Độc giả thế giới hoài nghi về vai trò của AI trong sản xuất thông tin

17/06/2024 17:04 GMT+7 | Tin tức 24h

Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số hằng năm của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho thấy những thách thức mới mà ngành báo chí đang đối mặt trong kỷ nguyên số, theo đó nêu bật những quan ngại ngày càng gia tăng về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất thông tin và sự lan truyền các tin tức sai lệch.

Báo cáo được công bố ngày 17/6, dựa trên các cuộc khảo sát đối với gần 100.000 người tại 47 quốc gia, trong đó 2.000 người được hỏi tại mỗi quốc gia, qua đó nhấn mạnh những rào cản mà các phương tiện truyền thông phải đối mặt trong việc thu hút khán giả, nâng cao doanh thu và duy trì hoạt động kinh doanh.

Việc ứng dụng AI vào sản xuất tin tức, vốn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng thông tin, lại vấp phải sự hoài nghi từ công chúng. Khảo sát cho thấy 52% người dùng ở Mỹ và 63% người dùng ở Anh bày tỏ lo ngại về độ tin cậy và tính khách quan của tin tức được AI tạo ra, đặc biệt là đối với các vấn đề nhạy cảm như chính trị và xã hội. Tuy nhiên, người dùng ủng hộ việc sử dụng AI để hỗ trợ các công việc hậu trường của nhà báo, như phân tích dữ liệu, xác minh thông tin và đề xuất ý tưởng.

Độc giả thế giới hoài nghi về vai trò của AI trong sản xuất thông tin - Ảnh 1.

Trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: Internet

Mối lo ngại về tin tức sai lệch đã tăng lên, với 59% số người được hỏi trên toàn cầu lo ngại về độ tin cậy của nội dung trực tuyến. Con số này cao hơn đáng kể ở các quốc gia như Nam Phi (81%) và Mỹ (72%), những quốc gia đang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử trong năm nay.

Bên cạnh sự nghi ngờ đối với AI và quan ngại về thông tin sai lệch, ngành báo chí đang phải chật vật thu hút và giữ chân độc giả. Báo cáo cho thấy tỷ lệ người dùng trả tiền cho tin tức trực tuyến ở mức 17% - không thay đổi so với 3 năm trước đây bất chấp sự bùng nổ của Internet và nhu cầu ngày càng cao về thông tin. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này được cho là do sự phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội, nơi người dùng có thể tiếp cận tin tức miễn phí và tương tác trực tiếp với các nhà sáng tạo nội dung và KOL (những nhân vật có sức ảnh hưởng). Điều này khiến các kênh tin tức truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và thu hút lượng truy cập.

Một cuộc khảo sát hơn 5.600 người dùng TikTok cho thấy 57% trong số đó chủ yếu cập nhật tin tức thông qua việc theo dõi tài khoản của các cá nhân có tầm ảnh hưởng, so với 34% theo dõi các nhà báo hoặc các hãng tin tức. Tác giả nghiên cứu Nic Newman nhấn mạnh điều này nêu bật sự cần thiết của việc các kênh tin tức phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, đồng thời sử dụng các nền tảng như Tiktok và tương tác một cách có chiến lược để kết nối với giới trẻ - những đối tượng được cho là khó tiếp cận hơn với tin tức.

Linh Tô/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm