05/07/2014 14:41 GMT+7 | Tứ kết
1. Khi tôi viết những dòng này, trận cầu giữa Đức và Pháp chưa diễn ra và tôi đang trong sự khủng hoảng lòng tin với mọi thứ - dĩ nhiên, ngoài chiến thắng của tuyển Đức.
Khi người ta cứ đặt ra câu hỏi, tại sao huấn luyện viên Joachim Loew lại “bảo thủ” như vậy, rằng ảnh hưởng của Pep ở Bayern đã làm Die Mannschaft mong manh đi... Quá nhiều người không thích phong cách mang hơi hướng của tiki-taka của người Tây Ban Nha - đối thủ hờn oán của tuyển Đức trong nhiều mùa bóng gần đây cả ở cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển.
Nhưng, hãy trả lời tôi, “Die Mannschaft” đã thua chưa? Nếu vô địch và thắng mà dễ thế, thì còn gì gọi là World Cup? Vậy tại sao lại không tin các cầu thủ của chúng ta sẽ giành chiến thắng? Tại sao không tin rằng Joachim Loew còn những nước cờ đang giấu kín?
Thiếu lòng tin có lẽ đã là căn bệnh chung không chỉ của riêng ai, không của riêng dân tộc nào, không nằm ngoài lĩnh vực nào.
Cũng đành là ai chả muốn Brazil đá đẹp như vũ điệu Samba, cũng đành là ai chẳng thích nhìn Argentina thể hiện bước đi Tango quyến rũ. Người ta vẫn nhớ “cơn lốc màu da cam”, vẫn đòi hỏi “chất thép lỳ lợm” của người Đức. Nhưng trái đất luôn quay, không gian, thời gian, con người luôn vận động và đừng đòi hỏi cái gì tuyệt đối và mãi mãi - Dĩ nhiên - Ngoại trừ tình yêu.
2. Hai trận thư hùng của hai nền bóng đá mạnh nhất thế giới Nam Mỹ và châu Âu: Hà Lan - Costa Rica; Argentina - Bỉ. Những ngôi sao sân cỏ được nhắc đến như siêu nhân, như cứu tinh, như mọi niềm ước vọng của từng đội bóng là Messi, là Robben, là Hazard, là Bryan Ruiz... Thế nhưng, chẳng thiếu những hoài nghi về họ. Truyền thông và giới chuyên gia không ngừng khen chê, kẻ tâng cao, người chỉ trích các cầu thủ về phong độ, về sự lệ thuộc của một tập thể vào cá nhân...
Sở hữu 4 bàn thắng, có những đường chuyển “bằng vàng” để đảm bảo chiến thắng sít sao của Albicelestes, luôn được đánh giá là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Sự so sánh với Maradona, áp lực để đưa Albicelestes về thời hoàng kim lên chiếm lĩnh ngôi vô địch, sự nghi ngại về khả năng thủ lĩnh để dẫn dắt trận đấu của một số 10... tất cả đè lên Messi khiến chàng trai vốn đã thấp bé dường như càng oằn mình trước những sức nặng ngày một lớn. Người ta vẫn tung hô, vẫn gọi tên anh như cầu nguyện, nhưng cùng đó là không ngừng hoài nghi. Cả sự tín ngưỡng lẫn nghi ngờ đó, đặt áp lực lên một Messi vốn vô cùng khiêm nhường, giản dị và chưa bao giờ định chứng minh về bản thân.
Tương tự là Roben, nào là “Hà Lan có bay được tiếp chỉ với đôi cánh của Roben?” Nào là khi ngôi sao sáng nhất là khi phong độ cần lưu tâm nhất, bởi hoa chỉ rực rỡ trước khi tàn cuối vụ... Rồi lại cũng luận điệu, ngôi sao của những trận cầu nhỏ, rằng đi bóng hay mà ngã cũng tài, nhưng vận may đâu cứ đến mãi...
Ôi các ngôi sao tội nghiệp, “tài tình chi lắm cho trời đất ghen?” Nếu Albicelestes thiếu lòng tin với Messi? Nếu “màu da cam” thay đổi không coi Robben là trọng tâm, để cho cầu thủ đầy cá tính này chơi theo cách riêng của anh ấy, cả sự đột phá, cả sự ích kỷ, cả những cú dốc bóng khiến đối phương “ngửi khói,” cả cách ngã đẹp hơn mọi diễn viên tài năng? Vậy thì lòng tin còn biết gửi vào đâu?
3. Tôi tuyệt đối đồng tình với nhạc sĩ Hà Quang Minh trong một Bàn tròn về chủ đề trái bóng, rằng: Đã yêu là phải tin. Đã không tin thì đừng xem bóng đá nữa. Nó làm tôi nhớ đến bài thơ “Ở nơi đó” rất nổi tiếng của nhà thơ - tác gia Lưu Quang Vũ: Tôi đã đi bao đường xa tít tắp/ Bao mùa Đông mùa Hạ đã trôi qua.../ Nếu em biết những gì tôi đã sống/ Những buồn vui tôi đã có trong đời/ Nếu em biết bây giờ tôi khác lắm... Người ta bảo cả em giờ cũng khác/ Đã con bồng, con dắt, nhớ chi tôi/ Có sao đâu, trái mùa Thu vẫn thắm/ Mây mùa Thu vẫn trắng những chân trời...”
Cứ như một trái bóng tròn, định kỳ như một mùa bóng lớn, đời người qua đi với biết bao mùa Đông, mùa Hạ, mùa nắng, mùa mưa, với biết bao buồn vui, bao lần vấp ngã. Cả những lần được cuộc đời nâng đỡ một cách tình cờ hoặc dập vùi không thương tiếc bởi những người mà ta đã không thể không tin. Sự tình cờ của số phận này khiến tôi không ít lần gọi mùa World Cup hay EURO là “Mùa Cứu Rỗi”.
Y lúc này vậy, đòn số phận tiếp tục giáng những cú knock-out chí tử khiến dường như tôi chẳng còn ai để tin, chẳng còn gì để tin, chẳng có điều ước muốn nào nữa. Nhưng vẫn nguyên vẹn đó, niềm tin vào chiến thắng của “Die Mannschaft”. Một đức tin cuối cùng, để mà đừng ngã quỵ.
Đoản khúc này đến tay bạn đọc cũng là khi tôi đã có câu trả lời cho niềm tin của mình. Vậy thì các fan của Hà Lan, của Argentina, của Bỉ, của Costa Rica... hôm nay đây, hãy hun đúc lòng tin của mình thật mãnh liệt bằng cả trái tim mình. Chưa hẳn mọi thứ đều sẽ được đáp đền đâu, nhưng, chẳng bi kịch nào hơn là ta đã chẳng còn ai để tin, chẳng còn gì để tin nữa, phải không?
Một lần nữa lại mượn vần thơ của Lưu Quang Vũ để tặng cho tất cả những người yêu bóng đá, yêu thi ca, yêu cái đẹp: Ai biết ngày mai sẽ có những gì/ Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi/ Giữa thế giới mong manh và biến đổi
Anh yêu em và anh tồn tại!
Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất