01/11/2017 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hỏi vở diễn Hồng Lâu Mộng của Nhà hát Kịch Việt Nam có lạ không, câu trả lời tất nhiên là có. Còn hỏi “có hấp dẫn không”, lời đáp có lẽ sẽ phụ thuộc vào sở thích mỗi người.
1.Cuối cùng, sau hơn một tháng dàn dựng, Hồng Lâu Mộng đã ra mắt người xem tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 29/10. Trước đó, thông tin về việc một trong Tứ đại kỳ thư của Trung Quốc được dàn dựng tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã làm rất nhiều khán giả tò mò và hào hứng.
Cũng cần nhắc lại, 36 tập phim truyền hình Hồng Lâu Mộng(Trung Quốc) phát sóng tại Việt Nam vào năm 1992, chuỗi phim này đã gây ấn tượng rất mạnh đối với khán giả thế hệ 6X, 7X.
Và thực tế, chính ký ức từ phim kinh điển ấy mới là lý do để vở kịch nói Hồng Lâu Mộng lần này được chờ đợi.
Thế nhưng, tính chất của một vở kịch dài 2 tiếng đồng hồ rõ ràng khác rất nhiều so với hàng ngàn trang sách, hay 36 tập phim truyền hình. Và, như lời TS Chua Soo Pong, (đạo diễn và cũng là biên kịch của vở), trong vô vàn nút thắt và mâu thuẫn từng làm đau đầu giới “Hồng học” của Trung Quốc, ông chỉ chọn những chi tiết liên quan đến mối tình tay ba của Giả Bảo Ngọc để đưa lên sân khấu lần này.
Từng nhiều lần dàn dựng vở diễn tại Việt Nam (và cũng có 2 lần dựng vở Hồng Lâu Mộng tại sân khấu Singapore trong quá khứ),có lẽ vị đạo diễn người Singapore này hiểu khá rõ nhu cầu và sở thích của khán giả Việt - để không đưa Hồng Lâu Mộng chạy theo những góc nhìn và tình tiết phức tạp khác.
2. Bởi thế, bản diễn Hồng Lâu Mộng của Nhà hát Kịch Việt Nam giống như một lát cắt từ nguyên gốc. Bên cạnh nhân vật trung tâm là Giả Bảo Ngọc, 12 cô tiểu thư "Thập nhị kim thoa" chỉ được giữ lại 3 cái tên là Lâm Đại Ngọc, Phượng Thư và Tiết Bảo Thoa. Những gì diễn ra trên sân khấu cũng chủ yếu khái quát quanh các diễn biến chính, kể từ khi Lâm Đại Ngọc tới Vinh Quốc Phủ, nảy nở tình cảm với Giả Bảo Ngọc rồi ôm hận qua đời...
Nhưng, dưới bàn tay đạo diễn của Chua Soo Pong, Hồng Lâu Mộng không đơn thuần là kể lại những gì có trong nguyên bản. Tính cách của bộ ba nhân vật Lâm - Giả - Tiết không còn phức tạp, mơ hồ mà sắc nét, rõ ràng hơn và thật sự mang theo những diễn biến tâm lý sống động.
Ở đó, Giả Bảo Ngọcdù là một cậu ấm ham chơi, bồng bột nhưng lại có ý thức đủ mạnh để gắng bứt thoát khỏi những kỳ vọng của gia tộc về đỗ đạt, khoa cử nhằm bảo vệ tình yêu.Tiết Bảo Thoa không còn là một cô gái an phận thủ thường, chấp nhận màn kịch "tráo hôn" như một sự sắp đặt. Ở phiên bản sân khấu lần này, đó là một cô tiểu thư cũng biết yêu,biết tủi, biết cảm thấy hạnh phúc khi được gả cho Giả Bảo Ngọc, nhưng cũngbiết đau đớn, day dứt băn khoăn tới mức muốn phá bỏ màn kịch, khi nghĩ tới tình yêu Lâm - Giả sâu sắc thế nào...
Nghĩa là, như nhận xét của nhiều chuyên gia tại buổi ra mắt, tình yêu trong Hồng Lâu Mộng "made in Vietnam" lần này gần gũi với cuộc sống thật, với những cung bậc cảm xúc thông thường của con người hơn, so với những gì được viết trong nguyên tác. Kèm theo diễn xuất khá chững chạc của những Tuấn Dũng (Giả Bảo Ngọc), Diễm Hương (Lâm Đại Ngọc), Nguyễn Thị Hường (Tiết Bảo Thoa), phần âm nhạc và phục trang được đầu tư khá công phu của vở diễn cũng đủ để thu hút sự tập trung của người xem trong hơn 120 phút.
Tất nhiên, với sự kỳ vọng của những người đã đọc sách, hoặc xem phim Hồng Lâu Mộng, 120 phút ấy có lẽ là quá ít so với một hệ thống đồ sộ những nhân vật và tình tiết trong nguyên gốc. Nhưng, gạt bỏ được tâm lý ấy, người ta sẽ nhận ra: việc chuyển thể và dàn dựng một đại kỳ thư của văn học cổ điển Trung Quốc trên sân khấu Việt là điều đáng mừng...
NSND Anh Tú tạm nắm quyền lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam Trong buổi ra mắt Hồng Lâu Mộng, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã có buổi chia tay Giám đốc Nguyễn Thế Vinh, người giữ vai trò lãnh đạo Nhà hát từ năm 2012. NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát, đã được Bộ VH,TT&DL phân công tạm thời nắm quyền điều hành Nhà hát cho đến khi việc bổ nhiệm Giám đốc mới được tiến hành. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất