Nguyên Vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao 1: "Cần thay đổi cách làm"

14/08/2012 11:47 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

(TT&VH)- Thể thao VN đã và đang có những tài năng đủ sức vươn tới đỉnh cao nhưng tấm huy chương tại Olympic London 2012 thì lại không có. Ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định cần nhìn thẳng vào sự thật, thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Nỗ lực của các VĐV là đáng ghi nhận

* 18 suất tham dự chính thức nhưng không có nổi một tấm huy chương nào, phải chăng thể thao VN vừa trải qua một kỳ Olympic thất bại, thưa ông?

- Trước hết phải hoan nghênh nỗ lực của các VĐV. Kết quả thi đấu của Trần Lê Quốc Toàn là rất đáng suy nghĩ bởi vì với một VĐV lần đầu tiên dự đấu trường lớn như này mà đã nâng được 284kg là tốt, nhất là khi ở thời điểm cuối năm 2011 anh ta mới nâng được 261 kg. Có một điều rất đáng tiếc là trong quá trình thi đấu, do chiến thuật, tâm lý , phân tích đối thủ ta làm chưa tốt nên để tuột HCĐ.

Có một bất ngờ tốt là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thi đấu 50m súng ngắn đứng thứ 4, được 658,5 điểm, đây là một thành tích tôi đánh giá là rất xuất sắc. Trong các kỳ Asian Games, Olympic, chúng ta từng có VĐV đứng thứ 4 là Nguyễn Mạnh Tường (Asian Games Busan 2002). Lần này Hoàng Xuân Vinh làm được việc này và chỉ kém VĐV Trung Quốc  HCĐ 0,1 điểm, đó là sự không may mắn.

Nguyễn Thị Ánh Viên ở cả nội dung thi đấu cháu đều vượt lên thành tích tốt nhất của mình trước đó và còn đứng đầu ở lượt bơi của mình cũng là một điều xuất sắc, đây là biểu hiện của những tài năng xuất sắc. Người thi đấu cuối cùng là cháu Thanh Phúc (20km đi bộ nữ) chỉ biết đi thôi cho dù có thể vẫn chưa thuộc đường nhưng đã vượt qua được thành tích tốt nhất của mình từng có tại giải VĐ châu Á. Đó là những thành tích hết sức đáng khen ngợi.



Kình ngư Ánh Viên, đốm sáng hiếm hoi trong thành tích thi đấu của các VĐV Việt Nam

* Vậy còn trường hợp những VĐV bị loại ngay từ vòng một?

- Chúng ta có nhiều VĐV thua cuộc để lại suy nghĩ. Ví dụ như Tiến Minh hạng 11 thế giới lại thua đối thủ đứng dưới mình hàng chục bậc trên bảng xếp hạng. Nhưng Tiến Minh là VĐV đã luống tuổi rồi, qua thời đỉnh cao rồi dù rất cố gắng nhưng lực bất tòng tâm. Taekwondo được rất nhiều người kỳ vọng nhưng thực tế không hy vọng gì. Lê Huỳnh Châu hay Chu Hoàng Diệu Linh như báo TT&VH dự báo nếu bốc thăm gặp đối thủ mạnh thì ra ngay từ đầu. Taekwondo như vậy cũng không may mắn.

TDDC tôi cũng từng nói là không hy vọng hoặc hy vọng mong manh vì trình độ TDDC thế giới cao lắm. Trong các cuộc thi mà Hà Thanh, Phước Hưng giành giải cao thiếu nhiều VĐV giỏi, khi Olympic thì toàn người giỏi cả thì không vào được chung kết. Hà Thanh được dự bị thứ ba cũng là xuất sắc. Việc cạnh tranh huy chương của TDDC ở thời điểm này là cực khó nếu không muốn nói là không thể. Những VĐV khác không vượt qua vòng loại như Tiến Nhật (đấu kiếm), Nguyễn Thị Lụa (vật), Văn Ngọc Tú (judo), Việt Anh (nhảy cao) thể hiện đúng trình độ các VĐV chúng ta trên đấu trường Olympic. Thành tích VĐV VN thể hiện đúng trình độ và quá trình chuẩn bị cho đấu trường Olympic. Đây là chuyện hết sức bình thường. Không thành công không có gì bất ngờ, nếu thành công mới là bất ngờ.

Không có huy chương vì ta kém họ

* Như ông đã nói cần phải ghi nhận nỗ lực của các VĐV và nhiều ý kiến đánh giá, việc lần đầu tiên có tới 18 suất chính thức góp mặt tại một kỳ Olympic đã là thành công?

- Việc có 18 VĐV vượt qua vòng loại phản ánh sự tiến bộ trình độ của VĐV và thành công trong việc thực hiện được số lượng. Tôi đồng ý đánh giá đây là thành công, nhưng mục tiêu của thể thao VN không phải có nhiều suất qua vòng loại, mục tiêu của chúng ta là huy chương. Nếu xác định đúng mục tiêu của chúng ta là huy chương thì đầu tư trọng điểm từ sớm và Quốc Toàn hoàn toàn có thể đạt huy chương.

* Theo ông, những tín hiệu tích cực và thất bại, yếu tố nào nhiều hơn trong kết quả thi đấu của đoàn thể thao VN?

- Nếu như theo lời phát biểu của lãnh đạo đoàn TTVN phát biểu là phải có huy chương mà giờ không có thì rõ ràng là thất bại, vì anh không đạt được. Nếu đến chỉ tham gia để cọ xát và học hỏi kinh nghiệm thì không nói làm gì. Qúa trình chuẩn bị có 18 VĐV vượt qua vòng loại thì đó là thành công trong chuẩn bị nhưng trình độ các VĐV chưa đủ để đạt huy chương. Tại sao trình độ thấp, đương nhiên đó là quá trình chuẩn bị, nỗ lực hết sức mà không có huy chương là do thua kém người ta thôi.

Giờ thì những người làm quản lý ngành thể thao có dám nhìn thẳng vào sự thật, coi việc không có huy chương là thất bại để nhìn lại, chuẩn bị cho Olympic tới hay không, chứ tôi nghĩ quanh co làm gì.

* Không riêng gì VN, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng không đạt mục tiêu của mình tại Olympic London?

- Trình độ thể thao khu vực Đông Nam Á thấp nhất thế giới. Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia đã từng có HCV lần này thì chỉ có HCB và HCĐ… Cái đó nó cũng thể hiện sự thụt lùi. Còn VN, dù vẫn nằm trong tốp đầu SEA Games nhưng HCV là một chuyện, thành tích kỷ lục lại là chuyện khác. Anh có 100 hay 200 HCV SEA Games thì đó cũng chỉ là huy chương ở khu vực trình độ thấp thôi.

* Theo ông thể thao VN có cơ hội để cạnh tranh huy chương, thậm chí là HCV tại Olympic lần tới ở Brazil?

- Tôi vừa theo dõi Hội khỏe Phù Đổng, thôi thấy xuất hiện nhiều VĐV có thành tích tốt như ở karate, taekwondo, bơi, điền kinh và các mầm non của bóng đá, bóng rổ, họ có chuyên môn rất hay. Nhưng họ chỉ mới là những mầm non, thể hiện khả năng. Các VĐV này đủ trình độ nhưng bồi dưỡng cho có hệ thống để họ đạt thành tích cao thể thao đỉnh cao, đấy mới là chính. Ngay như trong đoàn thể thao VN đi Olympic London cũng có nhiều VĐV có khả năng lên cao và đã lên cao rồi như Trần Lê Quốc Toàn. Vậy ta phải làm gì? Cần nhìn lại quá trình chuẩn bị, thay đổi cách làm, chuẩn bị có hệ thống. Nhìn thẳng vào những sai sót mà lâu nay không chịu thừa nhận. Phải đầu tư trong một chu kỳ Olympic 4 năm liên tục cho những VĐV xuất sắc nhất, nếu làm được như thế chắc chắn chúng ta sẽ có huy chương. Nếu làm được và làm ngay thì đến Olympic tại Rio de Janeiro thì thể thao VN vẫn có thể có huy chương Olympic.

* Xin cảm ơn ông!

Lâm Chi(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm