huy khả năng hướng dẫn cũng như học hỏi giữa thí sinh chuyên và không chuyên.
Cũng trên sân khấu, không khó để nhìn ra một bé “chuyên nghiệp” luôn có sự tự tin, làm chủ sân khấu tốt hơn những bé không chuyên nhưng các bé không tỏ ra ganh đua về kỹ thuật, cũng không căng thẳng vì tâm lý thi cử. Thay vào đó là tinh thần “đồng đội” gắn kết, nâng đỡ nhau, thông qua những ánh mắt nhìn nhau, những động tác làm cùng nhau sao cho đúng, cho đẹp.
Khánh Nhi cùng Nhật Minh trong ca khúc Bé đi học |
Ca khúc trong các cuộc thi dành cho thiếu nhi hiện nay đang là một vấn đề khá bức xúc vì yếu tố “ngoại” ngày một thắng thế. Đồ Rê Mí cũng không phải là một chương trình chỉ hát tiếng Việt. Ở những mùa trước, các ca khúc thiếu nhi bằng tiếng Anh từng được biểu diễn trên sân khấu Đồ Rê Mí có thể kể đến như: Yankee Doodle, Toreado, Kalinka, Habarena, Kanguru, If You’re Happy, You Are My Sunshine, Skip To My Lou, My Bonnie Lies Over The Ocean.
Năm nay ca khúc nước ngoài chỉ xuất hiện ở một đêm thi vòng chung kết. Tuy nhiên, cách chọn ca khúc có thể gọi là một điểm “sáng” của Đồ Rê Mí bởi dù là tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, các bài hát biểu diễn đều phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của thiếu nhi. Với những bé còn chưa đi học, chưa biết chữ hay những bé ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện học ngoại ngữ thì việc hát bằng tiếng Việt đã khó, hát bằng tiếng Anh còn khó hơn rất nhiều. Vì vậy, một số ca khúc tiếng Anh đã được giám khảo Châu Anh phổ lời Việt.
Còn với những ca khúc tiếng Việt, việc lựa chọn những ca khúc có giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc mà vẫn có đủ độ “khó” cần thiết để các em bộc lộ khả năng, cũng là một sự tâm huyết của những người tổ chức.
Bởi không chỉ có những ca khúc thiếu nhi đã được nhiều thế hệ biết đến như Em dắt trâu ra đồng, Xuân về trên buôn em, Chỉ có một trên đời, Bé đi học… được “tái hiện” mà với những ca khúc hay như Mặt trời bay, sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã bị “bỏ quên” suốt 24 năm qua cũng được chương trình tìm kiếm. Ca khúc được “bánh rán” Bảo Trân thể hiện rất ấn tượng trong Đồ Rê Mí 2012.
Ở một khía cạnh khác, những ca khúc mà các thí sinh Đồ Rê Mí thể hiện cho thấy kho tàng âm nhạc thiếu nhi không chỉ phong phú về đề tài, nội dung mà còn rất giàu tính nhân văn, giáo dục cho các bé về tình yêu gia đình, tình bạn, tình yêu cuộc sống một cách trong sáng, giàu tình cảm.Với những nỗ lực trong thời gian qua, phải chăng Đồ Rê Mí Đôi đang cố gắng “lội ngược dòng” để đem lại một sân chơi âm nhạc đúng nghĩa với thiếu nhi?
Gia Khanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất