14/01/2017 17:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong 11 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc, mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á lại sống ở TP.HCM, nên anh đã di chuyển vô số chuyến trong gần 10 năm qua để hoàn thành bộ sách đồ sộ này.
Sách dày gần 410 trang khổ lớn, in cả ngàn bức ảnh, thật công phu, chứng tỏ quá trình tích cóp hình ảnh có tầm nhìn xa và rất kiên trì. Thế nhưng, nếu nhìn rộng ra phần tư liệu mà Nguyễn Á đã chụp thì còn đồ sộ và công phu hơn nữa, chắc phải vài chục ngàn bức hình. “Đây là ý tưởng có tầm nhìn văn hóa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và cũng là một công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị góp phần quảng bá và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhận xét.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á
Nguyễn Á kể, riêng khía cạnh di sản phi vật thể, anh chụp rất nhiều, không chỉ thu hẹp trong 11 loại hình, vì muốn góp sức lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc. Như sách này, về căn bản anh đã xong từ lâu, nhưng phải chờ kết quả từ UNESCO vềtín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ - trong đó có hát hầu đồng. Vì vậy, khi có kết quả ngày 1/12/2016, Nguyễn Á cần khoảng 2 tuần là sách đi nhà in, rất nhanh.
“Tôi có niềm tin rằng tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ sẽ được vinh danh, nên cứ chờ. Nếu thiếu niềm tin ấy thì tôi đã in sách 10 di sản phi vật thể từ mấy tháng trước, mà như vậy, sách bây giờ thành ra thiếu cập nhật, thiếu tính báo chí” - Nguyễn Á cho biết.
Các di sản trong sách gồm nhã nhạc cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; đờn ca tài tử Nam bộ; kéo co; dân ca ví giặm; tín ngưỡng thờ Hùng Vương; hát xoan ở Phú Thọ; hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc; hát ca trù.
Bìa sách “11 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh” của Nguyễn Á
“Khi nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa thế giới phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam (công nhận tháng 11/2003), tôi đã có giấc mơ về một cuốn sách như ngày hôm nay. Ý tưởng của tôi rất chân phương thôi, mình thử dùng những bức ảnh (vật thể) để ghi lại những di sản phi vật thể xem sao. Càng đi càng chụp nhiều, tất nhiên tôi có được nhiều bức ảnh, nhưng cái được lớn hơn là những câu chuyện di sản, những bài học của cha ông mình còn truyền lại. Cuộc sống bây giờ đang chuyển đổi rất nhanh, chắc chắn có nhiều giá trị cũ sẽ mất đi, tôi hạnh phúc vì mình có dịp chiêm ngưỡng những di sản một cách sống động”.
Nhận xét về sách này, nhiếp ảnh gia - nhà báo Đồng Đức Thành cho biết: “…Mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Một tập sách ảnh là một câu chuyện dài tập hợp các câu chuyện ngắn, được hình thành, kể lại bằng nghệ thuật ánh sáng, có mở có kết, có dẫn dắt, có hậu. Với một tài năng kể chuyện duyên dáng, có sức thu hút, dẫn dắt người xem vào mạch đời, hòa mạch tình của tác giả với đời”.
7 năm 6 cuốn sách đồ sộ Trong 7 năm mà ra 6 cuốn sách ảnh đồ sộ thì quả thật hiếm có nhiếp ảnh gia Việt Nam nào làm nổi. Nguyễn Á là tay máy đa diện, chụp được nhiều lĩnh vực, từ ảnh cưới, ảnh giải trí cho đến ảnh nghệ thuật, báo chí. Các sách ảnh của anh gồm: Thanh niên tình nguyện mùa Hè xanh (2008); Họ đã sống như thế (2009); Tâm và tài, họ là ai? (2012); Nick Vujicic & Những ngày ở Việt Nam (2013); Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam (2014); Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương (2015). |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất